Giải thích lý do VTVcab ngừng phát sóng hàng loạt kênh truyền hình quốc tế, không ký tiếp hợp đồng với đối tác cung cấp các kênh này là công ty Q.net, ông Bùi Huy Năm - Tổng giám đốc Tổng công ty VTVcab có nói đến yếu tố giá, nhưng Q.net cho biết đã đồng ý giảm giá cho VTVcab so với năm 2017.
Ngày 2/4/2018, ngay sau khi VTVCab đột ngột thay thế hàng chục kênh truyền hình quốc tế quen thuộc với khách hàng bằng một số kênh lạ hoắc khiến nhiều người doạ tẩy chay, ông Bùi Huy Năm, Tổng giám đốc Tổng công ty VTVcab đã gặp gỡ báo chí và tiết lộ một số lý do khiến VTVCab phải thay đổi nội dung.
Theo đó, ông Năm cho hay, thị trường truyền hình trả tiền trong những năm gần đây có nội dung gần giống nhau, ít sự thay đổi khác biệt về nội dung, nhất là ở chùm kênh quốc tế. VTVcab muốn thay đổi cho người xem những nội dung mới mẻ hơn. Gói kênh nước ngoài mới của VTVcab trước khi triển khai đã lấy ý kiến của nhiều chuyên gia hàng đầu về truyền hình và nhận được ý kiến đánh giá tốt. Có một số kênh lần đầu xuất hiện ở Việt Nam như kênh chuyên về sức khỏe Dr.Fit, hay kênh chuyên về phụ nữ WOMAN. Những kênh này có nội dung hết sức thiết thực cho người Việt Nam.
Ông Nam cũng tiết lộ, chi phí bản quyền gói kênh mới thấp hơn các kênh truyền hình trước đây. Thêm vào đó, xu hướng xem truyền hình trên Internet ngày càng không thể thiếu. Các kênh mới VTVcab đều có bản quyền đưa lên hạ tầng Internet và Mobile, thuê bao của VTVcab sẽ được xem miễn phí mà không bị giới hạn thiết bị. Trước đây, VTVcab phục vụ đối tượng hộ gia đình thì với chiến lược mới sẽ chuyển sang phục vụ cho từng cá nhân trong gia đình.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của báo Thể thao Văn hoá (TTXVN), bà Lê Thu Nga - Giám đốc truyền thông Q.net cho rằng tin đồn Q.net và VTVcab ngừng hợp tác vì Q.net tăng giá là không chính xác. "Chuyện giá cả thường dễ bị mọi người khai thác và quy kết thành nguyên nhân chính cho mọi sự chia tay trong kinh doanh. Tuy nhiên, Q.net xin chia sẻ chân thành, đó không phải là nguyên nhân chính trong trường hợp này", bà Thu Nga cho biết.
Theo bà Nga, từ trước Tết, hai bên đã đạt được thoả thuận gia hạn cho cả năm 2018, với mức phí giảm đáng kể so với năm 2017. Sau đó, Q.net tiếp tục dành cho VTVcab nhiều sự hỗ trợ, bao gồm cả việc cấp quyền trên hạ tầng OTT và MobileTV cho 20 kênh trên tổng số 23 kênh của Q.net đang phát sóng trên hạ tầng của VTVcab. Ngày 23/3/2018, VTVcab lựa chọn phương án ngưng gia hạn hợp đồng sau 31/3/2018.
Như vậy, nếu lời bà Nga chia sẻ là đúng, thì rõ ràng Q.net đã giảm giá cho VTVcab chứ không tăng giá, và hai bên ban đầu cũng đã đạt thoả thuận tiếp tục gia hạn hợp đồng. Ngoài ra, ông Bùi Huy Năm có nói về việc có bản quyền để đưa các kênh truyền hình mới lên Internet và Mobile, thì bà Nga nói Q.net cũng hỗ trợ cấp quyền trên hạ tầng OTT và Mobile TV cho VTVcab với các kênh cũ. Nhưng rốt cuộc VTVcab sau nhiều cân nhắc đã quyết định ngừng hợp đồng với Q.net.
Vậy phải chăng mức giá mà Q.net đưa ra cho VTVcab sau khi đã giảm giá vẫn còn cao hơn chi phí thuê các kênh mới nên VTVcab mới đổi kênh? Hay là phí bản quyền khai thác OTT quá cao?
Theo một bài viết trên ICTnews dẫn lời một người am hiểu ngành truyền hình, thì xu hướng hội tụ số buộc các đài truyền hình phải tìm cách đưa nội dung lên OTT để phục vụ nhu cầu "cá nhân hóa" của người xem truyền hình. Nhưng "dù cung cấp dịch vụ OTT chưa thu được phí, nhưng giá để mua quyền khai thác trên OTT các kênh truyền hình quốc tế thì "trên trời", tới mức không thể chịu nổi", nguồn tin của ICTnews tiết lộ. Hiện các đơn vị tiên phong cung cấp dịch vụ truyền hình trên OTT như: VTVcab, K+, VTC, SCTV đều cung cấp miễn phí quyền xem nội dung trên ứng dụng OTT cho thuê bao của mình.
Bạn nghĩ sao về trả lời qua lại của hai bên trong cuộc này? Hãy cho VnReview biết qua phần bình luận bên dưới.
A.M
Nguồn tin: eneoia.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn