Ngày 06/9/2016, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo phổ biến kết quả Điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam (GATS 2015).
Phát biểu tại buổi Hội thảo GS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, sử dụng thuốc lá có liên quan tới nhiều bệnh không lây nhiễm như các bệnh tim mạch, ung thư, bệnh hô hấp mạn tính. Trên toàn cầu, có khoảng 6 triệu người tử vong mỗi năm do các bệnh có liên quan tới sử dụng thuốc lá. Tại Việt Nam, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong do các căn bệnh liên quan tới sử dụng thuốc lá.
Hút thuốc lá gây nên hàng loạt căn bệnh không lây nhiễm.
“Một trong những thành công lớn nhất mà chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đạt được đó là việc chúng ta đã kìm giữ để tỷ lệ sử dụng thuốc lá không tăng. Đây cũng là bài học thành công của nhiều nước trên thế giới.
Với việc giữ cho tỷ lệ sử dụng thuốc lá không tăng, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội hơn để triển khai toàn diện các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả, hỗ trợ những người cai thuốc bỏ thuốc, và ngăn ngừa thanh thiếu niên không trở thành người hút thuốc, bảo vệ tốt hơn sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, kết quả điều tra cũng cho thấy, mặc dù tỷ lệ hút thuốc thụ động giảm đáng kể nhưng tỷ lệ này cũng vẫn còn rất cao, 42% phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nơi làm việc, gần 60% người hút thuốc thụ động tại nhà.
Đặc biệt là việc hút thuốc thụ động trong các nhà hàng với khoảng 80%. Tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc vẫn còn cao: 45,3%. Điều này tiếp tục đặt ra nhiều nhiệm vụ nặng nề cho công tác phòng, chống tác hại thuốc lá trong thời gian tới”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Theo các chuyên gia, việc quản lý lỏng lẻo thuốc lá hiện nay đang là một vấn đề đặt ra trong việc phòng chống tác hại của thuốc lá. Theo đó, bất cứ ai cũng có thể mua được thuốc lá ngoài thị trường, đối với những người có tiềm lực kinh tế thì không bàn đến, nhưng kể cả học sinh hay trẻ nhỏ chỉ cần có 1000 đồng trong tay là cũng có thể mua được 1 điều thuốc lá lẻ. Nếu không kiểm soát và có chế tài trong vấn đề này thì chắc hẳn việc phòng chống tác hại của thuốc lá sẽ rất khó để thành công.
Theo kết quả điều tra năm 2015, so với năm 2010, tỷ lệ hút thuốc (bao gồm cả thuốc lá có khói và không khói) ở cả nam và nữ có xu hướng giảm từ 23,8% đến 22,5%, trong đó tỷ lệ hút thuốc ở nam giới giảm từ 47,4% xuống 45,3%. Đối với sản phẩm thuốc lá điếu, tỷ lệ hút ở cả nam và nữ giảm từ 19,9% xuống 18,2%. Tại khu vực thành thị, tỷ lệ nam giới hút thuốc (bao gồm cả thuốc lá có khói và không khói) giảm từ 47,7% xuống 42,7%. Tỷ lệ hút thuốc lá điếu của cả nam và nữ ở khu vực thành thị giảm từ 22% xuống 18,8%. Tỷ lệ hút thuốc thụ động tuy có giảm rõ rệt tại hầu hết địa điểm công cộng như tại nơi làm việc giảm 13,3% (từ 55,9% xuống 42,6%); trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15% (từ 34,3% xuống còn 19,4%) nhưng tỷ lệ này vẫn còn ở mức cao (tại nhà là 62%, tại nơi làm việc là 42%; trong nhà hàng là 80%). |
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn