Hai thôn Mỹ Tường 1 và Mỹ Tường 2 của xã Nhơn Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận ) có vùng đất trồng hành và rau màu cho năng suất cao. Tuy nhiên, từ khi hàng trăm trại tôm và ốc hương giống xuất hiện thì nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp ở đây đã bị nhiễm mặn.
Ông Trần Phú Lạc, Bí thư chi bộ thôn Mỹ Tường 2, cho biết gia đình có 5.000 m2 đất trồng hành giống. Trước đây, mỗi vụ hành ông thu gần 8 tấn, nhưng từ ngày nước nhiễm mặn khiến củ hành nhỏ, năng suất giảm nhiều.
Người dân phải pha nước máy vào nước giếng để sản xuất vì nguồn nước bị nhiễm mặn. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
Theo ông Lạc, những trại thủy sản bơm nước biển vào sâu trong đất liền để ươm tôm và ốc hương giống khiến nguồn nước ngọt ở địa phương này bị nhiễm mặn. Để có nước sản xuất, gia đình ông Lạc phải kéo đường ống nhiều km để lấy nước ngọt từ nơi khác về pha loãng với nước bơm lên từ giếng khoan.
Tương tự, anh Trần Kim Miên (36 tuổi, ngụ thôn Mỹ Tường 2) nói giếng nước của gia đình "mặn chát" từ nhiều năm. 4.000 m2 đất trồng hành anh Miên phải chuyển sang trồng ngò để giảm nước tưới.
"Tưới ngò ít nước hơn hành nhưng phải pha nước giếng với nước máy nhưng nhiều khi cây cũng không sống nổi vì độ mặn quá cao", anh Miên nói.
Theo Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải Trần Ngọc Linh, nước phục vụ cho 30 ha đất nông nghiệp của người dân thôn Mỹ Tường 1 và Mỹ Tường 2 bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Hiện, địa phương có 400 trại tôm và ốc hương giống.
Theo người dân, những trại tôm, ốc hương giống bơm nước biển vào sâu trong đất liền để sản xuất nhưng không có hệ thống xử lý gây nhiễm mặn. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
Ông Linh cho biết đã có xung đột quyền lợi giữa nông dân và những chủ trại giống thủy sản. Xã đã có văn bản tạm ngưng chuyển đất nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản và không cho phép mở rộng các trại giống về hướng bắc; xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng trại tôm trái phép.
"Trại giống không có hệ thống xử lý nước thải nên xả xuống các hồ chứa. Nước biển ngấm vào đất là nguyên nhân nhiễm mặn", ông Linh nói.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ninh Hải, cho biết nhiều trại tôm giống ở Nhơn Hải được xây dựng từ những năm 2000. Năm 2010, huyện đưa 100 ha đất ở khu vực này vào quy hoạch khu nuôi trồng thủy sản dựa trên hiện trạng có sẵn.
Do quy hoạch không đồng bộ nên có hoạt động đan xen giữa nuôi thủy sản và nông nghiệp. Cơ sở hạ tầng như giao thông, hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư do không có quy hoạch chi tiết cũng là nguyên nhân xảy ra xung đột quyền lợi của các bên.
Nguồn nước nhiễm mặn làm giảm năng suất nông nghiệp, chi phí cao khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Tuấn Kiệt. |
Theo ông Tuấn, mỗi năm huyện đều tổ chức kiểm tra định kỳ nhưng không phát hiện trường hợp trại tôm giống xả thải ra môi trường. Các trại điều có hệ thống xử lý nước thải riêng. Chỉ 1 trường hợp trại giống thủy sản xả thải gây chết cây bị người dân phát hiện, sau đó hai bên tự thỏa thuận đền bù.
"Chúng tôi nhận được đơn kiến nghị nhiều năm nay nhưng không đủ điều kiện để xác định nguyên nhân. Tôi cũng không nhớ độ nhiễm mặn tại đây là bao nhiêu", ông Tuấn nói.
Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải Nguyễn Thị Diệu Tuyết cho biết địa phương đã kiến nghị tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp triển khai quy hoạch chi tiết tại khu vực. Đồng thời, kiến nghị tỉnh cấp kinh phí cho huyện xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống nước thải, tránh việc xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Xã Nhơn Hải (màu đỏ), nơi có nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn. Ảnh: Google Maps. |
Nguồn tin: news.zing.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn