Dấu chân trần trên cát của người giáo viên yêu nghề
Từ thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) ra đến đảo Ngọc Vừng mất gần 2 tiếng đi ca-nô trên biển. Đó là tình hình giao thông vào những ngày biển yên gió lặng, còn nếu bão về thì tất cả mọi phương tiện đều phải dừng hoạt động, đồng nghĩa với việc những người dân trên đảo bị cô lập tạm thời với đất liền.
Trên đảo, cơ sở hạ tầng còn khó khăn, nhưng bù lại cảnh sắc của Ngọc Vừng đẹp vô cùng. Cả đảo chỉ có một trường học, dạy cả khối cấp 1 và cấp 2, có tên là trường PTCS Ngọc Vừng. Nơi đó, thầy giáo Lưu Thế Sơn gửi gắm 15 năm cuộc đời.
Thầy Sơn đón lứa học trò đầu tiên của mình trên đảo Ngọc Vừng khi mà nơi đây còn chưa có điện, đường xá chưa hoàn thiện, các thầy cô giáo từ đất liền ra đảo còn phải ở nhờ nhà của các hộ dân làm kinh tế mới.
Thầy giáo kể: “Tôi nhớ nhất là những ngày làm công tác bổ túc, phổ cập giáo dục cho nhân dân trên đảo. Do nhiều người không được theo học đúng độ tuổi, lại thường theo gia đình trên những chuyến biển dài ngày.
Có lần học sinh đi học bổ túc nhưng đến giờ học lại đi biển đánh cá. Tôi vội vàng ra cảng để “dỗ” trò quay lại lớp. Học xong, tôi lại đưa học sinh đi làm việc phụ giúp gia đình. Thương các trò ngoài đảo, giờ tôi không có ý định về đất liền nữa”.
Nhiều lần, thầy Sơn một mình lặn lội vào rừng sâu, leo nhiều triền cát để đến nhà học sinh vận động đến lớp. Giữa những triền cát trắng đẹp vô ngần trên đảo xa, bóng dáng một người thầy giáo một mình bước đi với đôi chân trần đã trở nên quen thuộc. Dù cát nóng bỏng rát đôi chân, thầy Sơn cũng chưa từng nản lòng.
Thương cảnh thầy giáo nghèo, gà trống nuôi con
Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh, thầy Sơn được phân công về dạy học trò của xã đảo Ngọc Vừng. Sau 15 năm sống trên đảo, thầy đã 7 lần chuyển nhà, từ nhà thuê, nhà mượn đến nhà tập thể. Mãi đến năm 2015, thầy mới vay mượn được tiền để mua một căn nhà.
Do cuộc sống vất vả, thầy Sơn và vợ cũ đã chia tay, thầy nhận nuôi 2 đứa con thơ dại. Cảnh gà trống nuôi con vất vả bao nhiêu thì các đồng nghiệp ở trường và hàng xóm xung quanh đều chứng kiến. Để lo cho con, thầy Sơn vừa đi dạy, vùa nhận sửa xe đạp, xe máy tại nhà kiếm thêm thu nhập. Đều đặn mỗi buổi sáng sớm, thầy còn ra biển bắt cá, tôm làm thức ăn cho con.
Thương cảnh người đàn ông một nách hai con, cô gái người Hà Nam đã quyết định nên duyên vợ chồng với thầy Sơn. Trước đó, chị đã tốt nghiệp trường CĐ Phát thanh truyền hình 1, có công ăn việc làm ổn định nhưng khi lấy thầy Sơn, chị chủ động theo thầy về đảo sống, cùng thầy vun ước mơ gieo chữ cho trẻ em vùng biển đảo.
Chị nói: “Tôi chỉ muốn là hậu phương vững chắc cho anh yên tâm công tác, là người mẹ thứ hai của các con anh và sẽ bù đắp những thiệt thòi thiếu thốn tình cảm của các cháu. Tôi cũng không hối hận khi lấy anh vì anh hiền lành, chăm chỉ, thương yêu học trò”. Hiện nay, thầy Sơn cùng người vợ mới đang chuẩn bị đón đứa con sắp chào đời.
Nói về người giáo viên có chuyên môn Văn học và Địa lý, thầy Đỗ Đức Đạt, Hiệu trưởng trường PTCS Ngọc Vừng cho biết: “Thầy giáo Sơn là người có nghị lực, tâm huyết với công tác giảng dạy và học trò; tích cực tham gia giáo viên biệt phái của Trung tâm học tập cộng đồng. Thầy Sơn được Nhà trường ghi nhận, đạt giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở. Bên cạnh đó, được giấy khen của UBND huyện Vân Đồn; có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục bổ túc năm 2004”.
Thầy Hiệu trưởng và tập thể cán bộ giáo viên trường Ngọc Vừng đã giới thiệu thầy giáo Lưu Thế Sơn với Phòng GD&ĐT huyện để tham gia chương trình tri ân giáo viên “cắm đảo” - “Chia sẻ cùng thầy cô 2016”. Thầy Lưu Thế Sơn là một trong số 42 giáo viên biển đảo được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” sắp tới. Chương trình do Bộ GD&ĐT, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức.
Mai Châm
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn