Người dân xóm 3, xã Mỹ Hưng, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định kiểm tra diện tích lúa mùa bị ngập sau bão số 3. Ảnh: Văn Đạt - TTXVN
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, theo báo của các địa phương: Sơn La, Hà Giang, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái và Thanh Hóa tính đến 7h sáng nay (21/8), bão số 3 đã làm 7 người chết (trong đó Yên Bái: 2 người, Sơn La: 1 người, Lào Cai: 1 người, Hòa Bình: 1 người, Bắc Giang: 1 người, Nghệ An: 1 người). Ngoài ra, bão còn làm 2 người mất tích tại tỉnh Lào Cai và Bắc Giang, 8 người bị thương tại các địa phương Yên Bái, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội.
Cơn bão số 3 đã làm 44 nhà bị đổ sập, cuốn trôi; 651 nhà bị tốc mái, hư hại; hơn 1.500 ngôi nhà bị ngập nước; hơn 2.000 nhà phải di dời khẩn cấp.
Bão đổ bộ vào đất liền đúng thời điểm thủy triều các sông lớn như sông Hồng, Thái Bình lên cao, do đó đã làm gần 9.000 lúa và hơn 1.000ha hoa màu bị ngập úng, (Hà Nội có 3.064ha; Vĩnh Phúc đã có 2.560ha lúa và 138ha hoa màu bị ngập, trong đó 955ha bị mất trắng); gần 600 ha cây trồng lâu năm bị thiệt hại; 252 cây bóng mát, cây xanh đô thị bị gãy đổ.
1 gia đình ở khu 3 thị trấn Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái bị đất đá sạt lở vào nhà. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Nước sông ở huyện Ba Chẽ dâng cao làm ngập nhiều nhà dân. Ảnh: Nguyễn Hoàng-TTXVN
Đã có 61 con gia súc, gần 2.000 con gia cầm bị chết, lũ cuốn do bão. Bão Dianmu còn làm 14 cầu nhỏ, ngầm tràn bị cuốn trôi, nhiều vị trí tại các quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở, ngập nước hoặc bị đất đá vùi lấp gây ách tắc giao thông tại các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Thái Nguyên, Sơn La. Ngành điện bị gãy 63 cột điện sau bão.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương căn cứ tình hình thực tế, bám sát diễn biến mưa lũ để chủ động điều chỉnh phương án, kịch bản để ứng phó kịp thời, phù hợp đảm bảo an toàn, hiệu quả; Khu vực các tỉnh miền núi tiếp tục rà soát và triển khai ngay việc sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, khu vực ven sông suối có nguy cơ xảy ra ngập úng tránh tình trạng chủ quan.
Bố trí lực lượng canh gác tại các ngầm, tràn, bến đò, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy siết để kiểm soát, hướng dẫn giao thông đảm bảo an toàn cho người dân; Triển khai các phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu; trong đó tập trung các trọng điểm đê điều đã bị sự cố trong bão số 1 và 18 hồ chứa xung yếu đang tích nước cao.
UBND các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc Bộ: Chỉ đạo kiểm tra, khắc phục hậu quả mưa bão, huy động nhân dân sửa chữa nhà cửa bị thiệt hại, khẩn trương triển khai công tác về sinh môi trường, bảo đảm giao thông và sinh hoạt của người dân; Tiếp tục tăng cường công tác thông tin truyền thông, cảnh báo thiên tai ở Trung ương và địa phương; Tổ chức rút kinh nghiệm công tác ứng phó, khắc phục hậu quả các trận thiên tai vừa qua để bổ sung, hoàn thiện phương án ứng phó đảm bảo sát với thực tế.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả.
Nguyễn Dương
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn