Quốc vương Dubai Mohammed bin Rashid Al Maktoum. Ảnh: Dubai92 |
Quốc vương Dubai Mohammed bin Rashid Al Maktoum, 67 tuổi, đồng thời là thủ tướng và phó tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Ông Mohammed là con trai thứ ba của Quốc vương Dubai quá cố Rashid bin Saeed Al Maktoum. Ông từng có quãng thời gian học ở Anh năm 1966 và được đào tạo nghiệp vụ phi công ở Italy sau khi hoàn thành việc học văn hóa.
Khi UAE được thành lập ngày 2/12/1971, ông trở thành bộ trưởng quốc phòng đầu tiên của nước này.
Ông giữ ngôi vua từ năm 2006, sau khi anh trai ông qua đời. Ông đã thực hiện nhiều cải cách quan trọng trong chính phủ UAE. Năm 2010, ông khởi xướng tầm nhìn UAE 2021 với mục tiêu làm cho UAE "trở thành một trong những nước tuyệt vời nhất thế giới" vào năm 2021.
Ông Mohammed được coi là người có công đưa Dubai phát triển thành một thành phố mang tầm vóc thế giới, cũng như khai sinh một số doanh nghiệp lớn bao gồm hãng hàng không Emirates Airline, doanh nghiệp khai thác cảng DP World và tập đoàn khách sạn Jumeirah.
Tuy nhiên, Quốc vương cũng vướng vào một số tranh cãi. Tháng 9/2006, khi còn là Thái tử Dubai, ông bị cáo buộc khuyến khích các vụ bắt cóc và nô dịch hàng nghìn trẻ em trai để làm nài lạc đà trong các cuộc đua. Đơn kiện chống lại ông được đệ trình ở bang Florida, Mỹ. Năm 2006, các luật sư Mỹ đại diện cho UAE đã bác bỏ thẩm quyền của tòa vì các bên liên quan không sống ở Mỹ, đồng thời trình bày các lập luận phản bác khác. Tháng 7/2007, thẩm phán đồng ý bác bỏ vụ kiện.
Theo Guardian, năm 2013, ông vướng vào bê bối liên quan đến việc sử dụng doping với ngựa đua, khi máy bay của hoàng gia Dubai bị phát hiện chở các chất kích thích độc hại vào UAE dưới mác là "đồ dùng cho ngựa".
Triệt tiêu tham nhũng
Quốc vương Mohammed là người không khoan nhượng với tham nhũng. Tháng 2/2001, trước khi lên ngôi vua, ông đã ra lệnh bắt giữ Obaid Saqr bin-Busit, người đứng đầu cơ quan hải quan của Dubai và là chủ tịch Hiệp hội Hải quan Thế giới, vì tham nhũng.
Theo BBC, ông Mohammed đã theo dõi sát sao Obaid và các trợ lý của ông này trong hai năm. Một tuần sau vụ bắt giữ Obaid, 14 cán bộ, trong đó có 6 quan chức cấp cao, cũng bị bắt giữ và buộc tội liên quan đến tham nhũng.
Ông Mohammed yêu cầu tất cả thông tin về các vụ bắt giữ quan tham đều phải được công khai để người dân biết được "những công chức đã phản bội và lạm dụng sự tin tưởng của chính phủ, lợi dụng chức vụ để tham ô công quỹ".
Năm 2009, ông Mohammed trao quyền đặc biệt cho một đội điều tra độc lập để phanh phui hành vi sai trái của công ty bất động sản Deyaar. Nhóm điều tra được phép tra khảo bất kỳ ai, yêu cầu xuất trình bất cứ tài liệu và tập tin nào, và báo cáo trực tiếp lên ông Mohammed. Cuối cùng, giám đốc điều hành của Deyaar bị phát hiện lạm dụng quyền lực để tham ô 5,5 triệu USD và lĩnh án 10 năm tù.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2001, ông Mohammed nói rằng: "Các quan chức tham nhũng giống như cỏ dại, phải nhổ đi thì cây mới có thể phát triển".
"Chúng tôi quyết tâm giữ cho môi trường làm việc trong sạch để sự ngay thật, minh bạch, hiệu quả và cơ hội bình đẳng có thể phát triển", ông Mohammed nói và kêu gọi công chức ở các cấp hành chính thực hiện nhiệm vụ một cách tốt nhất "bởi vì họ là những người bảo vệ quyền lợi của xã hội và người dân".
"Không có chỗ cho tham nhũng. Trong tất cả trường hợp tham nhũng, các quan tham không chỉ bị truy tố và trừng phạt, các lỗ hổng hành chính và pháp lý mà họ lợi dụng để phạm tội cũng phải được ngăn chặn triệt để", ông Mohammed nhấn mạnh năm 2009.
Theo Independent, Quốc vương Mohammed còn nổi tiếng là thường đi kiểm tra bất ngờ để đảm bảo cơ quan nhà nước hoạt động đúng tiêu chuẩn cao mà Dubai đề ra. Ông cũng điều nhân viên bí mật đến các cơ quan công quyền để kiểm tra thái độ tiếp dân.
Hôm 28/8, ông đã bất ngờ kiểm tra văn phòng Bộ Đất đai và Bộ Phát triển Kinh tế vào 7h30, phát hiện một số bàn của quan chức cấp cao vẫn bỏ trống dù đã vào giờ làm việc. Một ngày sau, 9 quan chức bị sa thải.
Vua Dubai kiểm tra đột xuất, phát hiện quan chức đi làm muộnNgười dùng mạng xã hội đã ca ngợi chuyến kiểm tra bất ngờ của ông Mohammed. "Đây là một thông điệp tới các cán bộ, dù là cấp cao hay cấp thấp. Họ luôn phải làm việc đúng giờ", một số người viết.
Nhà văn Maisaa Rashid nói rằng chuyến kiểm tra của ông Mohammed cho thấy không có quan chức cấp cao nào không bị truy cứu trách nhiệm khi vi phạm quy định.
"Cuộc kiểm tra như thế này không phải là điều mới mẻ với nhà vua", bà nói và nhấn mạnh một lãnh đạo thành công phải là người có mặt và gần gũi với đội ngũ nhân viên tại nơi làm việc.
Xem thêm: Vua Dubai bất ngờ vi hành, sa thải 9 quan chức đi làm muộn
Phương VũNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn