Trang tin Yomiuri Shimbun của Nhật Bản ngày 18/8 đưa tin, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ chịu trách nhiệm thiết kế toàn bộ hệ thống giám sát này trong năm nay. Hệ thống sẽ sử dụng radar và kính viễn vọng quang học, với mục tiêu tăng cường khả năng thu thập thông tin từ không gian của Nhật Bản, từ đó có thể chia sẻ các tin tức tình báo an ninh với Mỹ cũng như các nước khác.
Theo kế hoạch, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ triển khai toàn bộ hệ thống giám sát vệ tinh mới muộn nhất là vào năm 2022. Ngân sách để thiết kế hệ thống trong năm nay là 200 triệu yên (khoảng 2 triệu USD).
Nhật Bản hiện đang giám sát tình hình các căn cứ quân sự của Triều Tiên thông qua các vệ tinh thu thập thông tin tình báo, tuy nhiên Tokyo vẫn phải phụ thuộc vào các vệ tinh do thám hoặc vệ tinh cảnh báo sớm của Mỹ khi xảy ra các tình huống bất ngờ như các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Tính đến nay, Nhật Bản vẫn sử dụng kính viễn vọng và các thiết bị do Cơ quan thám hiểm hàng không Nhật Bản (JAXA) cung cấp. Tuy nhiên, so sánh với các hệ thống giám sát của Mỹ, Pháp, Đức và Australia, hệ thống giám sát của Nhật Bản gặp hạn chế trong việc theo dõi chi tiết các khu vực có quy mô nhỏ hơn, từ đó dẫn tới việc khó thu thập thông tin cần thiết hơn. Do vậy, việc triển khai mạng lưới giám sát mới sẽ giúp Tokyo tăng cường khả năng thu thập thông tin về Triều Tiên, thay vì phải trông chờ vào các thông tin do Mỹ cung cấp như hiện nay.
Ngoài việc thiết lập hệ thống giám sát mới, chính phủ Nhật Bản dự tính sẽ hợp tác chặt chẽ với Washington trong việc thiết lập mạng lưới chia sẻ thông tin lẫn nhau, trong đó Nhật Bản sẽ giám sát tình hình ở biển Hoa Đông, nơi Tokyo đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, trong khuôn khổ hệ thống giám sát toàn cầu của Mỹ.
Thành Đạt
Tổng hợp
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn