Trong tuần qua, tại TPHCM đã diễn ra nhiều sự kiện "truyền lửa" kinh doanh như Business Forum - vượt qua thử thách, VietNam CEO Forum và “Từ chiến lược đến thực thi & trải nghiệm thương trường”.
Những người đang kinh doanh, hoặc đang chuẩn bị Startup, hoặc đang là nhà quản lý… đã được truyền lửa và "nạp" nhiều kiến thức, trải nghiệm quý báu từ những nhà hoạch định chính sách, luật sư, doanh nhân thành đạt. Theo đó, đã là doanh nhân thì phải xem thách thức là sự thú vị. Doanh nghiệp Việt có một lỗi mắc phải là lo phần cứng mà không lo phần mềm. Lo tay chân mà không lo bộ não nên khó cạnh tranh. Muốn phát triển thương hiệu, doanh nghiệp cần phải có 3 trụ cột: tự tôn dân tộc, đạo đức kinh doanh và thượng tôn pháp luật.
Xem thách thức là điều thú vị
Sự trở lại của ông Đăng Văn Thành, cựu Chủ tịch Sacombank khá ấn tượng với thành công của "tập đoàn gia đình" TTC. Chiều 1/10, tại diễn đàn "Từ chiến lược đến thực thi & trải nghiệm thương trường” do Group Quản trị và Khởi nghiệp tổ chức, ông Thành đã không ngần ngại chia sẻ về những "bài học xương máu" cũng như những bước đệm đánh dấu sự trở lại của ông sau nhiều năm "im hơi lặng tiếng" trên thương trường.
Ông Thành cho rằng, trong điều kiện nền kinh tế hội nhập, có rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng vô số khó khăn, thách thức. Bản lĩnh của doanh nhân là phải đối diện, xem thách thức là điều thú vị. Bởi, "nền kinh tế không cạnh tranh thì không phát triển. Tổ chức không thi đua thì không bao giờ tiến bộ... Là chiến sĩ thời bình thì không được phép thất bại. Thất bại là thân bại danh liệt".
Cựu Chủ tịch Sacombank cho rằng, đã là doanh nhân thì bất cứ lĩnh vực, ngành nghề nào cũng phải đưa vào chiến lược, tư duy, góp phần cân bằng cán cân thương mại, tạo giá trị gia tăng cho xã hội, cho khách hàng bằng chất lượng, giá thành.
"Doanh nghiệp không có tuổi thọ nhưng doanh nhân có tuổi thọ. Do đó, các quyết định phải rõ ràng, nhất quán. Đã là lãnh đạo một doanh nghiệp thì phải điều hành bằng trí óc, dẫn dắt bằng trái tim", ông Thành nói.
Trong khi đó, luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu Quốc hội cho rằng nền kinh tế thế giới đang và sẽ diễn ra việc cạnh tranh, hợp tác thạm chí phá hoại lẫn nhau thông qua thế giới số, không gian mạng. Do đó, nếu doanh nghiệp chỉ chăm chăm lo phần cứng mà không lo phần mềm, lo tay chân mà không lo bộ não thì cũng không cạnh tranh được.
"Chúng ta đang luẩn quẩn trong bẫy thu nhập trung bình. Kinh doanh phải dựa vào luật pháp, không dựa vào quan hệ vì ngày nào đó quan hệ gãy đổ thì hậu quả khôn lường", Luật sư Nghĩa nói.
Phải tự tôn dân tộc
Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng các doanh nghiệp Việt muốn vươn ra biển lớn phải biết liên kết một cách nghiêm túc và lan toả sức mạnh trong mọi hoạt động kinh doanh dài hạn, rộng khắp trên phạm vi cả nước thì chắc chán sẽ tạo được sức mạnh rất lớn để cùng phát triển nền kinh tế.
"Muốn đạt được mục tiêu thì phải hành động. Phải có giải pháp và nhận thức được tình hình. Phải xác định đúng những ách tắc, vướng mắc thì mới có giải pháp đúng, hành động đúng và khi đó mới có hiệu quả", Luật sư Nghĩa nói.
Trong khi đó, doanh nhân Đặng Văn Thành để doanh nghiệp thành công thì yếu tố con người là quan trọng nhất. Phải có chính sách, cơ chế đã ngộ hiền tài.
Ông Thành kể cách đây hơn chục năm, khi ông mua lại Đồi Mộng Mơ, một địa điểm du lịch nổi tiếng của Đà Lạt, ông không biết làm sao tạo ra sự khác biệt bởi khi ấy, địa điểm du lịch này đã là trái tim của thành phố ngàn hoa. Ông Thành mới nghĩ ra việc xây dựng mô phỏng Vạn Lý Trường Thành để tạo điểm nhấn thu hút du khách bởi nhiều người muốn chiêm ngưỡng Vạn Lý Trường Thành mà không phải ai cũng có điều kiện qua tận Trung Quốc.
Tuy nhiên, cái khó là làm sao để mô phỏng một cách tốt nhất. Khi đó, ông Thành đã gọi các thợ hồ lại và nói rằng, các anh không phải là thợ hồ mà là nghệ nhân. Bởi ông Thành nghĩ rằng, phải để cho người lao động hiểu được ý nghĩa, vị trí của họ thì họ sẽ làm bằng cả trái tim.
"Tập đoàn tôi bây giờ gần 400 chiếc xe con. Sáng tôi chạy bộ thấy lính tôi ngồi trên xe đọc báo tôi vui lắm. Phải biến mỗi nhân viên là đại sứ của doanh nghiệp mình. Phải bồi dưỡng, nâng cao, đánh bóng các lãnh đạo và luân chuyển để không mắc bệnh ngôi sao. Anh không ở đó, chợ cũng đông", ông Thành nói.
Ở góc độ của nhà hoạch định chính sách, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, mục tiêu đến năm 2020, TPHCM có 500.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, không chỉ chăm chăm vào số lượng mà TPHCM cũng tập trung phát triển các doanh nghiệp lớn, xây dựng thương hiệu quốc gia.
"Khởi nghiệp không chỉ là những doanh nghiệp chập chững bước vào thương trường mà cả những doanh nghiệp lớn cũng liên tục đổi mới sáng tạo, duy trì tinh thần khởi nghiệp. Phải có tầm nhìn toàn cầu chứ một số doanh nghiệp đạt được chừng mực nào đó thì tạm bằng lòng. Với doanh nhân năng động thì không nên suy nghĩ vậy", ông Phong nói.
"Doanh nghiệp muốn phát triển xứng tầm, bền vững thì phải có 3 trụ cột gồm sự tự tôn dân tộc, đạo đức kinh doanh, thượng tôn pháp luật. Nếu có 3 cái đó thì sẽ vươn cao", Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định.
Công Quang
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn