Sau gần một tuần Uber rốt ráo nhắn tin, email thúc giục khách hàng tải về ứng dụng Grab, hôm nay, ngày 8/4, Uber đã chính thức biến mất bằng cách nhập vào Grab; bất chấp việc Cục Quản lý cạnh tranh có thông qua hay không. Thậm chí, bên mua là Grab còn tuyên bố không trả khoản nợ thuế Uber còn nợ tại Việt Nam.
Hai dịch vụ chia sẻ xe Grab và Uber hiện chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, do đó, theo quy định của Luật Cạnh tranh, thương vụ Grab mua Uber khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, phải được cơ quan quản lý cạnh tranh điều tra xem có vi phạm luật hay không.
Tin đưa ngày 27/3 cho hay Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã có văn bản gửi Công ty TNHH Grab Taxi yêu cầu cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến vụ việc. Cụ thể, việc Grab mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của đơn vị khác cùng lĩnh vực là có dấu hiệu của việc tập trung kinh tế (TTKT) và nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh.
Theo Luật quy định, thời hạn điều tra chính thức vụ việc là 180 ngày, trong trường hợp cần thiết có thể được gia hạn, nhưng không quá hai lần, mỗi lần không quá sáu mươi ngày. Hiện chúng tôi chưa liên hệ được với người có thẩm quyền của Cục Cạnh tranh để có thêm thông tin, tuy nhiên, trong vòng chưa đầy một tuần thì rất có thể Cục Cạnh tranh còn chưa nhận được báo cáo của Grab, chứ chưa nói gì đến tiến hành điều tra xem thương vụ có vi phạm luật hay không.
Thông báo sáp nhập trong ứng dụng gọi xe của Uber
Trước đó, ông Đỗ Thắng Hải ngày 2/4 trả lời VnEpress nói "Không loại trừ khả năng chúng tôi sẽ áp dụng biện pháp tạm thời với Grab, Uber, song mọi phán quyết sẽ được đưa ra sau khi chúng tôi nhận được báo cáo về hợp đồng mua bán này. Tuy nhiên đến giờ Bộ vẫn chưa nhận được báo cáo trên".
Không chỉ tại Việt Nam, các quốc gia trong khu vực như Singapore, Thái Lan... đều tiến hành điều tra vụ Grab thâu tóm Uber Đông Nam Á. Nếu vi phạm luật, thương vụ sẽ bị huỷ bỏ. Cũng như tại Việt Nam, Grab và Uber tuyên bố hạn chót để hai bên "thuộc về nhau" là ngày 8/4/2018. Tuy nhiên, tại Singapore, Uber và Grab đã phải hoãn việc sáp nhập lại một tuần, đến ngày 15/4 chờ ý kiến của nhà chức trách.
Tại Việt Nam, chiều ngày 26/3, văn phòng đại diện của Uber tại Hà Nội đã dán thông báo tạm thời đóng cửa. Thông báo này được đưa ra không lâu sau khi Grab chính thức tuyên bố thu mua lại thành công toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á. Khoản nợ thuế hơn 53 tỷ đồng của Uber ở Việt Nam trở thành vô chủ vì Grab đã tuyên bố không trả nợ thuế thay cho Uber.
Đại diện Grab lý giải việc nợ thuế là vấn đề thuộc về trách nhiệm của Uber, hoàn toàn không liên quan đến Grab. "Grab không mua lại tư cách pháp nhân của Uber tại Việt Nam, do đó Uber phải chịu toàn bộ trách nhiệm pháp lý giải quyết các vấn đề về nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế".
Trong khi đó, lãnh đạo Bộ Tài chính, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng khẳng định: "Grab phải có nghĩa vụ với khoản nợ này. Các nghĩa vụ của doanh nghiệp sáp nhập thì doanh nghiệp mới thừa kế phải chịu trách nhiệm đó".
Vẫn có thể truy cập vào ứng dụng của Uber nhưng lượng xe rất ít và thời gian chờ rất lâu
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin diễn biến thương vụ sáp nhập Grab-Uber trong những bài viết tới.
Hương Hà
Nguồn tin: eneoia.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn