Dự lễ có các ông: Nguyễn Sinh Hùng - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; ông Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ; ông Hồ Đức Phớc - Ủy viên TƯ Đảng, Tổng kiểm toán Nhà nước; ông Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.
Cầu đường bộ Yên Xuân bắc qua sông Lam cách cầu đường sắt Yên Xuân hiện tại khoảng 2,5 km về phía thượng lưu. Chiều dài toàn tuyến khoảng 3,6km, trong đó chiều dài cầu là 1,89 km và đường dẫn hai đầu cầu khoảng 1,4 km.
Cầu Yên Xuân có quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật là cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực; tải trọng thiết kế HL93; bề rộng cầu 9m; khổ thông thuyền cấp III (BxH=40mx70m).
Kết cấu phần nhịp dẫn lên cầu sử dụng 33 nhịp dầm giản đơn, gồm nhiều phiến dầm Super T bê tông cốt thép dự ứng lực. Các dầm chủ được liên kết với nhau bằng dầm ngang (đối với dầm Super T) và bản mặt cầu. Nhịp chính cầu sử dụng dầm liên tục 6 nhịp bằng bê tông cốt thép đổ tại chỗ, lớp mặt cầu bằng bê tông atphal.
Cầu được đặt trên các nền cọc khoan nhồi đường kính 1m. Trụ cầu bằng bê tông cốt thép, kiểu trụ một cột, mặt cắt ngang thân trụ hình chữ nhật. Móng trụ đặt trên nền cọc khoan nhồi đường kính D=1.5m. Đường dẫn hai đầu cầu được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp IV (đồng bằng), tốc độ thiết kế 60 km/h, bình đồ cơ bản bám theo đường hiện tại để tận dụng nền mặt đường cũ và hạn chế khối lượng giải phóng mặt bằng.
Trong phạm vi dự án có thiết kế 3 nút giao cùng mức (giao đường tỉnh TL558 và đường ven đê Nam Kinh và nút giao cuối tuyến), kết cấu nền mặt đường như kết cấu nền mặt đường chính tuyến. Tổ chức giao thông bằng đèn tín hiệu, đảo xuyến và vạch sơn dẫn hướng.
Hệ thống an toàn giao thông được đảm bảo bằng việc xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hộ lan, biển báo hiệu, sơn vạch kẻ đường… theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ Quy chuẩn Việt Nam và hệ thống điện chiếu sáng trong phạm vi từ nút giao đầu tuyến đến nút giao cuối tuyến.
Người dân phấn khởi trong ngày khánh thành cầu bắc qua Sông Lam.
Việc đầu tư xây dựng công trình cầu đường bộ Yên Xuân bắc qua sông Lam là cần thiết và phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải và địa phương, từng bước cải thiện mạng lưới giao thông của cả nước nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng, đáp ứng mong muốn từ lâu của Đảng bộ, chính quyền nhân dân 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh.
Xóa bỏ vị trí ốc đảo của 9 xã huyện Nam Đàn, Nghệ An và 5 xã huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh trong mùa mưa lũ, đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân vùng lũ mà còn giải quyết tốt vấn đề mất an toàn giao thông, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông ở khu vực cầu đường sắt Yên Xuân.
Cầu được khởi công xây dựng vào ngày 2/10/2015, sau 11 tháng triển khai xây dựng với sự nỗ lực thi công ngày đêm của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 - CTCP (Cienco4), đến nay khối lượng thi công tại cầu đường bộ Yên Xuân đã hoàn tất vượt tiến độ 8 tháng, đủ điều kiện để Thông xe và đưa vào khai thác.
Cầu Yên Xuân sẽ cùng với đường tỉnh 558, QL15A, cầu Linh Cảm và hệ thống hạ tầng sống chung với lũ của các huyện Nam Đàn, Đức Thọ… trở thành mạng lưới đường bộ hoàn chỉnh và ngắn nhất nối từ Vinh đến cửa khẩu Việt - Lào, đồng thời kết nối cụm di tích lịch sử, văn hóa hàng đầu của đất nước, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng trên QL1A, tuyến tránh Tp. Vinh, QL15A, QL8 thúc đẩy việc thông thương, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ông Nguyễn Xuân Đường, đánh giá cao sự cố gắng của Chính quyền, nhân dân 2 huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Chủ đầu tư và các đơn vị thi công đã tập trung cao nhất nhân lực, phương tiện để thi công, hoàn thiện công trình. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: nhiều năm qua toàn bộ khu kinh tế phía Nam, gồm 9 xã thuộc huyện Nam Đàn và 5 xã trên địa phận huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh bị biệt lập với TP Vinh do ngăn cách Sông Lam.
"Hôm nay khánh thành đưa vào sử dụng cầu bắc qua Sông Lam chúng tôi vô cùng phấn khởi. Cảm ơn các đoàn thể, ban ngành... đã có lòng xây dựng cây cầu ni nối hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh để lưu lại truyền thống cách mạng từ trước tới nay... Hôm nay là ngày vui sướng nhất là bà con 2 tỉnh được nắm tay nhau, vui vẻ hòa đồng trong cuộc sống", bà Trịnh Thị Cúc (68 tuổi, trú xóm 4, xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên) chia sẻ.
Cũng trong tâm trạng phấn chấn trong ngày khánh thành cây cầu "mơ ước" này, anh Nguyễn Nhân Sỹ, trú xóm 10, Nam Trung, Nam Đàn bày tỏ: "Nhân dân vùng lũ năm nam của chúng tôi nay đã có đường đi lại thuận tiện hơn. Từ nay, việc giao lưu kinh tế giữa các vùng sẽ được thuận lợi hơn".
Lễ Thông xe cầu đường bộ Yên Xuân là sự kiện thiết thực kỷ niệm 71 năm Quốc khánh Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2016) nhằm phục vụ nhân dân, học sinh đến trường nhân dịp khai giảng năm học mới.
Nguyễn Duy
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn