4 món chả ngon nhất định bạn phải làm cho ngày Tết

Thứ ba - 16/08/2016 10:28

4 món chả ngon nhất định bạn phải làm cho ngày Tết

Tết đến xuân về là thời gian thể hiện khả năng bếp núc của chị em phụ nữ. 4 món chả dưới đây được rất nhiều chị em học cách làm, 4 món chả thơm lừng, ngon miệng lại an toàn rất thích hợp cho mâm cỗ Tết của gia đình bạn.
  • 1

    Chả quế thơm lừng hương quế và tiêu

    Trong thực đơn Tết của mỗi gia đình, không thể thiếu chả giò, chả lụa, chả quế thơm ngon. Món ăn dân dã này như một nét đẹp truyền thống mỗi dịp Tết đến, xuân về. Một đĩa chả quế thơm, bày với củ kiêu, tôm khô, dưa hành cũng đủ để làm ấm nồng bữa cơm ngày Tết. Chả quế tự làm dai giòn, thơm thơm rất hấp dẫn mà lại an toàn. Buổi sáng có thể rim chả quế với nước mắm, ăn với cơm nóng vừa ngon vừa no bụng. Với cách làm chả quế đơn giản này, bạn có thể yên tâm tự làm chả quế mang tặng người thân, bạn bè trong dịp Tết này sẽ là món quà vô cùng thiết thực và ý nghĩa đấy!

    Nguyên liệu làm chả quế:

    1kg thịt nạc (chọn thịt mông hay thịt thăn đều được)

    10gr bột nổi

    Gia vị muối, tiêu, đường, hạt nêm, bột quế.

    Cách làm chả quế

    1. Cũng giống như cách làm chả lụa, muốn làm chả quế ngon khi chọn thịt cũng cần khéo léo. Nên mua thịt lợn mông hoặc thịt lợn thăn thì chả sẽ dai và chắc hơn. Thịt lợn đem về lọc sạch gân rồi thái nhỏ.

    2. Cho vào thịt 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê muối, 2 muỗng đường, bột nổi rồi trộn đều để ngăn mát tủ lạnh. Muốn món chả quế được ngon, bạn nên ướp thịt làm chả trong 3 tiếng cho thịt ngấm gia vị.

    3. Cho thịt đã ướp để làm chả lụa vào máy xay, vừa xay vừa thêm nước lọc vào, khi nào thấy thịt trở nên hồng và mượt thì ngưng.

    4. Lấy thịt vừa xay nhuyễn ra tô, trộn thêm 2 muỗng canh dầu ăn cho thịt bóng mịn.

    5. Cho 1 muỗng cà phê bột quế vào, tùy bạn thích mùi nhiều hay ít thì có thể gia giảm, nhưng 1 muỗng cho 1kg là đủ. Dùng muỗng trộn đều bột quế, khi trộn cũng được xem như là bạn đang quết chả. Chỉ cần đơn giản quết và trộn cho đều bột quế là yên tâm chả quế sẽ có độ dai cần thiết.

    6. Trải nylon (màng bọc thực phẩm) ra mặt phẳng sạch, xoa đều 1 lớp dầu mỏng.

    7. Sau đó đặt thịt làm chả vào màng nilông. Gói kín miếng chả lại.  Cho chả vào nồi hấp 45 - 60 phút. 10 Khi chả quế đã chín, bạn bỏ chả ra đem chiên sơ qua dầu ăn đợi đến khi chả cho có màu vàng đẹp là được.



    Xem chi tiết hướng dẫn Cách làm chả quế tại:  http://www.lamsao.com/cach-lam-cha-que-thom-ngon-an-tet-p214a87715.html

  • 2

    Chả ngũ sắc đẹp mắt cho Tết sum vầy

    Món chả hoa ngũ sắc cũng là gợi ý hay để các bạn trổ tài vào bếp trong những ngày Tết này. Còn gì hấp dẫn hơn khi trên mâm cơm Tết đĩa chả ngũ sắc được bày biện cẩn thận, đẹp mắt. Khác hẳn với món giò chả truyền thống, khi ăn chả hoa ngũ sắc đầu tiên từ nhụy hoa người dùng sẽ cảm thấy vị bùi bùi của lòng đỏ trứng vịt muối tan trên đầu lưỡi. Rồi đến miếng da heo dai giòn kết hợp mùi thịt chả quết mịn pha với tiêu hột cay nồng như đánh thức khướu giác của những người hảo vị.

    Nguyên liệu làm chả ngũ sắc

    - 300gr giò sống, 100gr da heo

    - 200gr thịt đầu (tai, mũi, lưỡi)

    - 1 củ cà rốt, 5 chiếc nấm tai mèo (mộc nhĩ)

    - 5 quả trứng vịt muối, 3 quả trứng gà

    - Gia vị: nước mắm ngon, tiêu đen giã dập, đường, muối, bột nêm, vài củ hành tím băm nhỏ - 1 tàu lá chuối, dây lạt để buộc chả.

    Cách làm chả ngũ sắc

    1. Để làm chả ngũ sắc ngon, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu trước. Chả hoa ngũ sắc thể hiện sự tròn đầy, dung hòa của trời đất, là sự kết hợp hài hòa của ngũ hành, cầu mong một năm mới an lành, đầy đủ. Thịt thủ (tai, mũi lợn) và da lợn mua về chà muối thật sách, rửa với với giấm để khử mùi hôi rồi để ráo nước. Cà rốt rửa sạch, thái sợi dài. Mộc nhĩ ngâm nước ấm cho nở, cắt bỏ chân rồi rửa sạch, thái sợi như cà rốt. Những nguyên liệu này sẽ giúp chả ngũ sắc có độ giòn và ngon hơn.

    2. Lấy lòng đỏ trứng vịt muối ra rửa qua  với rượu trắng rồi để riêng. Trứng gà đánh cho tan đều lòng trắng và lòng đỏ, cho xíu muối vào trứng rồi dùng chảo không dính đáy phẳng, chiên trứng thành từng lát mỏng. Tốt nhất, muốn làm chả hoa ngũ sắc để kịp ăn dịp Tết bạn nên làm trứng vịt muối trước, bởi phải muối trứng vịt khoảng 7 - 10 ngày mới dùng được. Cách làm trứng vịt muối bạn có thể tham khảo thêm tại đây.

    3. Luộc phần da và thịt đầu trong nước sôi pha với 1 muỗng canh rượu trắng. Khi da heo và thịt chín, nhanh tay cho vào tô nước chín để nguội, sau đó thái sợi nhỏ. Khâu này sẽ giúp bạn gói chả ngũ sắc dễ dàng hơn. Không nên thái thịt quá to như vậy món chả sẽ mất ngon, khi gói chả có thể bị vỡ. Bắt đầu trộn nguyên liệu để làm chả ngũ sắc. Bạn trộn giò sống, da, thịt thủ với nhau, nêm 1 muỗng canh nước mắm ngon, 1/2 muỗng canh đường, 1 muỗng cà phê bột nêm, và tiêu đen giã dập. Chú ý trộn đều tay để hỗn hợp thật nhuyễn, mịn, như vậy khi gói chả hoa sẽ dễ dàng, miếng chả ngũ sắc có độ kết dính cao.

    4. Bắc chảo lên bếp, xào hành tím băm nhuyễn, nấm mèo và cà rốt cho chín tái, tắt bếp rồi cho phần thịt và giò đã trộn ở trên vào chảo để xào. Khi xào chú ý đảo đều tay để nguyên liệu làm chả chín đều.

    5. Cũng giống như cách làm giò chả thông thường, bạn sử dụng lá chuối để gói chả ngũ sắc. Lá chuối mua về tước thành từng miếng dài khoảng 40-50cm, rửa sạch, lau khô. Trải 3-4 miếng lá chuối (để mặt lá xanh thẫm ra ngoài cho đẹp), cho trứng chiên lên bên trên lá, múc nhân vào giữa, cho lòng đỏ trứng muối lên trên, tiếp tục cho thêm nhân vào. Rồi cuộn chả chặt tay.

    Cách gói chả hoa ngũ sắc tương tự như cách gói giò lụa, chả lụa... chú ý gói chắc tay rồi buộc dây lại cố định cây chả. 6 Hấp chả ngũ sắc trong vòng 45 - 60 phút là chả chín, lấy ra, treo lên cho ráo nước. Không nên thả cây chả vào chậu nước lạnh, như vậy nước sẽ tràn vào khiến miếng chả ngũ sắc sẽ bị bở, ăn mất ngon. Bạn nên để chả nguội tự nhiên, sau khi hấp xong chả hoa sẽ căng tròn, cầm chắc tay, rất đẹp mắt.  

    Xem chi tiết cách làm chả ngũ sắc tại:  http://www.lamsao.com/cach-lam-cha-ngu-sac-dep-mat-an-tet-p214a99907.html

  • 3

    Chả giò kiểu miền Nam hay nem rán kiểu miền Bắc

    Chả giò của người miền Nam giống như nem rán của người miền Bắc. Cách làm giống nhau chỉ khác nhau tên gọi. Mặc dù mâm cơm Tết của hai miền Nam-Bắc có khác nhau song những món ăn truyền thống như nem rán, bánh chưng bánh tét, hành củ muối... đều không thể thiếu. Tùy theo khẩu vị của mình bạn có thể cho thêm một vài nguyên liệu khác để làm chả giò như su hào, rau mùi thơm, rau sống... Một đĩa chả giò ngon chấm với nước chấm chua ngọt vô cùng đưa cơm đấy. Tuy cách gọi của người miền Nam là chả giò, người miền Bắc gọi là nem rán, nhưng nguyên liệu và cách làm đều giống nhau. Tết này hãy làm chả giò để mâm cơm gia đình thêm ấm cúng và ngon hơn bạn nhé!

    Nguyên liệu làm chả giò

    1 kg thịt lợn nạc (hoặc 1/2 thịt và 1/2 tôm hoặc cua)

    1 củ hành tây, 1 củ khoai tây lớn (khoảng 250 g)

    1 củ cà rốt (khoảng 130 g)

    2 cái trứng gà, 50g miến 25 g mọc nhĩ/ nấm đông cô/ nấm hương

    1/2 thìa muối/ bột canh 1/4 thìa hạt tiêu và bánh đa nem

    Cách làm chả giò

    1. Nguyên liệu chính của món chả giò hay còn gọi là nem rán đó là thịt lợn xay, bạn nên xay nhỏ nhưng không nhuyễn quá nếu không món chả giò sẽ bị nát. Thái nhỏ các loại rau củ quả như cà rốt, hành tây, khoai tây rồi cho vào trộn cùng với thịt lợn. Ngâm miến trong nước ấm, rồi dùng kéo cắt dài khoảng 1cm. Mộc nhĩ ngâm nước nóng cho nở to ra rồi rửa sạch. Bỏ thịt băm, khoai tây, cà rốt, hành tây, mộc nhĩ, miến, chút hành lá vào một cái tô, cho muối, mỳ chính, hạt tiêu vào trộn đều. Tùy theo lượng nguyên liệu làm chả giò mà bạn cho trứng hợp lý. Không nên cho quá nhiều trứng nếu không món chả giò sẽ kém ngon vì bị nát. Để làm món chả giò ngon, nên ướp nguyên liệu trong khoảng 15-20 phút.

    2. Muốn món chả giò ngon, khi cuốn chả bạn phải cuốn chặt tay. Đầu tiên bạn đặt một chiếc khăn sạch nên bàn phẳng hoặc lên thớt sạch. Nhúng bánh tráng để cuốn chả giò vào nước ấm thật nhanh tay rồi rút bánh ra khỏi nước, vuốt sạch nước rồi đặt bánh lên trên tấm khăn ướt. Ở ngoài miền Bắc, chúng ta có thể dùng chút dấm ăn vuốt nhẹ lên bánh tráng gói chả giò để khi chiên món chả giò sẽ giòn, ngon hơn. Lấy thìa xúc nhân làm chả giò đặt lên bánh tráng. Ấn nhẹ cho nhân nắm gọn trong lá bánh tráng, cuộn 1 vòng rồi gập hai bên mép bánh tráng vào, cuộn tiếp cho đến khi hết lá bánh. Lưu ý, để chiên chả giò đẹp hơn, nên cuốn chặt tay nhưng không quá mạnh sẽ làm vỡ nhân chả giò. Xếp những chiếc chả giò đã cuốn ra đĩa để chuẩn bị chiên.

    3. Chiên chả giò Cho dầu vào chảo để chiên chả, đợi dầu nóng già sau đó cho chả giò vào, đặt mỗi cuốn cách rời nhau để khỏi dính làm rách vỏ, nhân sẽ bị lòi ra mất ngon. Chiên một mặt cho chả giò vàng rồi trở sang mặt khác. Khi chiên chả giò bạn nên để lửa nhỏ vừa, đừng to quá sẽ làm cháy lớp vỏ bánh tráng bên ngoài mà bên trong vẫn chưa chín. Muốn chả giò chiên ngon bạn nên lật chả giò thường xuyên, khi lớp dưới vàng thì lật luôn để 2 lớp chín đều nhau. Cach lam cha gio không quá khó, muốn chiên chả giò ngon nên chiên nhỏ lửa, và lật đều tay Cha gio thơm ngon đưa cơm vô cùng!

    4. Cách pha nước chấm ngon ăn cùng chả giò Cũng giống như người miền Bắc, người miền Nam ăn chả giò với nước chấm chua ngọt. Món chả giò thơm ngon phụ thuộc nhiều vào nước chấm. Nước chấm chua ngọt ăn kèm với chả giò chiên sẽ ngon miệng hơn rất nhiều. Để pha nước chấm chấm chả giò ngon bạn cần chuẩn bị đường, nước đun sôi để nguội, nước mắm ngon, ớt ta, chanh, tỏi băm nhỏ. Cách pha nước chấm chấm chả giò không quá khó, bạn cho nước và đường vào một nồi nhỏ, bắt lên bếp, để lửa vừa. Khuấy cho đường tan. Đun cho đến khi nồi sôi lên. Nhắc nôì khỏi bếp, để nguội. Cho nước chanh vắt, nước mắm, ớt, tỏi băm nhỏ vào, trộn đều. Nêm lại vừa ăn.

    Bạn có thể tham khảo ngay cách pha nước chấm chả giò ngon ngay tại đây, pha nước chấm theo đúng tỉ lệ sẽ giúp món ăn ngon miệng hơn:  http://www.lamsao.com/cach-pha-nuoc-cham-nem-ran-ngon-hap-dan-cuc-don-gian-p214a98848.html  



    Xem chi tiết cách làm chả giò tại:  http://www.lamsao.com/cach-lam-cha-gio-ngon-cho-mam-com-tet-sum-vay-p214a99024.html

  • 4

    Chả lụa chay cho mâm cỗ Tết chay tịnh

    hả lụa chay được làm chín bằng phương pháp hấp y như chả lụa mặn vậy. Khi ăn, bạn vẫn bóc từng lớp lá chuối thơm lừng ra trước, sau đó cắt chả lụa chay thành từng khoanh vừa ăn và thưởng thức. Chả lụa thơm ngon là một món ngon không thể thiếu trong ngày Tết của mỗi gia đình. Có cách làm chả lụa từ thịt lợn, nhưng nếu bạn thích đồ chay, sao không thử làm bằng phù trúc nhỉ? Chả lụa chay có hương vị y như chả lụa mặn, đậm đà, thơm lừng hương lá chuối hấp... ăn với xôi hay cơm nóng thì ngon không tả xiết.

    Nguyên liệu làm chả lụa chay

    - 500g phù trúc tươi (cho 1 đòn chả lụa -  bạn cũng có thể dùng phù trúc khô hay còn gọi là váng đậu)

    - 3 gốc hành ba rô (tỏi tươi)

    - Dầu ăn

    - Lá chuối, lạt tre

    - Gia vị: muối, hạt nêm, tiêu xay, tiêu hạt  

    Cách làm chả lụa chay:

    1. Để làm chả lụa chay, đầu tiên bạn thái nhỏ hành boa-rô ra rồi cho vào phi thơm cùng một bát nhỏ dầu ăn. Bạn phi thơm hành lên cho đến khi hành được vàng giòn thì bạn tắt bếp. Vớt hành ra cho vào 1 bát riêng. Phần dầu ăn được phi thơm này để ướp phù trúc để làm chả lụa chay, còn đối với hành phi, bạn có thể để dành ăn kèm với các loại cuốn cũng rất ngon nhé!

    2. Chuẩn bị sẵn 1 tập lá chuối để gói chả lụa chay, làm sạch lá chuối bằng cách dùng khăn ướt lau sạch 2 mặt. Bạn nhặt khoảng 2-3 lá ra, cắt thành từng miếng có chiều ngang khoảng 15cm để gói 2 đầu chả lụa.

    3. Phù trúc tươi bạn đổ nước ấm vào 1 chậu sạch, sau đó cho phù trúc vào rửa. Đến khi nước bắt đầu đục, bạn đổ nước mới vào và tiếp tục rửa. Khi rửa xong, bạn dùng tay vắt thật chặt để phù trúc ráo hết nước. Nếu bạn sử dụng váng đậu hay phù trúc khô, bạn nhớ ngâm mềm ra trước khi rửa nhé! Để làm món chả lụa chay có hương vị thơm ngon tự nhiên y như chả lụa đồ mặn, bạn cần ướp gia vị thật khéo. Công thức sau đây nhé: 500g phù trúc, bạn cho 2 thìa canh dầu ăn thơm mùi hành phi, 1 thìa cà phê muối, 1/2 thìa cà phê hạt nêm, 1/2 thìa cà phê tiêu xay và 1/2 thìa cà phê tiêu hạt. Bạn cũng có thể nêm nếm gia vị trước để phù hợp với khẩu vị của gia đình nhé!

    4. Trải hai tấm lá chuối ra, úp mặt xanh xuống dưới, gói chả lụa chay bằng mặt bên trong. Bạn xúc toàn bộ phần hỗn hợp phù trúc làm chả lụa chay vào, dồn về một góc. Rồi bạn cuộn chả lụa chay tròn lại này. Dùng lạt đã chẻ mỏng, dẻo để buộc ngang bên ngoài cuộn chả lụa chay như bạn gói bánh tét ấy. Sau đó bạn gấp 2 đầu của đòn chả lụa vào và cố định bằng dây lạt nhé! Mang đi hấp chả lụa thôi nào!

    5. Hấp chả lụa chay: Nếu hấp nhiều, bạn dùng nồi lớn, đổ nước khoảng 1/3 nồi rồi đặt rá vào sao cho nước không ngập đến rá. Rồi bạn xếp chả lụa vào rồi đem hấp ở lửa vừa trong 3 tiếng. Nếu chỉ hấp khoảng 1-2 đòn chả lụa thôi, bạn có thể dùng nồi cơm điện: đổ nước khoảng 1/2 nồi, đặt rá hấp cơm nguội lên, cho chả lụa vào rồi đậy lại nấu, đến khi nước cạn là chả lụa chín nhé! Chả lụa chay đã chín bạn cho ra ngoài, treo ở chỗ thoáng mát cho nguội nha.

    Xem chi tiết cách làm chả lụa chay tại:  http://www.lamsao.com/cach-lam-cha-lua-chay-ngon-tuyet-an-tet-p214a99922.html

Tết đến xuân về là thời gian thể hiện khả năng bếp núc của chị em phụ nữ. 4 món chả trên đây được rất nhiều chị em học cách làm. Tết sắp đến gần, nhiều chị em lại tranh thủ hỏi nhau công thức làm chả để thể hiện tài năng khéo léo, đảm đang của mình trước gia đình. 4 món chả thơm lừng, ngon miệng lại an toàn rất thích hợp cho mâm cỗ Tết của gia đình bạn. Cùng học cách làm nhé!

Chúc gia đình bạn đón một Tết Ất Mùi thật hạnh phúc và sum vầy!

Nguồn tin: www.lamsao.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây