Người nuôi trồng thủy sản khốn đốn vì thua lỗ

Chủ nhật - 02/10/2016 12:45

Người nuôi trồng thủy sản khốn đốn vì thua lỗ

Thảm họa môi trường do Formosa xả thải độc đã gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sản xuất của ngư dân các tỉnh miền Trung, trong đó có ngư dân Quảng Trị. Hoạt động đánh bắt hải sản bị ngưng trệ, người làm dịch vụ hậu cần nghề cá, nuôi trồng thủy sản cũng rơi vào tình cảnh khốn đốn, nợ nần chồng chất do thua lỗ.

Nợ nần, khó khăn chồng chất

Sự cố môi trường do chất thải từ Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa thải ra đã khiến cho không chỉ ngư dân vươn khơi đánh bắt hải sản - những người chịu ảnh hưởng trực tiếp mà những doanh nghiệp, hộ gia đình nuôi tôm ven biển cũng lao đao vì tôm chậm lớn, không tìm được đầu ra. Vài tháng sau khi xảy ra sự cố môi trường, cả người dân ven biển tỉnh Quảng Trị vẫn sống trong nỗi hoang mang, lo lắng.

Ngày 22/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Dựa theo các kết quả quan trắc môi trường nước ven biển, nhà chức trách kết luận, có thể thực hiện hoạt động du lịch, nuôi trồng thủy sản...

Trở lại vùng biển, đến các vùng nuôi tôm thuộc huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong... chúng tôi nhận thấy ngư dân đã bắt đầu nuôi tôm trở lại. Tuy nhiên, vụ tôm vừa qua đã khiến nhiều hộ lâm vào cảnh nợ nần do bị thua lỗ.

Người nuôi tôm tại Quảng Trị đã bắt đầu thả nuôi trở lại song vẫn lo lắng do dịch bệnh

Tỉnh Quảng Trị có 3.190 ha nuôi trồng thủy, hải sản trong đó 990 ha nuôi tôm với sản lượng đạt 2.753 tấn/năm. Sự cố môi trường biển khiến hàng trăm hộ nuôi tôm lao đao vì dịch bệnh, tôm thu hoạch không bán được. Số tôm sống sót thì chậm lớn, việc nuôi tôm bị ngưng trệ hàng tháng trời.

Ông Hồ Văn Hiền, ở thôn Cang Gián (xã Trung Giang, huyện Gio Linh) là một trong số những hộ nuôi tôm lâu năm tại địa phương. Ông Hiền có 3 hồ tôm với tổng diện tích khoảng 6.500 m2. Vụ tôm vừa qua ông thả nuôi khoảng 80 vạn tôm giống, nhưng đến khi thu hoạch, tính toán chi phí thì mỗi hồ tôm bị lỗ khoảng 150 triệu đồng. Theo ông Hiền, nguyên nhân bị lỗ vốn là do tôm chậm lớn khiến thời gian nuôi kéo dài, đầu ra sản phẩm gặp khó khăn, giá thành lại thấp.

Do ảnh hưởng của sự cố môi trường nên vụ nuôi vừa qua, ông Hiền bị lỗ khoảng 150 triệu đồng

Sau khi thu hoạch được một thời gian, khi các ngành chức năng công bố nước biển an toàn ông Hiền cũng thả nuôi trở lại. Các hồ nuôi tôm mỗi ngày đều được kiểm tra sức khỏe, bởi ông vẫn chưa yên tâm với nguồn nước sau sự cố môi trường. Ông Hiền cho biết: “Hiện tôi nuôi 2 hồ, mỗi hồ 50 vạn con tôm giống. Trước đây, việc nuôi tôm chỉ diễn ra chừng 2,5-3 tháng thì xuất bán, nhưng nay kéo dài đến 4 hoặc 5 tháng. Dẫu biết rằng, việc nuôi tôm hiện tại rất bấp bênh, được ví như 'canh bạc', nếu tôm bị bệnh thì có thể rơi vào cảnh tay trắng, nợ nần. Nhưng không nuôi tôm thì không biết làm gì để sống”.

Cơ quan chức năng khuyến cáo các hộ nuôi tôm cần xử lý nước cẩn thận bằng hóa chất, theo dõi tôm thường xuyên để phát hiện bệnh kịp thời

Hộ anh Phạm Văn Dũng (thôn Cang Gián, xã Trung Giang, huyện Gio Linh), có 30 hồ nuôi tôm ở các địa phương ven biển. Sau một thời gian nghỉ nuôi do ảnh hưởng sự cố môi trường, anh bắt đầu thả lại 10 triệu con tôm giống, đến nay đã gần 1 tháng tuổi. Theo anh Dũng, quy trình xử lý nước được anh làm rất cẩn thận, đưa nước vào bể lắng lọc, xử lý nước để đảm bảo tôm phát triển tốt. Tuy nhiên, anh vẫn thấp thỏm không yên bởi nước lấy vào hồ là nước được lấy từ tầng đáy, phải khoan dưới cát để dẫn nước vào nuôi. Việc các loại hải sản tầng đáy chưa an toàn khiến anh lo ngại.

“Đánh cược” tài sản vào nuôi tôm

Anh Phạm Văn Dũng cho hay, trong tháng 5 và tháng 6, việc nuôi trồng của anh bị thua lỗ gần 3 tỷ đồng. Gần đây, anh cũng nhận thấy tôm nuôi trong hồ chậm lớn hơn so với thời điểm trước. “Bình thường thì nuôi không khó, nhưng giờ thì có lúc nuôi không được. Do môi trường nước xấu nên tôm chậm lớn. Trước đây thả nuôi khoảng 3 tháng là thu hoạch được nhưng theo tình hình hiện tại có thể 5 tháng vẫn chưa thu hoạch. Giá tôm thì khá bấp bênh”.

Là hộ nuôi quy mô lớn nhất trên địa bàn, anh Dũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của sự cố môi trường. Chỉ vụ nuôi vừa rồi gia đình anh cũng bị lỗ khoảng 3 tỷ đồng

Dù thời gian gần đây các hộ nuôi tôm ở các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) đã bắt đầu thả tôm trở lại. Tuy nhiên, một số diện tích tôm vừa được thả lại xuất hiện dịch bệnh khiến người nuôi rất lo lắng. Theo thông tin từ Chi cục Thú y, từ ngày 17/9, dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp tính ở tôm nuôi tiếp tục xảy ra tại 4 huyện trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích bị bệnh là 6,71 ha, càng khiến người nuôi tôm khốn đốn.

Ông Phạm Văn Hòa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Trị, cho biết: Theo quan trắc của Sở TN&MT, thời điểm hiện tại nước biển có thể dùng cho việc nuôi tôm. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trong nuôi trồng thủy sản cơ quan chức năng khuyến cáo nước biển khi đưa vào nuôi cần xử lí qua ao chứa lắng, trước khi cấp nước vào cần thử nghiệm bằng cách thả trực tiếp cá, tôm vào mẫu nước được xử lí từ ao chứa lắng. Khuyến khích người nuôi ươm giống trong ao nhỏ trong vòng 20-45 ngày trước khi chuyển ra nuôi thành phẩm.

“Trong thời gian tới sẽ có các định hướng giúp chuyển đổi sinh kế, xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản cho người dân. Chi cục tiếp tục tham mưu cho Sở NN&PTNT phát triển cây con chủ lực, hỗ trợ giá giống cho bà con nông dân. Để giúp người dân an tâm trong việc nuôi trồng thủy sản. Vừa qua, thực hiện theo chỉ đạo của Sở NN&PTNN, trung tâm đã tiến hành thí nghiệm nuôi tôm trực tiếp từ nước biển cho kết quả khả quan, chứng tỏ môi trường nước biển đảm bảo cho việc nuôi trồng thủy sản”, ông Hòa nói.

Đăng Đức

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây