Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho hay, ngày 17/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư của địa phương với chủ đề “Hợp tác - Phát triển bền vững”.
Kỳ vọng Long An trở thành một trong những đầu tàu kinh tế mạnh nhất nước
Long An là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế cao nhất cùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và nằm trong top tăng trưởng cao của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chỉ số PCI tỉnh Long An xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố cả nước, đứng thứ 2 vùng ĐBSCL.
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Long An (ảnh: VGP)
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng cho biết, “với tiềm năng lớn như vậy, Chính phủ cũng như bản thân tôi đặt kỳ vọng Long An sẽ vươn mình trở thành một trong những đầu tàu kinh tế mạnh nhất cả nước trong nhiệm kỳ”.
Muốn vậy, điểm then chốt là xây dựng được niềm tin với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp chỉ đạo từng bộ ngành tạo những điều kiện tốt nhất có thể để Long An có điều kiện phát triển thời gian tới.
Nhân dịp này, Thủ tướng đã gợi ý cho Long An một số đòn bẩy để có thể thực hiện được tầm nhìn nói trên.
Thứ nhất, bộ máy chính quyền phải liêm chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đây là nền tảng quan trọng nhất để xây dựng niềm tin của doanh nghiệp.
Thủ tướng đặt vấn đề, động lực nào để từng người cán bộ luôn tâm niệm làm việc là để phục vụ người dân và doanh nghiệp, tìm mọi giải pháp để gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư? Thủ tướng cho rằng, không có cách nào khác ngoài việc phải thay đổi cách đánh giá kết quả công việc của từng đơn vị, từng cán bộ, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, của dân làm thước đo kết quả công việc. Xây dựng mô hình chính quyền điện tử gắn với thực hiện việc xây dựng mô hình trung tâm hành chính công tập trung nhằm áp dụng tối đa công nghệ thông tin vào phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh về cam kết của chính quyền phải xây dựng khung pháp lý minh bạch, môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bảo đảm quyền tài sản của doanh nhân; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.
Đặc biệt, cần phải đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của sự phát triển, tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, coi trọng khởi nghiệp, nhất là hướng vào lớp trẻ, thanh niên nông thôn, đẩy mạnh đối thoại với doanh nghiệp, bởi “đất có lành thì chim mới đậu. Môi trường tốt thì tự khắc doanh nghiệp sẽ về đây làm ăn”.
Phải làm khác TPHCM, Bình Dương
Nhấn mạnh quy hoạch phát triển phải bài bản, Thủ tướng nhận định, xây dựng Long An thành một đầu tàu kinh tế như TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương không có nghĩa những gì TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương làm thì tỉnh cũng làm.
Long An có một lợi thế đặc biệt là có thể học từ kinh nghiệm thành công cũng như thất bại của các địa phương đi trước, từ đó tránh những sai lầm của họ, tiến tới đi nhanh hơn. Trong quy hoạch cần có những nét riêng, tạo ra thế mạnh cạnh tranh khác biệt.
Long An cần có chiến lược căn bản trong việc tạo ra những cụm công nghiệp, dịch vụ hiệu quả. Dựa trên những ngành mà Long An đã có, chính quyền cần suy nghĩ kỹ về hệ sinh thái cho những ngành mà Long An muốn phát triển; đồng thời tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp đến đầu tư.
Theo Thủ tướng, đột phá cho Long An sẽ nằm ở liên kết vùng, trong đó, gắn kết phát triển với TP. Hồ Chí Minh đang là một trọng tâm quan trọng. Long An cũng cần quảng bá rộng rãi hơn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo thương hiệu địa phương trong khu vực vùng trọng điểm kinh tế phía Nam.
Với đặc thù tự nhiên của Long An, tỉnh cần đặc biệt chú trọng đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Tỉnh cần có công cụ để theo dõi tình hình chất lượng không khí, nước, đất, đặc biệt xung quanh các khu công nghiệp. Công bố các chỉ số môi trường công khai và thường xuyên để người dân và doanh nghiệp yên tâm đầu tư, làm việc.
Một địa phương tốt phải có người giàu đến ở
Thủ tướng cũng cho rằng, một địa phương thành công khi thu hút được 3 nhân tố, đó là doanh nghiệp tốt, người giỏi, người giàu. Nếu Long An cải thiện được môi trường kinh doanh sẽ giúp thu hút được doanh nghiệp tốt và người giỏi đến kinh doanh và làm việc, còn nếu Long An cải thiện môi trường sống sẽ giúp thêm được nhân tố thứ ba là người giàu đến ở.
Các doanh nghiệp quyết định đầu tư ở đâu cũng một phần phụ thuộc vào chất lượng trường học, bệnh viện, công viên, giá cả, an toàn an ninh, tình trạng giao thông của địa phương. Thủ tướng gợi ý, vấn đề này có thể rút từ kinh nghiệm những địa phương đi đầu về kinh tế, nhưng làm quy hoạch không tốt, dẫn đến tình trạng đô thị hóa lộn xộn và quá tải.
Đề nghị các nhà đầu tư nói đi đôi với làm, không để tình trạng “ký xong bỏ cho cỏ mọc”, Thủ tướng mong các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài nghiên cứu các cơ hội đầu tư, hợp tác chặt chẽ với chính quyền tỉnh xây dựng những cụm công nghiệp mạnh, sạch, có tính cạnh tranh cao.
“Vướng mắc ở đâu mà cần Trung ương tham gia, xin các đồng chí báo cáo Thủ tướng Chính phủ kịp thời”, Thủ tướng nêu rõ.
Tại hội nghị, Thủ tướng chứng kiến UBND tỉnh Long An và các doanh nghiệp ký kết bản ghi nhớ đầu tư vào 4 dự án có tổng vốn hơn 3 tỷ USD, trong đó, Dự án sản xuất nhôm cao cấp có tổng vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD. UBND tỉnh Long An đã trao 12 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có tổng vốn đầu tư hơn 310 triệu USD.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã đến tham quan dự án Cảng quốc tế Long An - một trong những cảng biển có quy mô lớn nhất tại khu vực miền Nam, dự án Thành phố sinh thái Năm Sao.
Bích Diệp
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn