Mù mắt, hoại tử môi do tiêm chất làm đầy dỏm
Trước đó, chị L. đi học thẩm mỹ tại một cơ sở thẩm mỹ ở quận 6, TP. HCM. Sau khi kết thúc khóa học đã nhờ người dạy tiêm chất làm đầy vào mũi để nâng mũi cao lên cho đẹp hơn.
Tuy nhiên sau đó chị L. thấy mắt trái mờ, tay chân bên phải yếu dần nên được đưa đến Bệnh viện Nhân Dân 115 cấp cứu. Bác sĩ xác định chị L. mắt trái mất thị lực hoàn toàn, đột quỵ do tiêm chất làm đầy.
Theo bác sĩ Thắng, khi tiêm chất làm đầy vào trúng mạch máu, chất làm đầy có thể đã gây thuyên tắc động mạch máu não bên trái, gây yếu nửa người bên phải, ngoài ra còn làm thuyên tắc động mạch mắt, gây mù mắt trái.
Người phụ nữ bị hoại tử môi do chất làm đầy
Đây không phải là trường hợp đầu tiên, vào tháng 7, chị N.T. H. (23 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Ninh) cũng bị hoại tử môi dưới buộc bác sĩ phải cắt bỏ do tiêm chất làm đầy.
Theo lời chị H. do muốn có một đôi môi đẹp nên tiêm chất làm đầy tại một spa. Thời gian đầu chị H. ưng ý với kết quả nhưng sau đó bị biến chứng khiến môi nứt, chảy dịch, sưng tấy, hoại tử một phần nên đến Bệnh viện Việt Nam Cu Ba nhập viện điều trị.
Các bác sĩ đã điều trị kháng sinh, chích rạch môi dưới lấy ra nhiều mủ đặc lẫn chất làm đầy. Do phần môi hoại tử không đáp ứng với thuốc điều trị nên sau đó bác sĩ tiến hành phẫu thuật phần hoại tử và bảo tồn phần chưa bị tổn thương.
Cơ sở spa chị H. tiêm chất làm đầy sau đó được cơ quan chức năng xác định chỉ được thực hiện các dịch vụ chăm sóc da thông thường, không được thực hiện dịch vụ tiêm chất làm đầy.
Chất làm đầy là gì?
Theo tư vấn của PGS.TS.Bác sĩ Lê Hành - Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM, chất làm đầy được chia làm 3 loại. Một là chất làm đầy vĩnh viễn chính là silicone dạng lỏng.
Hai là chất làm đầy không vĩnh viễn. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại sản phẩm làm đầy cho da và mô dưới da với thời gian duy trì kết quả rất khác nhau, thay đổi từ 6 tháng đến hơn 10 năm. Trong đó, nhóm sản phẩm làm đầy cho da bằng Hyaluronic acid (HA) thuộc nhóm có thời gian hiệu quả ngắn hơn (6 - 18 tháng). Ba là mỡ tự thân - mỡ của chính bản thân người đó.
Quy định của Bộ Y tế, dịch vụ tiêm chất làm đầy phải được thực hiện tại phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép. Người thực hiện kỹ thuật tiêm phải có chứng chỉ hành nghề đúng chuyên môn.
Chất làm đầy khi sử dụng cho khách hàng phải là sản phẩm được cấp phép lưu hành của Bộ Y tế và phải có nhà nhập khẩu chứng minh nguồn gốc rõ ràng. Nếu hành nghề không đúng chuyên môn tiêm chất làm đầy có thể gây các tai biến nguy hiểm, thậm chí mất mạng.
Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng đã cảnh báo, tiêm chất làm đầy vào trúng mạch máu có thể gây ra tắc nghẽn, giới hạn nguồn cung cấp máu đến các mô. Chất làm đầy tiêm vào các mạch máu cũng có thể di chuyển đến các vùng khác và gây ra đột quỵ, những vấn đề về tầm nhìn, mù lòa, tổn thương hủy hoại da và cấu trúc da mặt.
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn