Lũ lụt, mưa lớn: Chỉ đóng điện trở lại khi người dân đã an toàn

Thứ bảy - 13/08/2016 02:20

Lũ lụt, mưa lớn: Chỉ đóng điện trở lại khi người dân đã an toàn

Dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, tác động bất lợi của tình hình thời tiết đối với hoạt động của ngành điện càng trở nên phức tạp, khó lường hơn. Do đó, công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã được đẩy mạnh nhằm chủ động ứng phó với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra.

Chủ động phòng hơn chống

Mới đây, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn TƯ đã đưa ra nhận định xu thế khí tượng thủy văn mùa mưa bão năm 2016. Theo TS. Nguyễn Đăng Quang, Trưởng phòng dự báo khí tượng hạn vừa, hạn dài, El Nino 2014/2016 được đánh giá là một kỳ El Nino mạnh kỷ lục, có cường độ tương đương với kỳ El Nino 1997/1998. Ngoài ra, El Nino 2014/2016 có khả năng trở thành một trong những El Nino kéo dài nhất từ trước đến nay, khoảng 20 tháng.

Cũng theo ông Quang, dự báo chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển sẽ tiếp tục suy giảm nhanh nhiều khả năng El Nino sẽ chấm dứt và hiện tượng ENSO, hiện tượng kép kết hợp giữa 2 hiện tượng El Nino/La Nina trở về trạng thái trung tính. Từ tháng 8 trở đi, chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển có khả năng tiếp tục giảm nhanh do vậy khả năng xuất hiện hiện tượng La Nina từ những tháng cuối năm tương đối cao.

“Chính vì vậy, nhiều khả năng bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông sẽ xuất hiện muộn và ít hơn trung bình nhiều năm, trong đó sẽ có khoảng 4-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền và tập trung vào những tháng cuối năm từ tháng 8 đến tháng 11/2016”, ông Quang cho hay.

Những diễn biến bất lợi của thời tiết có thể xảy ra khiến hoạt động của ngành điện càng trở nên phức tạp hơn đặc biệt ở vùng núi thường xuyên xảy ra mưa lớn, bão gió, sạt lở đất và các các tỉnh ven biển nơi “đón đầu” những cơn bão từ biển Đông.

Ông Hồ Mạnh Tuấn - Phó tổng giám đốc tổng công ty điện lực miền Bắc

Ông Hồ Mạnh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Phó Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiến cứu nạn (PCTT & TKCN) cho biết, nhằm ứng phó với tình hình thời tiết mùa mưa bão năm 2016, các đơn vị đã kiện toàn Ban chỉ huy PCTT & TKCN, xây dựng các phương án PCTT & TKCN. Thành lập các đội xung kích và tổ chức rà soát lưới điện để có giải pháp củng cố các khiếm quyết, khắc phục các tồn tại trên lưới điện sớm để có thể vừa đáp ứng được việc cung ứng điện và vượt qua được sự tàn phá ở mức nhất định trong thời điểm thiên tai.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho biết, các đơn vị cũng đã chủ động phối hợp với các cấp chính quyền địa phương để tuyên truyền, phổ biến đối với người dân về công tác an toàn về điện trong mùa mưa bão.

Cùng với đó, đã chuẩn bị xong vật tư dự phòng và các lực lượng ứng trực để khi xảy ra thiên giảm thiểu một cách tối đa các thiệt hại về người và của, kể cả của ngành điện cũng như của nhân dân. Đồng thời, khắc phục một các nhanh nhất các hậu quả để cấp điện trở lại cho người dân trong thời gian sớm nhất nhưng phải đảm bảo an toàn.

“Đảm bảo an toàn cho dân là tiêu chí đầu tiên”

Cũng theo chia sẻ của ông Hồ Mạnh Tuấn, công tác PCTT & TKCN với đặc thù của các địa phương, các địa bàn, các công ty Điện lực sẽ có những giải pháp phù hợp.

Cụ thể, với các đảo, điểm đầu tiên đi vào của các cơn bão, cường độ gió mạnh nên được quan tâm nhiều hơn và có những giải pháp trong kiểm tra, rà soát, củng cố khắc phục khiếm quyết sớm hơn. Bên cạnh đó, chất lượng lưới điện trên các đảo đều mới được đầu tư với chất lượng tốt, thiết bị sà xứ đường dây, trạm biến áp được thiết kế xây dựng đạt tiêu chuẩn chống ăn mòn, khí hậu biển ...

Trường hợp khi đã xảy ra bão lực lượng tại chỗ trên các đảo sẽ lấy việc đảm bảo an toàn cho người dân làm tiêu chí đầu tiên sau đó mới đến khắc phục, phát hiện các hậu quả khi bão đi qua để khôi phục điện cấp cho dân. “Điện lực tại địa phương phải đảm bảo an toàn thực sự cho người dân thì mới đóng điện trở lại trong thời điểm lũ lụt, mưa lớn xảy ra”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Đối với những địa bàn mới tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, theo ông Tuấn, để đảm bảo an toàn điện Điện lực miền Bắc đã tiến hành song song việc thu xếp vốn để đầu tư, cải tạo nâng cao hệ thống lưới điện hạ áp sau tiếp nhận để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật vận hành, đảm bảo an toàn tối thiểu.

Đồng thời, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền, cảnh báo các mức độ an toàn trong mùa mưa bão; Tranh thủ các nguồn vốn tự có như vốn sửa chữa lớn, vốn sửa chữa thường xuyên... để khắc phục ngay những điểm xung yếu, có khả năng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong dân ngay trước mùa mưa bão.

Theo ông Tuấn, Điện lực miền Bắc hiện đang quản lý hệ thống lưới điện trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố phía Bắc, trong đó có 2/3 là các tỉnh Trung du, miền núi và đây cũng là những đơn vị chịu tác động mạnh nhất của thời tiết những năm qua.

Ban An toàn – EVNNPC khuyến cáo khách hàng sử dụng điện khi mưa, bão, ngập lụt phải hết sức chú ý và thực hiện các chỉ dẫn an toàn điện

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Giám đốc Điện lực Lạng Sơn, địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng của mưa lũ, gió lốc, lũ cục bộ cho biết, khi có thông tin mưa, bão, lũ có thể xảy ra sẽ đảm bảo 100% quân số trực 24/24h tại các đơn vị. Bên cạnh đó, chuẩn bị đầy đủ các trang bị dụng cụ phương tiện phục vụ công tác di dời, vận chuyển vật tư, người và thiết bị cùng phương tiện khắc phục sự cố.

Trong khi đó, tại Hải Phòng, một trong những tỉnh ven biển, gánh chịu bão gió, thiên tai thường xuyên, ông Phạm Văn Tắm, Phó Giám đốc phụ trách an toàn Điện lực Hải Phòng cho biết, đơn vị đã xác định tập trung cao độ cho việc thực hiện PCTT & TKCN. Theo đó, thành lập Ban chỉ đạo, đề ra phương án, kế hoạch triển khai cho toàn công ty và cấp cơ sở.

Riêng đối với Điện lực Đồ Sơn, đơn vị đã xây dựng phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với chủ trương vốn tại chỗ như chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ…

MỘT SỐ CHỈ DẪN VỀ AN TOÀN ĐIỆN TRONG MÙA MƯA BÃO ĐƯỢC KHUYẾN CÁO ĐỐI VỚI NGƯỜI DÂN

Để phòng tránh các tai nạn điện có thể xảy ra, Ban An toàn – EVNNPC khuyến cáo khách hàng sử dụng điện khi mưa, bão, ngập lụt phải hết sức chú ý và thực hiện các chỉ dẫn an toàn điện như sau:

1. Không đứng trú mưa ở tại chân cột điện, dưới mái hiên trạm biến áp.

2. Không chạm trực tiếp vào cột điện, dây nối đất, dây chằng cột điện, thùng điện kế, thùng cầu dao…

3. Không lên sân thượng, mái nhà (nơi có đường dây điện băng qua).

4. Không tự ý sửa chữa đường dây, thiết bị điện ngoài trời.

5. Nên ngắt nguồn điện nếu khu vực trong nhà bị ngập nước.

6. Nên bố trí chỗ lắp đặt đường dây dẫn điện, ổ cắm điện, thiết bị sử dụng điện trong nhà cao hơn mức nước thường ngập lụt, ẩm ướt; lắp thiết bị đóng, cắt có tính năng chống rò điện phù hợp.

7. Nên cắt nguồn điện cung cấp cho các thiết bị sử dụng điện lắp đặt ngoài trời (các bảng hiệu, bảng quảng cáo…) khi trời mưa to, gió lớn.

8. Nên tránh xa, cảnh báo cho mọi người xung quanh biết và lập rào chắn khi phát hiện cột điện nghiêng, đổ, dây điện đứt rơi xuống đường, ruộng, ao hồ,... và báo ngay cho Trung tâm Chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc qua Tổng đài 19006769 để thông báo xử lý kịp thời.

Nguyệt Hà

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây