PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Lê Xuân Sơn - Trưởng BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam (HHVN) 2016 trước những scandal liên tiếp dội xuống từ cuộc thi năm nay.
Phương pháp làm đẹp thay đổi, kiểm tra nhân trắc học truyền thống không còn phù hợp
Chưa bao giờ Hoa hậu Việt Nam lại "siết" quy chế gắt gao như năm nay. Những scandal về tác phong của Kỳ Duyên trong 2 năm nhiệm kỳ và sức ép từ dư luận có phải một trong những lý do không, thưa ông?
Chuyện về Kỳ Duyên chỉ là một phần. Các lần thi Hoa hậu Việt Nam trước khi tôi chưa làm trưởng Ban Tổ chức thì không dám nói thay vì hồi đó tôi chủ yếu ở nhà lo chuyện bài vở (nhưng tôi tin là cuộc thi được tổ chức nghiêm túc nên mới tồn tại được gần 30 năm, qua 15 kỳ tổ chức như thế).
Từ lần thi năm 2012 bắt đầu làm trưởng Ban Tổ chức, tôi đã cùng các cộng sự quyết tâm làm cuộc thi thật nghiêm túc theo nguyên tắc vi phạm hoặc lệch chuẩn cuộc thi nếu không phát hiện được thì đành chịu, đã phát hiện thì phải xử lý. Cái khác là năm nay nhiều thí sinh bị phát hiện không phù hợp hoặc vi phạm quy chế, quy định hơn. Thông tin dội đến BTC nhiều hơn. Sức nóng trên truyền thông cũng gia tăng mạnh.
Mặc dù việc loại thí sinh không đáp ứng quy chế được BTC cho là thể hiện tinh thần nghiêm túc, nhưng cũng có ý cho rằng BTC, mà cụ thể là ban Nhân trắc học, phải chịu một phần trách nhiệm vì không phát hiện ra vi phạm từ vòng ngoài. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
Vừa qua cũng đã có vài ý kiến như thế, và với tư cách trưởng Ban Tổ chức, tôi đồng ý với họ. Bất luận điều gì xảy ra trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam thì BTC mà trước hết là Trưởng ban cũng phải chịu trách nhiệm.
Trách nhiệm như thế nào, đến đâu phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, các yếu tố khách quan, chủ quan… nhưng phải chịu. Với công nghệ làm đẹp ngày càng hiện đại thì việc chúng tôi vẫn dùng các quy định và phương án kiểm tra truyền thống có vẻ không còn phù hợp, nên cần phải rút kinh nghiệm và đổi mới.
Thực ra tôi đã nêu trách nhiệm này trong nội bộ từ khi bắt đầu giải quyết vụ thí sinh Nguyễn Thị Thành và đạt được nhận thức chung với hầu hết thành viên BTC và các lãnh đạo ê kíp thực hiện. Tôi dự kiến sẽ phát biểu công khai về điều đó khi kết thúc vòng chung kết để tránh áp lực giữa chừng cho cuộc thi và BTC. Nhưng xem ra đó lại là một tính toán không đúng.
Khuyên nhủ động viên thí sinh để đạt được sự đồng thuận
Việc các thí sinh đang tiến sát vòng chung kết lại bị loại đột ngột là một cú sốc tinh thần không nhỏ với các em và cả gia đình. BTC sẽ làm gì để đảm bảo tinh thần nhân văn, yêu thương thí sinh mà cuộc thi nói luôn hướng đến?
Không phải là sẽ làm gì mà chúng tôi đã và đang làm rồi. Trước hết không phải cứ phát hiện là chúng tôi lập tức ra quyết định. Phải gặp gỡ các em, trao đổi, phân tích để các em hiểu tình huống kết hợp với động viên, khuyên nhủ để đạt được sự thấu hiểu và đồng thuận.
Ngay cả với em Nguyễn Thị Thành phương pháp tiếp cận cũng như vậy. Khi đã đạt được đồng thuận thì chúng tôi cùng các em suy nghĩ cách để các em ra khỏi cuộc thi ít ảnh hưởng đến cuộc sống của các em nhất. Việc kéo dài việc giải quyết việc của các em Trân và Vân thêm 2 ngày để công bố chung trong họp báo về việc em Thành không phải là ngẫu nhiên mà là để giảm sức ép cho các em. Khi có đòi hỏi phải công khai chi tiết thông tin về họ, chúng tôi kiên quyết không đồng ý, bất chấp sức ép.
Và khi các em đã rời cuộc thi rồi, chúng tôi vẫn giữ liên lạc với họ.
Động thái loại một lúc 3 thí sinh rồi hôm nay lại cho 3 thí sinh nữa rút khỏi cuộc thi khiến BTC tiếp tục gặp phải nhiều sức ép từ dư luận, nhất là khi lý do "không đáp ứng được tiêu chí vẻ đẹp tự nhiên" hoặc "vi phạm quy chế về việc đi thi các cuộc thi khác không xin phép", “rút lui vì lý do cá nhân”... vẫn khá mơ hồ, chung chung. BTC có ý định lập một bảng tiêu chí rõ ràng hơn cho các mùa sau?
Rõ ràng là BTC đã không lường hết được sự phức tạp của tình hình cũng như sự phát triển của công nghệ làm đẹp nhân tạo và nhiều vấn đề phức tạp khác nữa. Vậy nên tôi đã hiểu là phải xây dựng không chỉ một bảng tiêu chí mới cập nhật được tình hình mà cả một quy trình kiểm soát và chấm thi mới.
Không thể lẫn lộn khái niệm "bảo vệ" và "bao che" thí sinh
Nhiều cuộc thi nhan sắc lớn cũng nhận được nhiều đơn thư tố cáo về nhân trắc học lẫn đạo đức, nhưng họ kiên quyết bảo vệ thí sinh. Với sự cứng rắn này, nhiều người e ngại mùa sau sẽ có ít thí sinh dám "thử lửa". Ông nghĩ sao về khả năng này?
Các cuộc thi ấy bảo vệ thí sinh là đúng và họ có thể tự hào về điều đó. Như đã nói ở trên, chúng tôi bảo vệ thí sinh của mình bằng mọi cách và đến cùng chứ. Nhưng chúng tôi cũng cố gắng để không lẫn lộn hai khái niệm “bảo vệ” và “bao che” thậm chí “che giấu”.
Trước tố cáo, chúng tôi chỉ có thể bảo vệ khi các em không có gì sai hoặc có “lệch chuẩn” nào đó nhưng không lớn, có thể châm chước được. Nếu dễ dãi quá thì lại không công bằng cho các bạn khác không can thiệp thẩm mỹ.
Những năm trước vòng chung kết HHVN luôn từ 38 đến 40 thí sinh, năm nay tuyển vào chung kết chỉ có 36 thí sinh, mấy hôm trước đã loại 3 thí sinh, hôm nay lại tiếp tục cho 3 em rút, chỉ còn 30, ông có nghĩ rằng con số này quá ít và khiến kết quả top 10 trở nên dễ dự đoán với tỷ lệ 1 "chọi" 3?
Mặc dù lựa chọn là ý của Ban Giám khảo nhưng tôi thích con số 36 của Vòng Chung kết năm nay vì nó… đẹp. Nay 6 em rời cuộc thi thì con số không còn đẹp nhưng tôi nghĩ vẫn đủ lớn để có cuộc lựa chọn thú vị cho tốp 10.
Ông có thể cho biết liệu cuộc thi đã hoàn tất hẳn việc kiểm tra Nhân trắc học và các thí sinh hiện nay đã “an toàn”?
Việc kiểm tra nhân trắc học tất cả các thí sinh theo kế hoạch (lần 1 ở vòng sơ khảo, lần 2 ở Chung kết) đã hoàn tất. Tôi hi vọng 30 thí sinh là con số cuối cùng.
Phản ứng của 3 thí sinh này và tất cả các thí sinh còn lại thế nào?
Họ rất buồn và mong muốn được ở lại cuộc thi. Tất cả thí sinh khác cũng muốn các bạn ở lại. Tuy nhiên, khi trao đổi với BTC về vấn đề của mình thì cả 3 thí sinh cũng đã nhận thức sự không đủ điều kiện để tiếp tục đồng hành với cuộc thi và xin tự nguyện rút khỏi Vòng Chung kết.
Từ suốt 3 tháng qua với những gì cuộc thi làm thì thấy có sự đầu tư lớn, cải tiến, nhưng các vấn đề về ồn ào về thí sinh có khiến khán giả lãng quên sự đầu tư này?
Đó là điều tôi thấy cay đắng, khi mà nỗ lực của BTC tiến hành một cuộc thi nghiêm túc, công bằng lại biến thành các xì căng đan trong một số bối cảnh cụ thể, thực sự làm lu mờ những nỗ lực và nguồn lực rất lớn và BTC và các đơn vị đồng hành đã và đang đầu tư để nâng quy mô và tầm cỡ cuộc thi.
Chúng tôi đã tổ chức nhiều hoat động về nguồn, tuyên truyền truyền thống lịch sử cách mạng, quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên, con người Việt Nam, văn hóa và du lịch các vùng miền, đặc biệt là chương trình Nhân Ái đưa gần 4 tỷ đồng tới các dự án ở khắp ba miền đất nước.
Hai đêm chung khảo khu vực đã được đầu tư quy mô và lộng lẫy chưa từng có trong lịch sử cuộc thi. Và BTC và ê kíp đang quyết tâm làm một đêm chung kết - một sự kiện văn hoá không thua nhiều chương trình đình đám của nước ngoài.
Và dù ai có ác cảm đến mấy với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam thì cũng không thể phủ nhận phần đông những thí sinh mạnh nhất vẫn tập hợp về đây.
Liệu những việc lùm xùm này BTC đã có kế hoạch giải quyết rốt ráo và khép lại để tiếp tục truyền thông cho đêm chung kết chưa?
Chúng tôi đang nỗ lực làm điều đó. Chúng tôi cố gắng khép lại sự việc để tập trung cho đêm chung kết, điều mà người quan tâm thật sự đến HHVN đang chờ đợi. Chúng tôi mong được sự thấu hiểu, ủng hộ của báo giới và cộng đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng, sau 28 năm, cũng đã đến lúc BTC nên xem xét để nới lỏng “cơ chế” trong việc thẩm định cái đẹp của thời hiện đại, để tiệm cận hơn với quy chuẩn của các cuộc thi nhan sắc trên thế giới. Bản thân ông đã bao giờ nghĩ đến chuyện này?
Nếu quả thật đó là nhận thức chung của toàn xã hội thì chúng tôi phải xem xét lại. Tuy nhiên, tôi vẫn tin đây là cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, nên nó chủ yếu phải tuân theo những quy chuẩn Việt Nam.
Bà Đặng Thanh Hằng, cố vấn sắc đẹp của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, chia sẻ quan điểm về những trường hợp vi phạm nhân trắc học: "Tôi đề cao vẻ đẹp tự nhiên của thí sinh khi đi thi Hoa Hậu Việt Nam. Tuy nhiên, trong vấn đề về răng, tôi cho rằng việc chăm sóc răng miệng của chúng ta trong quá khứ và hiện nay còn hạn chế, nên các thanh niên thế hệ 8X, 9X vẫn có thể bị lỗi về răng từ nhỏ. Khi lớn lên, họ dùng kỹ thuật can thiệp, chữa trị để tự tin hơn trong giao tiếp. Do vậy, tôi mong ban tổ chức xem xét châm chước cho những trường hợp can thiệp không quá nhiều và không tạo sự khác biệt rõ nét cho thí sinh".
Phương Nhung
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn