Quận chịu trách nhiệm nếu... ngập
Trong buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM ngày 19/9, ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho rằng, tình trạng ngập ở bãi đỗ máy bay thời gian gần đây là do kênh A41 bị tắc nghẽn, không đảm bảo được việc thoát nước; nhiều nhà cửa và công trình xung quanh Tân Sơn Nhất lấn chiếm gây hạn chế dòng chảy. Trong khi đó, tuyến mương này có nhiệm vụ tiêu thoát 50% nước ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo ông Tú, khi mới đưa vào sử dụng, kênh A41 rộng 6 - 8m, hai bên bờ thông thoáng. Tuy nhiên, qua nhiều năm, do lòng mương bị lấn chiếm, bồi lấp nghiêm trọng nên việc thoát nước tại sân bay Tân Sơn Nhất bằng mương này gặp nhiều khó khăn.
Ông Tú đề xuất xây dựng hồ điều tiết và tăng cường máy bơm khi xuất hiện mưa lớn. Không chỉ vậy, 2 hướng thoát nước khác của sân bay quốc tế lớn nhất cả nước là kênh Hy Vọng và mương Nhật Bản cũng cần được sửa chữa, nâng cấp kịp thời.
Đồng tình với ý kiến của ông Tú, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa cho rằng, mương A41 là “đầu mối” quyết định việc thoát nước ở bãi đỗ máy bay. Chính vì thế, dự án nạo vét mương này là cực kỳ cấp bách. Do đó, UBND TPHCM yêu cầu quận Tân Bình đến tháng 6/2017 phải xong phần đền bù giải phóng mặt bằng đồng thời tức tốc triển khai thi công và hoàn thành vào năm 2018. TPHCM giao UBND quận Tân Bình làm chủ đầu tư cũng như quản lý vận hành tuyến mương A41.
Ngoài ra, ông Khoa cũng thống nhất phương án xây dựng hồ điều tiết góp phần chia sẻ ngập nước không chỉ cho nội bộ sân bay mà còn cả khu vực Tân Bình. Không chỉ vậy, tất cả tuyến kênh mương khác trên địa bàn, quận Tân Bình phải chịu trách nhiệm đầu tư, di tu bảo dưỡng và quản lý toàn bộ tuyến. Đối với việc vớt rác ở những khu vực trên, Trung tâm chống ngập sẽ nghiên cứu đề xuất để hạn chế tối đa lượng rác thải ra kênh.
Sau khi ghi nhận các thông tin, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng yêu cầu, các sở, ngành liên quan rà soát lại quy hoạch khu vực sân bay Tân Sơn Nhất bao gồm giao thông, hệ thống thoát nước.
Theo đó, việc đầu tiên là xây dựng hạ tầng giao thông mới phải gắn với xây dựng hệ thống thoát nước. Khẩn trương làm ngay những giải pháp trước mắt bao gồm triển khai ngay hồ điều tiết trong sân bay. Khẩn trương tìm nguyên nhân dẫn đến ách tắc của 2 mương A41 và Nhật Bản. Bên cạnh đó, Bí thư Thăng cũng đồng tình phương án mà UBND TP giao cho quận Tân Bình làm chủ đầu tư các dự án và chịu trách nhiệm mọi việc trước UBND TP.
Bí thư Thăng còn nhấn mạnh, nguyên nhân gây ngập thì nhiều nhưng vấn đề giải quyết ngập giữa các cơ quan, đơn vị chưa đồng bộ chưa thực hiện hết chức năng của mình nên hiệu quả công việc chưa như mong muốn. Hơn nữa, các đơn vị liên quan cứ mặc định việc ngập là của đơn vị chống ngập thực hiện và cứ thế đổ lỗi cho nhau. Bí thư khẳng định, việc chống ngập là của tất cả các đơn vị chứ không chỉ riêng một đơn vị nào giải quyết.
“Cần nhanh chóng phân cấp mạnh hơn nữa đối với chống ngập, thoát nước để quận chịu trách nhiệm nếu để xảy ra ngập. Trung tâm chống ngập khẩn trương dọn rác, cần tăng cường nhân lực trước khi có mưa lớn. Thành lập tổ liên ngành kiểm tra các khu vực thường xuyên bị ngập để xử lý trước khi mưa xảy ra”, Bí thư Đinh La Thăng nói.
"Bay vòng vòng" không phải vì ngập
Trình bày ý kiến tại buổi làm việc này, đại diện Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM cho biết, việc ngập vừa qua chỉ xảy ra ở 1/10 khu vực bãi đỗ rộng 80ha của sân bay Tân Sơn Nhất và thoát nước ra kênh A41, không ảnh hưởng đến việc khai thác sân bay.
Cơn mưa lớn ngày 11/9 khiến máy máy bay không hạ cánh được là vì mưa lớn hạn chế tầm nhìn và gió giật chứ không phải do ngập. Ngập ở đường Trường Sơn và Bạch Đằng là do cường độ mưa gần gấp đôi tần suất thiết kế cống hiện nay và một phần do đang thi công dự án "Cải tạo nâng cấp vỉa hè trên các tuyến đường khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất".
Theo tìm hiểu của Dân trí, sau trận mưa ngày 11/9, 4 chuyến bay phải chuyển hướng trong đó có 1 chuyến đi Cam Ranh, 1 chuyến đi Đà Lạt, 2 chuyến đi Cần Thơ và 22 chuyến bay khác phải thay đổi giờ khởi hành do ảnh hưởng dây chuyền. Một số chuyến bay của Vietnam Airlines phải bay vòng do không thể hạ cánh vì mưa lớn.
Được biết, khi đó, để giải quyết vấn đề cấp bách, Trung tâm nói trên đã tăng cường vớt rác, nạo vét tuyến mương A41 (theo hiện trạng) để tăng cường thu nước. Trung tâm cũng đã triển khai cải tạo thay thế 7 đoạn cống băng đường trên tuyến mương này và đang tiếp tục thực hiện nạo vét tuyến mương để đồng bộ với 7 đoạn cống băng đường nhằm tăng khả năng thoát nước cho khu vực.
Tuy nhiên, về lâu dài cần khẩn trương cải tạo mương A41, tính toán lại hệ thống thoát nước bên trong sân bay sau khi thực hiện xong dự án mở rộng khu vực đỗ máy bay, điều chỉnh cho phù hợp và kết nối đồng bộ với hệ thống thoát nước bên ngoài sân bay.
Theo đại diện Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, đối với tuyến mương Nhật Bản, đơn vị này đang triển khai xây dựng tuyến cống hộp đoạn từ tường rào sân bay đến đường Nguyễn Kiệm với chiều dài 1.206m sẽ hoàn thành trong tháng 9/2016. Đối với đoạn còn lại dài 745m đang chờ chủ trương đầu tư dự án. Về tuyến kênh Hy Vọng, Trung tâm cũng đang triển khai thuộc dự án quản lý rủi ro ngập nước khu vực TPHCM (nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới tài trợ).
Ngoài ra, Trung tâm cũng đang khẩn trương xây dựng tuyến kênh hở từ đường Tân Sơn đến kênh Tham Lương với tổng chiều dài 1.821m, chiều rộng đáy kênh từ 6-10m, gia cố bờ kênh bằng tường kè đứng. Riêng đoạn bên trong tường rào sân bay dài khoảng 600m, được gia cố theo hiện trạng. Dự kiến khởi công năm 2017, hoàn thành năm 2019. Đối với tuyến cống trên đường Bạch Đằng thoát về mương Nhật Bản thì đang thi công.
Trên cơ sở đó, đại diện đơn vị này cũng quả quyết, khi công trình mương Nhật Bản (từ tường rào khu vực sân bay đến đường Nguyễn Kiệm) hoàn thành sẽ đảm bảo việc thoát nước hướng này. Từ đó, việc giải quyết ngập nước ở sân bay Tân Sơn Nhất cũng hứa hẹn sẽ được giải quyết triệt để, không để tái hiện tình trạng ngập nước tương tự như hôm 11/9.
Công Quang
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn