Ukraine – "Siêu thị" vũ khí bất hợp pháp

Thứ bảy - 20/08/2016 06:03

Ukraine – "Siêu thị" vũ khí bất hợp pháp

1. Đó là một buổi tối mùa đông năm 2015, trong một quán rượu nằm trên con phố Bogdan Kmelnitsky, thủ đô Kiev, Ukraine, có hai người đàn ông ngồi đối diện nhau bên ly rượu vodka Beluga, thì thầm trò chuyện.

Một trong hai người này là Vlasov, được thế giới ngầm ở Kiev biết đến như một đại lý mua bán vũ khí bất hợp pháp còn người kia là Vainakh, dân Chechnya. Nội dung cuộc nói chuyện cho thấy Vainakh đang muốn đặt mua 20 khẩu súng ngắn Marakov cùng 1.200 viên đạn. Khi Vlasov ra giá 160USD cho mỗi khẩu thì Vainakh hạ xuống 120USD.

Thảo luận một hồi, Vlasov đồng ý với giá này và cho biết thêm ông ta cũng có cả súng tiểu liên AK-M, giá 380USD mỗi khẩu, giao hàng ngay. Còn nếu Vainakh muốn mua tên lửa chống tăng hoặc tên lửa vác vai chống trực thăng, Vlasov sẵn sàng cung cấp nhưng phải đợi lâu hơn một chút.

Một lái súng chào lô hàng vũ khí với nhóm phóng viên kênh truyền hình Sky News.

Kể từ khi nổ ra cuộc chiến tranh ở miền Đông Ukraine vào năm 1974 giữa quân đội chính phủ và quân ly khai thì việc mua bán vũ khí bất hợp pháp tại quốc gia này phát triển mạnh. Trong một bài báo đăng trên tờ Diplomat, tác giả Von Sterling mô tả Ukraine đã trở thành một "siêu thị" vũ khí lậu. Tại đây, có thể mua từ một khẩu súng ngắn 9mm đến những khẩu đại liên 12,7mm, từ súng chống tăng RPG đến tổ hợp tên lửa phòng không vác vai Konsat và thậm chí là cả xe tăng T72!

Von Dterling viết: "Ngoài vũ khí do Ukraine sản xuất thì còn có nhiều loại vũ khí nhập lậu từ nước ngoài, chưa kể thuốc nổ, lựu đạn và mìn. Khách hàng của những thứ giết người ấy là những tổ chức cực đoan ở Trung Đông, các băng đảng tội phạm ở châu Âu và gần đây là những tên khủng bố IS".

Andrey, một trong những "đại lý" mua bán vũ khí bất hợp pháp ở Ukraine - người đã từng tham gia một tiểu đoàn quân tình nguyện chiến đấu chống lại phe ly khai trong hơn một năm cho nhà báo Von Sterling biết: "Trong các thương vụ, chúng tôi không bao giờ cho đối tác biết tên thật và nơi ở của mình. Việc nhận ra nhau thông qua những ký hiệu riêng vì nếu bị bắt, tôi sẽ lĩnh án tù - nhẹ nhất là 5 năm tùy theo chủng loại súng đạn mà tôi bán".

Vẫn theo Andrey, súng ngắn Marakov do ông ta bán chỉ có giá 20USD mỗi khẩu, nhưng khách hàng phải trả trên 100USD do qua nhiều trung gian. Andrey nói: "Vận chuyển một lô súng từ phía đông Ukraine đến Kiev là một quá trình đầy khó khăn và nguy hiểm. Thường thì lái súng sẽ chia cung đường vận chuyển thành nhiều chặng, mỗi chặng do một nhóm phụ trách. Vì vậy, giá tiền ắt sẽ tăng lên nhiều lần". Hồi tháng trước, bộ đội biên phòng Ukraine đã bắt một người Pháp với cả một kho vũ khí khi ông ta đang tìm cách đưa nó sang Ba Lan.

Theo Cơ quan an ninh Ukraine, người đàn ông Pháp khai số vũ khí này được lên kế hoạch để thực hiện những vụ tấn công khủng bố ở Pháp. Nhà báo Von Sterling viết: "Hầu như tuần nào cảnh sát cũng phát hiện một vài vụ mua bán súng AK, chất nổ hoặc súng chống tăng RPG. Nhiều loại được lén lút chuyển về Kiev từ miền đông.

Về phía lực lượng cảnh sát giao thông Ukraine, hàng ngày họ vẫn tạm giữ những hành khách là quân nhân, hoặc là thành viên của các tiểu đoàn tình nguyện chống quân ly khai, lên xe lửa về Kiev với những chiếc balô hoặc vali chứa vũ khí. Trong tháng 6-2016, Cơ quan An ninh của Ukraine đã thu giữ hơn 200 súng chống tăng, 3.000 lựu đạn và súng phun lửa Shmel.

Hầu hết những loại vũ khí này không nằm trong danh mục của quân đội Ukraine. Heorhiy Uchaikin, người đứng đầu Hiệp hội súng tư nhân ở Ukraine ước tính rằng hiện nay, có khoảng 5 triệu vũ khí bất hợp pháp, phần lớn nằm trong tay các băng nhóm mua bán. Ông nói: "Nếu tìm được đúng người cung cấp thì việc mua một khẩu súng dễ như mua hộp xi đánh giày".

Về mặt lý thuyết, tại Ukraine, vũ khí hợp pháp duy nhất mà người dân được phép sử dụng là súng săn nhưng phải chịu sự quản lý và giám sát rất chặt chẽ. Tuy nhiên, chẳng khó khăn gì để mua "lậu" một khẩu AK.

Đa số vũ khí trên thị trường chợ đen đến từ những tình nguyện viên thuộc 40 tiểu đoàn quân tình nguyện Ukraine. Nadiya Savchenko, nữ phi công quân sự Ukraine, tham gia chiến đấu trong một tiểu đoàn quân tình nguyện và trở thành "anh hùng dân tộc Ukraine" vì đã bị bắt giam ở Nga trong 2 năm cho biết một số loại súng sau khi trao cho các tình nguyện viên để chiến đấu thì cuối cùng lại chạy vào tay những lái súng.

Cô nói với hãng thông tấn AP: "Sự tham nhũng của vài nhà lãnh đạo quân sự đã là yếu tố thúc đẩy việc mua bán vũ khí bất hợp pháp phát triển mạnh. Với một số người dân sống trong các vùng chiến sự, khẩu súng trường tự động là vật duy nhất có thể bảo vệ tính mạng họ. Vì thế, họ tìm mọi cách để mua rồi cất giấu…".

Dmitro, một người lính Ukraine nói với hãng AP nhưng đề nghị giấu tên, rằng kể từ khi ông tham gia cuộc chiến chống quân ly khai vào năm 2014, trong đơn vị ông có khá nhiều người mang về nhà 2 hoặc 3 khẩu AK. Ông nói: "Với chúng tôi, nó là nguồn thu ngoại tệ mạnh vì tôi có thể bán nó với giá 320USD".

2. Hai năm qua, khoảng 250.000 người Ukraine đã được gọi vào các tiểu đoàn quân tình nguyện trong 6 đợt huy động. Kể từ khi cuộc xung đột vũ trang bắt đầu vào tháng 4-2014, ít nhất 9.500 người đã thiệt mạng. Một thỏa thuận ngừng bắn ký vào năm 2015 đã làm giảm đáng kể các vụ giao chiến nhưng đến mùa hè năm nay, con số thương vong lại có chiều hướng tăng lên.

Một tên khủng bố IS cầm khẩu súng ngắn Makarov mua từ thị trường chợ đen.

Các quan sát viên quốc tế lên tiếng cáo buộc cả hai bên đều vi phạm lệnh ngừng bắn bằng cách sử dụng vũ khí hạng nặng mà trước đó được cho là đã thu hồi. Những nỗ lực của Chính phủ Ukraine trong việc thuyết phục những tình nguyện viên khi trở về nhà, tự giác giao nộp vũ khí xem ra không được thành công lắm. Suốt tháng 3-2016, gần 30.000 tình nguyện viên giải ngũ nhưng chỉ có 4.500 khẩu súng các loại, 250 lựu đạn được cảnh sát thu hồi. Đại tá cảnh sát Kostyantyn Zhuk cho biết kết quả rất đáng thất vọng.

Ông nói: "Đó chỉ là một giọt nước trong đại dương". Theo báo cáo của cảnh sát Ukraine, năm 2015 đã có 1.526 tội phạm liên quan đến vũ khí, tăng 784 trường hợp so với năm 2013. 70% nguồn gốc các loại vũ khí được sử dụng vào các hoạt động tội ác đến từ miền đông Ukraine.

Ngoài vũ khí bất hợp pháp do các tình nguyện viên lấy cắp đem về rồi bán lại, hoạt động buôn lậu cũng sôi nổi không kém. Các tuyến đường chính chạy về phía tây qua Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia đều có chung đường biên giới với Ukraine nên các băng nhóm buôn lậu vũ khí đã tận dụng lợi thế này để "đánh hàng".

Những chiếc xe vận tải hạng nặng Kamaz, Ural hoặc Volvo được chế thêm những ngăn bí mật dưới khung gầm, trong buồng lái và thậm chí là cả trong thùng đựng nhiên liệu, nhét đầy súng ngắn, súng tiểu liên. Hồi tháng 6, một công dân Đức đã bị bắt giữ khi đang lén lút mang vào Romania một khẩu súng và mấy băng đạn. Trên biên giới với Slovakia, một lính biên phòng Ukraine phát hiện một nhóm buôn lậu vũ khí nhưng bọn buôn lậu đã bắn bị thương người lính này rồi bỏ chạy.

Theo ông Uchaikin, Chủ tịch Hiệp hội sở hữu súng đạn ở Ukraine, vũ khí buôn lậu vào châu Âu theo các tuyến đường từ lâu đã được sử dụng để buôn lậu thuốc lá. Ông cáo buộc một số lính biên phòng đã cho phép xe cộ đi qua mà không cần kiểm tra để lấy tiền hối lộ. Tuy nhiên, Cơ quan An ninh Ukraine đã lên tiếng phủ nhận.

Trong bản thông báo về việc bắt giữ một công dân Pháp, Cơ quan An ninh Ukraine cho biết các nhân viên tình báo đã theo dõi người này trong nhiều tháng cho đến lúc bắt quả tang ông ta mua 5 khẩu AK, 2 súng phóng lựu, 125kg chất nổ, 100 kíp nổ và một số vũ khí khác. Theo lời khai của người đàn ông Pháp, số vũ khí ấy sẽ được dùng để tấn công khủng bố tại Pháp - trước và trong giải vô địch bóng đá châu Âu mùa hè vừa rồi.

Gần đây nhất, một nhóm phóng viên thuộc kênh truyền hình Anh Sky News đã tiến hành một cuộc điều tra, và họ khẳng định về sự tồn tại của một đường dây buôn lậu vũ khí từ Ukraine thông qua Romania đến Tây Âu và Trung Đông. Theo kênh truyền hình này, sau nhiều tháng dàn xếp thông qua những khâu trung gian, nhóm phóng viên đã được bọn buôn lậu dành cho một buổi tiếp xúc.

Trong buổi tiếp xúc ấy, họ lạnh người khi nghe những kẻ buôn lậu tuyên bố rằng sẽ sẵn sàng bán vũ khí cho bất cứ ai trả tiền, kể cả bọn khủng bố. Để thực mục sở thị, nhóm phóng viên đã được cho xem nhiều loại súng đạn khác nhau, chất đầy trong thùng một chiếc xe tải. Tên cầm đầu nhóm buôn lậu cho biết "cần bao nhiêu cũng có, kể cả vũ khí hạng nặng, lựu đạn và mìn" vì chúng tưởng nhóm phóng viên là khách mua "hàng".

3. Song song với việc buôn lậu vũ khí, lại rộ lên giả thuyết cho rằng Ukraine hy vọng những tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nếu được trang bị tốt, có thể sẽ khiến quân đội Nga sa lầy ở Syria và điều này sẽ khiến Moscow giảm thiểu hoạt động quân sự ở miền Đông Ukraine.

Hai kẻ bán chất nổ và súng chống tăng bất hợp pháp bị cơ quan an ninh Ukraine bắt giữ.

Việc Ukraine bị cho là đã bí mật cung cấp vũ khí cho IS rộ lên hồi tháng 11-2015, khi Cơ quan An ninh Kuwait bắt 6 nghi can làm việc cho IS. Kẻ cầm đầu nhóm này là Osama Mohammed Saeed Khaiyat, 45 tuổi, công dân Syria gốc Lebanon, đã từng đến Ukraine nhiều lần để mua súng đạn. Theo Khaiyat, sau khi mua xong, y chuyển cho những tay súng IS ở Syria thông qua các đường dây buôn lậu ở biển Đen và Thổ Nhĩ Kỳ.

Vẫn theo lời khai của Khaiyat, trong số những vũ khí y mua ở Ukraine có cả tên lửa phòng không vác vai đất đối không FN-6, loại vũ khí do Trung Quốc sản xuất nhưng chưa bao giờ được bán cho quân đội Ukraine. Báo cáo của Bộ Nội vụ Kuwait cho biết Khaiyat thừa nhận đã ký các hợp đồng mua súng tại Ukraine. Trong khi đó, Abdulkarim Mohammed Selem, công dân Syria, kẻ đồng lõa với Khaiyat, là chủ một công ty vũ khí có trụ sở ở Ukraine.

Trả lời báo chí, người phát ngôn quân đội Ukraine là Vladislav Seleznyov khẳng định nhà chức trách Ukraine không hề biết tên lửa FN-6 đã rơi vào tay IS. Ông quả quyết Kiev không sản xuất hay mua các hệ thống tên lửa phòng không do Trung Quốc thiết kế, hoặc dùng đất Ukraine làm trạm trung chuyển vũ khí sang Syria.

Trước những vụ tấn công khủng bố do IS thực hiện bằng nhiều loại vũ khí khác nhau ở Ai Cập, Lebanon và Pháp trong năm 2015, dư luận đã ngay lập tức thắc mắc bằng cách nào những kẻ tấn công có thể có được các thứ vũ khí đó.

Tuy nhiên, theo trang web chuyên về tình báo Intel News, hiện không có chứng cứ cho thấy tập đoàn vũ khí Ukroboronprom của Ukraine cung cấp vũ khí cho IS, mà hàng triệu vũ khí đã bị đánh cắp từ các kho của Chính phủ Ukraine kể từ khi nổ ra cuộc chiến ở Donbass rồi sau đó được bán cho IS. Điều này phù hợp với việc một số phiến quân IS đã bắt đầu tham gia cuộc chiến chống phe ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine.

Để ngăn chặn việc buôn lậu và sử dụng vũ khí bất hợp pháp, ông Uchaikin, Chủ tịch Hiệp hội sở hữu súng Ukraine cho biết ông đang vận động nhằm thay đổi luật để thực hiện quyền mang giữ súng ngắn và súng tiểu liên hợp pháp. Ông nói: "Nếu điều đó được thực hiện, nó sẽ điều tiết thị trường và giúp dễ dàng tìm ra chủ sở hữu của những khẩu súng mua ở thị trường chợ đen…"

Theo Cao Trí (tổng hợp)

An ninh thế giới

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây