Theo đó, năm 2016, UBND thành phố Trà Vinh dành 1,2 tỷ đồng để triển khai việc chăm sóc đặc biệt những cây cổ thụ đang có dấu hiệu suy kiệt sức sống trên địa bàn. Năm 2017, sẽ dành 5 tỷ đồng để tiếp tục chăm sóc, bảo dưỡng cây cổ thụ.
Biện pháp chăm sóc cây là sẽ áp dụng kỹ thuật đào bỏ lớp bê tông và khoét sâu xuống lòng đất quanh gốc cây cổ thụ từ 40 – 45 cm, rộng từ 4 – 6m2 (tùy theo vị trí của cây) để bón vôi, thuốc bảo vệ thực vật và bổ sung lượng phân cần thiết. Ngoài ra, quanh gốc cây cổ thụ còn được đặt 4 ống nhựa có đường kính 90 cm, độ sâu 1,5m để truyền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giúp cây cổ thụ hấp thụ dinh dưỡng và được bảo vệ tốt.
Qua thống kê, hiện tại thành phố Trà Vinh có khoảng 15.000 cây xanh các loại, trong đó có gần 1.000 cây cổ thụ trên 100 năm tuổi và 10 cây cổ thụ trên 200 năm tuổi ở các tuyến đường nội ô. Ngoài ra còn hàng ngàn cây cổ thụ ở các chùa, vùng ven, nhà dân...
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó phòng Tổng hợp phụ trách cây xanh (Công ty TNHH MTV công trình đô thị Trà Vinh) cho biết: “Cây xanh ở TP có chế độ cắt tỉa, chăm sóc, bón phân rất cẩn thận. Đặc biệt trên mỗi cây cổ thụ đều gắn mã số riêng để dễ quản lý, chăm sóc”.
Tuy nhiên, qua khảo sát và kết luận của các chuyên gia Viện cây xanh của Australia, Trường Đại học Nông - Lâm Thành phố Hồ Chí Minh và các Viện chuyên ngành của Việt Nam, hiện nay thành phố Trà Vinh có khoảng 420 cây cổ thụ (sao, dầu, me) đang có chiều hướng chết dần. Nguyên nhân là do bị bê tông hóa khi xây dựng vỉa hè đường phố, phương pháp chăm sóc chưa đúng cách, không phù hợp với độ tuổi của cây, làm hạn chế sự quang hợp, hút nước… dẫn đến cây có sức sống kém.
Việc đầu tư kinh phí để chăm sóc đặc biệt sẽ giúp cho cây xanh ở TP Trà Vinh được bảo vệ tốt hơn. Đồng thời phát huy giá trị của “lá phổi xanh” giữa lòng thành phố với hàng cây cổ thụ rợp bóng quanh năm.
Minh Giang
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn