Đội tàu chiến Trung Quốc hoạt động trên biển. Ảnh: AP |
Mới đây, Triều Tiên tuyên bố phóng thành công tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm, sau khi tiến hành hàng loạt vụ thử hạt nhân, đặt Hàn Quốc và đồng minh Mỹ vào tình thế bị đe dọa nghiêm trọng. Đáp lại, Seoul đã thỏa thuận với Washington, bố trí hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc để chống lại mối đe dọa này.
Thế nhưng Trung Quốc lại coi việc bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo đó là một phần trong âm mưu bao vây nước này của Mỹ, và liên tiếp có những động thái đe dọa nhằm răn đe quyết định trên của Hàn Quốc.
Về ngoại giao, đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc tuyên bố hành động triển khai THAAD ngay trước cửa ngõ nước này có thể hủy hoại quan hệ song phương "ngay lập tức". Về quân sự, SCMP dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay nước này vừa triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa thế hệ mới, có tầm bắn xa hơn, tiêu diệt mục tiêu ở nhiều độ cao khác nhau, và được coi là biện pháp đáp trả đối với THAAD.
Bình luận viên Andrew Browne của WSJ cho rằng cách phản ứng trên của Trung Quốc đặt chính phủ Hàn Quốc trước lựa chọn đầy khó khăn: Hoặc có những bước đi để bảo vệ lợi ích quốc gia và tính mạng người dân trước mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên, hoặc giữ gìn mối quan hệ vừa mới nồng ấm trở lại với người láng giềng khổng lồ và là đối tác thương mại lớn nhất của nước này.
Theo Browne, lựa chọn "theo hay chống" mà Bắc Kinh đặt ra cho Seoul rất dứt khoát, thể hiện rõ ràng chính sách đối ngoại kiểu đè nén láng giềng của quốc gia này, hay như cách gọi của nhà ngoại giao kỳ cựu người Singapore Bilahari Kausikan là "chính sách đối ngoại hung hăng thụ động" của Trung Quốc ở Đông Á.
Trong một bài phát biểu hồi đầu năm, ông Kausikan cho rằng Trung Quốc đã thực hiện chính sách đối ngoại kiểu này bằng cách đặt ra tình thế "tiến thoái lưỡng nan" giả tạo cho các nước láng giềng trong khu vực, như những gì họ đã đưa ra với Hàn Quốc.
Thông điệp mà họ phát đi tới các quốc gia láng giềng nhỏ hơn rất rõ ràng. Nếu họ đứng lên chống lại Trung Quốc để bảo vệ lợi ích của mình – đặc biệt là khi hợp tác với Mỹ - họ có nguy cơ đánh mất lợi ích về thương mại, đầu tư và viện trợ của Trung Quốc. Ông Browne cho rằng đây chính là cách Trung Quốc thuyết phục các láng giềng rằng họ không còn lựa chọn nào khác ngoài đi ngược lại những mong muốn của mình. Mục đích cuối cùng mà Bắc Kinh muốn đạt tới là sự thống trị trong khu vực.
Giới phân tích cho rằng chính sách đối ngoại này của Bắc Kinh về thực chất là một trò chơi đấu trí chứ không phải là trò chơi chiến tranh, dù Trung Quốc đã xây dựng được một trong những lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới. Trong trò chơi cân não này, Trung Quốc muốn gieo vào đầu lãnh đạo các nước láng giềng ý nghĩ chấp thuận sự thống trị "không thể tránh khỏi" của Bắc Kinh trong khu vực, và sẽ đưa ra những quyết định tuân theo kịch bản đó.
Để thực hiện chính sách này, các nhà ngoại giao Trung Quốc thường sử dụng những lời lẽ mang tính dọa dẫm với các nước khác. Những nước tỏ ra không hợp tác với họ sẽ bị cáo buộc là "làm tổn thương tình cảm" của hơn 1,3 tỷ người dân Trung Quốc.
"Cách làm này nhằm mục đích khiến bạn cảm thấy tội lỗi – bạn phải là kẻ thực sự đáng ghét mới có thể làm tổn thương quá nhiều người như vậy – và nó chứa đựng lời cảnh báo không hề giấu diếm về việc làm trái ý của một cường quốc", ông Kausikan nói.
Vũ khí thương mại
Cho đến nay, Trung Quốc không hề đưa ra lời đe dọa trả đũa nào với Hàn Quốc nếu họ triển khai THAAD. Tuy nhiên, những lời lẽ đầy ẩn ý về "quan hệ thương mại" mà Bắc Kinh đưa ra đã đủ để khiến các quan chức Seoul cảm thấy bất an.
Từ lâu, thương mại đã được Trung Quốc sử dụng như một thứ vũ khí ngoại giao để chống lại các nước láng giềng. Trong giai đoạn căng thẳng với Nhật Bản năm 2010, Trung Quốc đã cắt nguồn xuất khẩu đất hiếm tới Nhật Bản để gây sức ép với nước này. Sau khi Hàn Quốc công bố kế hoạch triển khai THAAD, Trung Quốc lập tức trả đũa bằng cách không cấp thị thực cho các sao Hàn tới nước này biểu diễn.
Hàn Quốc không phải là quốc gia duy nhất bị Trung Quốc áp đặt chính sách đối ngoại kiểu này, bởi Singapore cũng từng bị gây sức ép tương tự. Với đa số công dân Singapore là người gốc Hoa, Trung Quốc hy vọng có thể buộc chính phủ nước này có những chính sách, lập trường ủng hộ Bắc Kinh trong các vấn đề quốc tế, đặc biệt là tranh chấp ở Biển Đông.
Singapore là quốc gia điều phối Quan hệ Đối thoại ASEAN – Trung Quốc, và gần đây nhiều tờ báo Trung Quốc đã không ngớt chỉ trích Singapore vì đã "không theo phe Trung Quốc" sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ "đường lưỡi bò" trên Biển Đông.
Hồi đầu tháng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn ra tuyên bố yêu cầu Singapore "tôn trọng" lập trường của họ đối với phán quyết Biển Đông. "Trung Quốc hy vọng Singapore, với tư cách là điều phối viên, có thể duy trì lập trường khách quan và công bằng, để thúc đẩy quan hệ hai nước và duy trì quan hệ ổn định, lành mạnh giữa ASEAN với Trung Quốc".
Một mục tiêu khác bị Trung Quốc nhắm tới bằng chiến lược công kích kiểu này là Philippines. Sau khi giành thắng lợi vang dội trong vụ kiện "đường lưỡi bò" trước tòa án quốc tế, Manila giờ đây dường như đang muốn gác lại phán quyết sang một bên và tìm cách thỏa hiệp với Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông để đổi lấy các khoản đầu tư, theo Browne.
Một láng giềng khác cũng đang bị giằng xé giữa lựa chọn đảm bảo an ninh với lợi ích thương mại trong quan hệ với Trung Quốc chính là Australia, một đồng minh thân cận với Mỹ nhưng cũng là nước phụ thuộc lớn vào hoạt động xuất khẩu quặng sắt Trung Quốc.
Trong khi chính phủ Australia nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ đồng minh với Mỹ và quyết tâm giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông, các ông trùm khai khoáng có ảnh hưởng lớn cũng như nhiều học giả nổi tiếng lại kêu gọi thỏa hiệp với Trung Quốc để bảo vệ hoạt động thương mại và đầu tư. Các chuyên gia phân tích cho rằng nếu Australia nhượng bộ Trung Quốc, một khu vực lớn của Đông Á sẽ rơi vào vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Ông Browne cho rằng chiến lược đối ngoại này đã ăn sâu vào máu của người Trung Quốc. "Họ thích tự coi mình là một đế quốc trung tâm, ban phát ơn huệ cho các nước xung quanh bằng lợi ích từ nền văn minh rạng rỡ của mình. Nhưng để được hưởng ân huệ đó, các láng giềng đầu tiên phải thừa nhận vị trí siêu cường của Trung Quốc trong khu vực", ông nói.
Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng đây là cách tư duy sai lầm, bởi lịch sử luôn vận động, và thời đại hiện nay không giống như thời kỳ phong kiến xa xưa. Trung Quốc vẫn đang là một cường quốc khu vực, nhưng họ cũng chỉ có địa vị ngang bằng như các quốc gia có chủ quyền khác. Trong một nền kinh tế toàn cầu và kết nối khu vực, việc coi thương mại như một món quà từ "hoàng đế Trung Hoa hiện đại" chỉ là ý tưởng lỗi thời, Brown nhận xét.
"Những quốc gia nào chấp nhận chỉ lựa chọn giữa an ninh và thịnh vượng đã vô tình đóng sập những cánh cửa khác trong một trật tự cân bằng mới ở Đông Á. Dù sao, Trung Quốc cũng cần khu vực này giống như các nước trong khu vực cần tới họ", Kausikan nhấn mạnh.
Xem thêm: Ngoại trưởng Trung Quốc tức tối với tên lửa THAAD ở Hàn Quốc
Trí DũngNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn