Tổng thống Barack Obama bắt đầu chuyến công du nước ngoài cuối cùng ngày 14/11 (Ảnh: Getty)
AP, đưa tin, hôm nay, 14/11, ông Barack Obama đã bắt đầu chuyến công du nước ngoài cuối cùng trên cương vị Tổng thống Mỹ, với điểm dừng chân đầu tiên là thủ đô Athens của Hy Lạp.
Việc ông Trump bất ngờ đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử hôm 8/11 vừa qua không chỉ gây xáo trộn đời sống của người dân Mỹ mà còn gây tâm lý hoang mang đối với thế giới. Mặc dù Tổng thống Obama đã nhiều lần kêu gọi sự đoàn kết, đồng thời cho rằng nước Mỹ cần tôn trọng kết quả bầu cử và ủng hộ tổng thống mới, song dường như điều đó là chưa đủ.
Ông Obama được cho là sẽ “tận dụng” chuyến công du nước ngoài cuối cùng tới Hy Lạp, Đức và Peru trong tuần này để trấn an thế giới, đồng thời khẳng định vị thế dẫn đầu của Mỹ dưới thời chính quyền mới.
Chuyến công du nước ngoài cuối cùng của Tổng thống Obama đã được lên kế hoạch từ khi truyền thông Mỹ đưa tin bà Hillary Clinton gần như cầm chắc phần thắng trong tay. Khi đó, mục đích chuyến công du của ông Obama là nhằm khẳng định về một nước Mỹ ổn định về chính trị. Thế nhưng giờ đây, nhiệm vụ khó khăn của ông Obama là giải thích về “hiện tượng Trump” và trấn an các đồng minh và đối tác.
Trong suốt nhiều tháng, Tổng thống Obama đã kêu gọi người Mỹ bỏ phiếu cho bà Clinton, đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống. Trong một phát biểu hồi tháng 8, ông Obama cho rằng tỷ phú New York hoàn toàn chưa sẵn sàng để trở thành người đứng đầu Nhà Trắng do thiếu những hiểu biết cơ bản về những vấn đề nổi cộm của châu Âu, châu Á và Trung Đông.
Trong chuyến thăm tới Nhật Bản trong năm, ông Obama từng nói mình không phải là người duy nhất lo ngại về ông Trump.
“Ông ấy khiến mọi người cảm thấy lo lắng. Nhiều đề xuất mà ông ấy đưa ra đã phớt lờ các vấn đề quốc tế, thể hiện một thái độ kiêu ngạo. Ông ấy chỉ thích đưa các vấn đề lên Twitter thay vì thực sự suy nghĩ về những điều cần thiết, những điều giúp xây dựng một nước Mỹ và một thế giới an toàn, ổn định và thịnh vượng hơn”, Tổng thống Obama cho biết.
Giờ đây, trong chuyến công du nước ngoài cuối cùng trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Obama sẽ phải thay đổi chiến lược và trấn an thế giới rằng mọi việc sẽ diễn ra ổn thỏa dưới sự lãnh đạo của ông Donald Trump.
Ông Obama và ông Trump đã có cuộc gặp đầu tiên tại Nhà Trắng hôm 10/11 (Ảnh: Reuters)
Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho biết ông Obama sẽ tiếp tục triển khai những chính sách còn dang dở theo đường hướng đã định cho đến khi tổng thống mới nhận chức. Theo ông Rhodes, những chính sách cơ bản đã được thông qua sẽ được giữ nguyên bất chấp sự thay đổi của chính quyền.
Chuyến công du cuối cùng của ông Obama bắt đầu với điểm dừng chân đầu tiên là thủ đô Athens của Hy Lạp, nơi ông sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Alexis Tsipras. Dự kiến ông sẽ có bài phát biểu về vấn đề dân chủ và toàn cầu hóa liên quan đến việc ông Trump đắc cử tổng thống.
Sau đó, Tổng thống Obama sẽ tới thăm Đức và gặp các lãnh đạo châu Âu, những đồng minh thân cận nhất của Washington.
Điểm dừng chân cuối cùng của ông Obama trong chuyến đi này là Peru để tham dự một hội nghị kinh tế châu Á và gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull.
Thế giới bối rối
Khi kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ được công bố, các nhà lãnh đạo thế giới đều chúc mừng ông Donald Trump một cách lịch sự nhưng cẩn trọng. Còn Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay lập tức tuyên bố Moscow sẵn sàng khôi phục mối quan hệ với Washington.
Còn tại châu Âu, các đồng minh tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang bối rối sau khi ông Trump tuyên bố sẽ “bỏ rơi” liên minh nếu các nước này không chi thêm tài chính. Các nước cũng lo ngại ông Trump sẽ đưa Mỹ rút khỏi Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu.
Ngược lại, phương châm “nước Mỹ trên hết” của ông Trump lại nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của những người theo chủ nghĩa dân tộc và những người hoài nghi toàn cầu hóa.
Cho tới nay, các đồng minh Trung Đông của Mỹ vẫn chưa xác định được những tác động của kết quả cuộc bầu cử tới thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà các cường quốc đã ký với Iran hồi tháng 7 năm ngoái.
Trong khi đó, các nước châu Á lại lo ngại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ nhanh chóng chết yểu dưới thời ông Donald Trump. Mặc dù ông Obama có kế hoạch gặp các nhà lãnh đạo các nước tham gia TPP tại Peru trong chuyến thăm này, nhưng không còn hy vọng hiệp định này được quốc hội Mỹ thông qua trước khi ông Trump nhậm chức.
Ông Trump từ lâu luôn phản đối TPP và các hiệp định thương mại tương tự, cho rằng các hiệp định như vậy sẽ mang lại bất lợi cho người dân Mỹ. Ông Trump cũng đe dọa “chiến tranh thương mại” với Trung Quốc bằng cách áp đặt thuế cao đối với hàng hóa của nước này.
Nhật Minh
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn