Có 7 nhóm đối tượng được bồi thường thiệt hại do sự cố ô nhiễm biển miền Trung.
Theo đó, có 7 nhóm đối tượng thiệt hại được xác định bồi thường do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, gồm: 1- Khai thác hải sản; 2- Nuôi trồng thủy sản; 3- Sản xuất muối; 4- Hoạt động kinh doanh thủy sản ven biển; 5- Dịch vụ hậu cần nghề cá; 6- Dịch vụ du lịch, thương mại ven biển; 7- Thu mua, tạm trữ thủy sản.
Định mức bồi thường thiệt hại được xây dựng trên nguyên tắc xác định thiệt hại của 7 nhóm đối tượng thiệt hại được xác định bồi thường do sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh nêu trên.
Trong đó, với chủ tàu/thuyền không lắp máy bị thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 5,83 triệu đồng/tàu/tháng; chủ tàu lắp máy dưới 20 CV thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 10,67 triệu đồng/tàu/tháng; tàu lắp máy công suất từ 20 CV đến dưới 50 CV thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 15,2 triệu đồng/tàu/tháng; chủ tàu lắp máy công suất từ 800 CV trở lên thiệt hại do giá thì định mức bồi thường là 37,48 triệu đồng/tàu/tháng...
Đối tượng lao động trên tàu/thuyền không lắp máy thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 3,69 triệu đồng/người/tháng; định mức bồi thường là 5,96 triệu đồng/người/tháng với đối tượng lao động trên tàu lắp máy dưới 20 CV thiệt hại do nằm bờ; đối tượng lao động trên tàu lắp máy công suất từ 20 CV đến dưới 50 CV thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 7,65 triệu đồng/người/tháng; định mức bồi thường là 8,79 triệu đồng/người/tháng với đối tượng lao động trên tàu lắp máy công suất từ 50 CV đến dưới 90 CV thiệt hại do nằm bờ.
Thiệt hại nghề muối định mức bồi thường là 39,37 triệu đồng/ha/tháng. Thiệt hại nghề muối trả 1 lần. Người lao động bị mất thu nhập định mức bồi thường là 2,91 triệu đồng/người/tháng.
Quyết định cũng quy định cụ thể định mức bồi thường nuôi trồng thủy sản mặn, lợ.
Riêng đối với 3 đối tượng: Khai thác thủy sản trên tàu có công suất máy chính từ 90 CV trở lên; nuôi trồng thủy sản (thủy sản chết) và sản xuất muối; thu nhập bị mất của người lao động làm thuê được tính chung trong định mức bồi thường thiệt hại của chủ tàu hoặc chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối.
Căn cứ định mức bồi thường thiệt hại, UBND tỉnh hướng dẫn các chủ tàu hoặc chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối thống kê danh sách những lao động làm thuê trên tàu, trong cơ sở nuôi trồng thủy sản, cơ sở sản xuất muối và mức bồi thường đối với mỗi lao động cho phù hợp, đảm bảo đồng thuận, có xác nhận của từng người lao động. Trên cơ sở đó thực hiện bồi thường thiệt hại cho chủ tàu, chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối để cấp cho từng người lao động theo danh sách đã thống kê trên.
Căn cứ đối tượng thiệt hại được xác định bồi thường do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và định mức bồi thường thiệt hại, UBND tỉnh thực hiện kiểm tra, rà soát, xác định tổng mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng thuộc địa phương quản lý gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính tổng hợp trước ngày 5/10/2016. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thẩm tra, xác định kinh phí bồi thường của từng địa phương gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 10/10/2016.
Thời gian tính bồi thường thiệt hại tối đa là 6 tháng, từ tháng 4/2016 đến hết tháng 9/2016. Như vậy, cộng tiền trong 6 tháng thì mức bồi thường cao nhất 1 tàu cá được nhận vào khoảng 220 triệu đồng, mức bồi thường cao nhất 1 người lao động trên tàu đánh bắt hải sản có thể nhận được là trên 50 triệu đồng.
Nguồn kinh phí bồi thường thiệt hại về kinh tế cho các đối tượng nêu trên được sử dụng từ nguồn kinh phí do Công ty trách nhiệm hữu hạn Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh bồi thường.
P.T
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn