Ngày 3.9.2004, một tình nguyện viên ôm một em bé sau khi lực lượng đặc biệt của Nga tấn công nhóm khủng bố khống chế các học sinh, giáo viên và nhân viên Trường số 1 ở thị trấn Beslan, tỉnh Bắc Ossetia, gần Chechnya
Thế giới ngày càng bất ổn với những vụ khủng bố, bắt cóc con tin ở nhiều nơi. Qua loạt bài này, mời bạn đọc cùng nhìn lại những vụ bắt cóc con tin lớn nhất thế giới, và cách các nước xử lý những vụ khủng hoảng như vậy. |
Khi bà Nadezhda Guriyeva đang lúi húi chuẩn bị trang phục cho bọn trẻ trong nhà tập thể dục của trường, một quả bom đã đặt ở cách đó chỉ vài mét. Boris và Vera, hai đứa con lớn của bà Guriyeva đang thay trang phục chuẩn bị cho màn biểu diễn tiết mục dân gian để kỷ niệm ngày thành lập trường. Nhưng buổi biểu diễn đó không bao giờ xảy ra.
Boris và Vera nằm trong số 334 người, trong đó có 186 đứa trẻ, bị giết hại trong những vụ nổ và làn mưa đạn sau 3 ngày những kẻ khủng bố tấn công Trường số 1 ở Beslan, cộng hòa Ossetia (thuộc Nga) khống chế làm con tin. Đứa con út của bà Guriyeva là Irina may mắn sống sót.
Chính vì Irina trốn thoát nên Guriyeva mới còn động lực để sống tiếp sau sự kiện khủng khiếp đó. “Tôi không có lựa chọn. Tôi có con gái nhỏ. Nó luôn nhìn vào tôi để xem tôi có khóc không. Tôi thậm chí không khóc nổi”, bà Guriyeva nhớ lại.
12 năm đã trôi qua kể từ khi các tay súng vũ trang ập vào ngôi trường hôm 1.9.2004 và khống chế 1.100 đứa trẻ, phụ huynh và các giáo viên làm con tin trong phòng tập thể dục của trường.
Sau khi chiếm trường học vào buổi sáng hôm đó, vài chục tay súng người Ingushetia và Chechnya lùa các con tin từ sân trường vào nhà tập nhỏ đã bị cài sẵn bom. Chúng đưa ra yêu cầu rằng quân Nga phải rút khỏi vùng Causasus (Cáp-ca-dơ) thuộc CH Chechnya, nơi đang xảy ra chiến sự.
Những kẻ bắt cóc đặt bom để khống chế con tin và ra điều kiện với chính phủ Nga
Vào thời điểm đó, Guriyeva đã dạy tại trường được 26 năm. Bà là một trong những người cuối cùng bị lùa vào phòng tập. Đến lúc đó bà mới nhận ra ba đứa con của mình cũng ở trong đó.
“Nhiều năm đã trôi qua. Tôi vẫn không hiểu tại sao chúng tôi sống sót được. Không chết vì bom nổ mà vì 52 giờ dài đằng đẵng đó. Đó là điều thực sự khủng khiếp”, Guriyeva nói.
Những dòng nước mắt đỏ
Đầu tiên, những đứa trẻ được cho dùng nhà vệ sinh. Bọn trẻ vào đó uống nước vòi để có thể giảm bớt căng thẳng vì không khí ngột ngạt giữa mùa hè nóng bức. Đến ngày nay, nhiều người vẫn mang những chai nước đến phòng tập để tưởng nhớ các nạn nhân xấu số. Cậu bé Boris khi đó 14 tuổi quá yếu vì phải chịu cái nóng kéo dài nên không đủ sức để chạy.
“Bọn chúng đã phá bồn rửa và đập đường ống để chúng tôi không uống nước được”, bà Guriyeva kể. “Bọn trẻ cố nhúng ướt quần áo khi đường ống vỡ ra để cố cứu lấy chút nước. Một số đứa trẻ ngậm nước trong miệng”.
Quá trình thương lượng giữa nhóm khủng bố và chính phủ Nga không tiến triển. Sang đến ngày thứ hai, hầu như không còn đứa trẻ nào được phép ra ngoài.
Sau trưa 3.9, cô giáo Guriyeva và các nạn nhân tưởng như rơi vào mê sảng trong nỗi khát khao chấm dứt bế tắc, dù hậu quả là gì. Và nó cũng đã kết thúc không lâu sau đó. Các tay súng hôm trước phải bắn lên nóc nhà để bắt con tin im lặng. Nhưng đến hôm sau, hàng trăm con tin trở nên hỗn loạn. Chỉ sau 1h chiều, một vụ nổ rung chuyển nhà tập.
Những ai có thể dồn hết sức lực thì ra sức chạy, nhưng nhiều nạn nhân nhanh chóng bị bắn gục. “Từ tầng 2, các tay súng bắt đầu nã đạn vào lưng bọn trẻ khi chúng đang chạy”, bà Guriyeva kể.
Một bé gái cố chạy được đã chạy thẳng đến đài phun nước. “Cô bé không chịu rời khỏi đài phun nước vì khát. Một tay súng bắn tỉa đã bắn chết em ngay tại chỗ đó”, bà Guriyeva nhớ lại.
Phần lớn nạn nhân thảm kịch con tin tồi tệ này là trẻ em và phụ nữ
Vụ nổ thứ hai cách vụ nổ thứ nhất không lâu, khiến mái phòng tập sập xuống và lửa bùng lên. “Khi tôi chạy đến thì con gái Verochka của tôi không còn sống nữa”, bà kể, rồi chỉ vào bức ảnh Vera, cô bé mới 11 tuổi vào lúc xảy ra vụ tấn công. “Khuôn mặt nó giống hệt như lúc xảy ra chuyện. Vẫn nụ cười ấy, chỉ đôi mắt nhắm lại và hai hàng máu đỏ chảy xuống cằm”, bà Guriyeva nói về khoảnh khắc cuối cùng ở bên con gái.
Trong tay mẹ, Vera siết chặt cây thánh giá mà cô bé tìm được, và cánh tay cô bé đan chéo trên ngực. Một mảnh bom găm phía sau đầu cô học trò nhỏ. Con trai bà, cậu bé Boris khắp người đầy máu. Cậu bị một mảnh bom găm vào bụng và xuyên sang lưng.
Irina chỉ bị vài vết thương nhỏ, nên Guriyeva bảo cô bé hãy cố gắng chạy thật nhanh. Boris vẫn đang thở nên bà ở lại bên con trai. Nhưng với đôi tay bị thương nặng, bà cũng không bế nổi con trai. Bà kéo con vào một nhóm con tin bị thương nặng không di chuyển được. Những bộ phận cơ thể văng ngay gần đó.
Những kẻ bắt cóc ra lệnh cho Guriyeva chạy ra khỏi nhà tập đến quầy phục vụ. Ôm lấy một bé gái nhỏ, bà chạy vào căn bếp gần đó để băng bó và họ đã uống thứ nước bẩn thỉu mà những kẻ bắt cóc dùng để xả chân gà đông lạnh. Bà dặn cô học sinh nhỏ đợi bà ở đó để bà quay lại đón Boris. Nhưng các tay súng chặn bà lại. Một kẻ dùng súng đập vỡ răng bà.
Lực lượng đặc nhiệm Nga xông vào, bà Guriyeva trốn thoát qua cửa sổ. Irina cũng thoát. Thi thể của Vera sau đó được nhận dạng nhờ bộ quần áo truyền thống mà cô bé mặc để chuẩn bị cho buổi biểu diễn theo kế hoạch.
Vụ khủng hoảng kết thúc sau 3 ngày. Nhưng đối với những người sống sót và những người thân yêu của họ, mọi thứ đã vĩnh viễn thay đổi.
Binh lính và lực lượng an ninh tiếp cận khu vực trường bị chiếm đóng hôm 3.9.2004
“Sau hoàn cảnh khủng khiếp đó, ai cũng phải tự tìm lại cho mình ý nghĩa của cuộc sống, tìm lại mục đích của cuộc đời mình – hoặc cứ lầm lũi và kết thúc ở nghĩa địa. Nhiều người đàn ông đã tự tử”, bà Guriyeva nói. Những dấu hỏi về việc ai phải chịu trách nhiệm cho vụ khủng hoảng kết thúc bằng máu này vẫn còn day dứt.
Ông Stanislav, chồng bà Guriyeva, cứ bị dày vò bởi ý nghĩ trả thù, bởi việc tìm ra ai đó phải chịu trách nhiệm là điều không khả thi, và rằng lấy bạo lực để trả thù chỉ càng dẫn đến bạo lực.
Năm 2002, ông Stanislav qua đời. Sau vụ khủng bố, ông tìm đến rượu để quên. “Rượu cuối cùng đã kết thúc cuộc đời ông ấy”, bà Guriyeva cho biết.
“Một số người dành cuộc đời họ để làm sáng tỏ điều gì đã xảy ra. Một số người chìa cánh tay giúp tôi, như việc lập bảo tàng (để tưởng nhớ thảm họa). Một số người cứ khóc và kết thúc ở nghĩa trang, bên con của họ”, Guriyeva kể.
Cuộc đời mới
Chỉ 2 tháng sau thảm họa, bà Guriyeva đi làm trở lại. Một ngôi trường mới đã được xây dựng đối diện với Trường số 1. “Bài dạy đầu tiên của tôi sau vụ đó là trong lớp của con trai tôi. Khi tôi bước giữa hai dãy học sinh thì một cô bé đứng lên nói: "Tốt quá cô Nadezhda, cô đã đến lớp. Borya đâu hả cô? Bọn trẻ lúc đó không biết ai còn ai mất. Trong ngày lên lớp đầu tiên, chúng tôi chỉ khóc cùng nhau”, bà nhớ lại.
Đối với bà, dạy học cũng là nguồn sức mạnh để sống tiếp. Bà đã làm việc này trong 36 năm.
Thân nhân đến Trường số 1 để tưởng nhớ các nạn nhân của một trong những vụ tấn công tồi tệ nhất thế giới nhằm vào trẻ em
“Dù thích hay không, dù đau lòng hay không, dù trái tim có vỡ làm nhiều mảnh, bạn vẫn phải ra ngoài và dạy bọn trẻ. Tôi kèm cặp 10 đứa trẻ ở nhà chúng. Trước khi bước vào lớp, tôi thở sâu, nở nụ cười, rồi kết thúc bài giảng, ra ngoài và khóc suốt chặng đường đến nhà tiếp theo. Một số đứa trẻ cũng rất khổ sở”, bà Guriyeva kể.
Tấm bảng trên cổng trường mới đề dòng chữ: “Khởi đầu một cuộc đời mới”. Nhưng đối với bà Guriyev, đó không phải để trốn chạy khỏi quá khứ.
“Câu chuyện của Trường số 1 là câu chuyện của chúng tôi. Vụ tấn công khủng bố là câu chuyện của chúng tôi. Nó khó khăn. Nó khủng khiếp. Nó đẫm máu. Nhưng đó là câu chuyện của chúng tôi. Chúng tôi nhớ nó. Chúng tôi không chuyển sang trường mới và bắt đầu cuộc đời mới. Chúng tôi không khởi đầu một lần nữa. Chúng tôi chỉ tiếp tục sống cuộc đời của mình”, bà nói.
Năm nay 56 tuổi, bà Guriyeva chưa hết ám ảnh sau lần chứng kiến cái chết của chính con gái và con trai mình. “Tôi quyết định rằng, dù nỗi đau có kinh khủng như thế nào, tôi không nên truyền nó cho những người khác. Tôi vẫn còn cảm thấy như nó mới xảy ra hôm qua”, bà nhớ lại.
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn