Hội thảo quốc tế 4G LTE 2016 do Hiệp hội Internet Việt Nam phối hợp với Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trì của Bộ TT&TT đã khai mạc sáng 18/8 tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) coi trọng sự phát triển của thông tin di động băng rộng, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Việt Nam đã xây dựng chiến lược xây dựng chiến lược xây dựng cơ sở hạ tầng băng rộng 3G, 4G phủ đến 95% dân cư, có giá cước hợp lý phù hợp với cơ chế thị trường.
Hiện Bộ TT-TT đã cấp phép thử nghiệm 4G cho 4 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp viễn thông lớn gồm Viettel, MobiFone, VNPT đang thử nghiệm và hoàn tất thủ tục xin cấp phép 4G sử dụng băng tần 1800 MHz.
Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, Bộ TT&TT rất coi trọng việc phát triển thông tin di động băng rộng các thế hệ tiếp theo để có hạ tầng viễn thông hiện đại, làm nền tảng cho phát triển kinh tế số, góp phần chuyển đổi cơ cấu tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
"Chính phủ VN rất khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, sự năng động sáng tạo trong kinh doanh, khuyến khích và tạo mọi điều kiện phát triển, ứng dụng những công nghệ tiên tiến như 4G LTE, IoT... để phục vụ cộng đồng, giám sát và bảo vệ môi trường, xây dựng nhà thông minh, thành phố thông minh...", Thứ trưởng Phan Tâm phát biểu.
Bộ đã tham mưu Chính phủ ký ban hành Quyết định 149/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển hạ tầng viễn thông đến năm 2020. Một trong những mục tiêu cơ bản là phủ sóng 3G/4G phục vụ 95% dân số vào năm 2020, đủ năng lực cung cấp đa dịch vụ băng rộng với chất lượng tốt, giá cước hợp lý theo cơ chế thị trường.
Theo Thứ trưởng, mạng 4G sẽ mở ra cơ hội mới, đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong môi trường số mọi lúc mọi nơi.
Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Hoàng Liên cho rằng điều quan trọng là các nhà mạng và nhà cung cấp dịch vụ, cơ quan quản lý cần quan tâm tới việc 4G sẽ đi vào đời sống ra sao, chứ không chỉ quan tâm vấn đề hạ tầng mạng và thời điểm triển khai.
Về lộ trình cấp phép 4G, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Phòng Chính sách và chiến lược của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, trong năm 2016 Bộ TT&TT sẽ cấp phép 4G.
Theo ông, việc đầu tư cho mạng 4G phải đáp ứng các nhu cầu băng rộng của xã hội, đồng thời phải đảm bảo hiệu quả song song với chất lượng dịch vụ. Ông Trần Tuấn Anh khẳng định, năm 2016 là thời điểm chín muồi để đưa công nghệ mới 4G vào thị trường với mức độ phổ cập tốt nhất.
Tham gia thảo luận tại hội thảo, đại diện Qualcomm cho biết hãng cam kết sẽ hỗ trợ và hướng đến mục tiêu triển khai LTE tại VN. Hãng đã có kế hoạch hành động rõ ràng, hỗ trợ VN triển khai 4G: phối hợp chặt chẽ với cơ quan chính phủ để lập kế hoạch, phối hợp nhà cung cấp dịch vụ để triển khai và sẽ hỗ trợ nhà sản xuất thiết bị phần cứng trong việc sản xuất thiết bị đầu cuối "made in Việt Nam".
Qualcomm cũng đưa ra lời khuyên, các nhà mạng Việt Nam cần cân nhắc triển khai thêm 4G trên phổ tần không được cấp phép. Điều này sẽ giúp tăng chất lượng mạng, giảm bớt độ trễ, ổn định hơn cho người sử dụng.
Phát biểu tại Hội thảo, nguyên Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng cho rằng có rất nhiều lợi ích khi triển khai 4G LTE, nhưng đối với VN, việc phát triển 4G sẽ thúc đẩy nhanh phát triển hạ tầng băng rộng.
Theo ông, phát triển 4G sẽ đồng nghĩa với việc phát triển nhanh hạ tầng, đưa mạng băng rộng đến từng người dân, hộ gia đình, đảm bảo tốc độ và thời gian triển khai. Ông Lê Nam Thắng cho rằng 2016 là thời điểm rất tốt để triển khai 4G. Ông cũng khuyến cáo các nhà mạng khi triển khai cần nghiên cứu vùng phủ sóng. Do đặc thù di chuyển nhiều bằng xe máy, người dân Việt Nam có thói quen sử dụng trong nhà nhiều hơn ngoài đường, tuy nhiên thực tế hiện nay tốc độ mạng trong nhà (indoor) còn quá kém.
Một số hình ảnh trong hội thảo sáng 18/8:
Hội thảo thu hút khoảng 400 chuyên gia viễn thông từ nhiều nơi.
Các giải pháp được trình diễn tại triển lãm
Gian hàng của VNPT
Bảo Khánh
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn