Ảnh vệ tinh cho thấy tiền đồn quân sự của Trung Quốc ở Djibouti. Ảnh: Digital Globe/Google Earth |
Tháng hai năm nay, lần đầu tiên những người chăn nuôi lạc đà ở Djibouti phát hiện quân đội Trung Quốc bận rộn xây cất tại một dải đất ven biển, chỉ cách căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở châu Phi gần 13 km.
Các tàu hải quân Trung Quốc từng đến quốc gia Đông Phi nhỏ bé này nhiều lần. Họ đến cảng người Pháp xây xưa kia để lấy nhu yếu phẩm phục vụ những cuộc tuần tra chống cướp biển ngoài khơi Somalia. Nhưng lần này, quân đội Trung Quốc đến và ở lại một thời gian dài. Dân địa phương chứng kiến họ đảm bảo an ninh cho một công trường xây dựng, nơi một lượng lớn hàng hoá và container được xếp thành đống.
Theo WSJ, khu đất rộng 0,3 km2 này là nơi Bắc Kinh xây dựng tiền đồn quân sự nước ngoài đầu tiên, đánh dấu một bước tiến to lớn của quân đội Trung Quốc trong quá trình chuyển mình trở thành một cường quốc trên thế giới.
Khi hoàn thành trong năm 2017, tiền đồn hải quân này dự kiến sẽ trở thành nơi cung cấp vũ khí, tàu chiến, bảo dưỡng trực thăng và rất có thể một số thủy quân lục chiến hoặc đặc nhiệm Trung Quốc sẽ đóng quân tại đây, theo các chuyên gia phân tích và nhà quan sát nước ngoài. Nơi đây sẽ là tổ hợp của các toà nhà và cảng có gắn cờ Trung Quốc - dấu hiệu hữu hình nhất trong chiến lược của Trung Quốc nhằm mở rộng tầm hoạt động của quân đội tại Ấn Độ Dương và xa hơn nữa.
Trung Quốc đang đẩy mạnh sự chuyển đổi từ một quốc gia lục địa, biệt lập, để trở thành một cường quốc hàng hải toàn cầu - động thái có thể thách thức trật tự an ninh quốc tế mà phương Tây đã xây dựng kể từ sau năm 1945.
Hiện chỉ có một số ít quốc gia có căn cứ bên ngoài biên giới. Mỹ có nhiều nhất, tại 42 quốc gia. Anh, Pháp và Nga đều có căn cứ của riêng mình ở khoảng một chục quốc gia và vùng lãnh thổ ở nước ngoài.
Trong khi các quan chức Trung Quốc bác bỏ việc họ có kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự kiểu Mỹ, mà chỉ coi đó là một "cơ sở hỗ trợ", họ vẫn công khai bàn luận việc đàm phán để xây dựng nhiều tiền đồn hơn ở nước ngoài, nhằm kết nối các địa điểm mà Trung Quốc có lợi ích.
"Đều đặn xây dựng cơ sở quân sự ở nước ngoài" là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Chủ tịch Tập Cận Bình, theo ông Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc.
Lầu Năm Góc dự đoán Trung Quốc sẽ xây dựng thêm các tiền đồn quân sự trong thập kỷ tới. Một số địa điểm có khả năng là cảng Salalah của Oman, nơi các tàu hải quân Trung Quốc thường dừng lại để nghỉ ngơi và mua đồ tiếp tế. Các địa điểm tiềm năng khác bao gồm cảng ở Seychelles và cảng Karachi ở Pakistan. Giới chức những nước này và Trung Quốc đều không bình luận về khả năng này.
Lý do ông Tập đưa ra cho việc Trung Quốc xây dựng các tiền đồn ở nước ngoài là Bắc Kinh cần bảo vệ những lợi ích đang lớn dần của mình ở nước ngoài, bao gồm khoản đầu tư trong các mỏ dầu tại Trung Đông và số lượng ngày càng nhiều người Trung Quốc làm việc ở nước ngoài. Chính sách này của ông Tập cũng có tác dụng xây dựng hình ảnh của ông là nhà lãnh đạo mạnh mẽ trên thế giới, ngay cả khi nền kinh tế Trung Quốc có xu hướng giảm tốc.
Mạng lưới cảng của Trung Quốc. Đồ họa: WSJ (Click vào hình để xem kích cỡ đầy đủ) |
Kỳ thủ chen chân trên bàn cờ nhỏ
Tuy nhiên, Bắc Kinh có nguy cơ bị hút vào những "vòng xoáy bạo lực", như những gì Mỹ và các cường quốc khác đang đối mặt. Ba lính gìn giữ hòa bình Trung Quốc đã thiệt mạng ở châu Phi kể từ tháng 6. Trong đó, hai lính thiệt mạng tại Nam Sudan, nơi Trung Quốc có những khoản đầu tư vào dầu mỏ.
Mặc dù các quốc gia phương Tây khuyến khích sự tham gia của Trung Quốc trong gìn giữ hòa bình và các nhiệm vụ đa phương khác, sự hiện diện lâu dài của Trung Quốc tại Djibouti có thể gây ra tình huống đối đầu với Mỹ.
Mỹ lo ngại rằng họ sẽ phải chuyển các công nghệ quốc phòng có tính nhạy cảm của mình đi nếu bị Trung Quốc theo dõi. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của nguy cơ tấn công mạng - vấn đề đau đầu của giới chức Mỹ.
"Trung Quốc đang tiến vào khu vực này rất mạnh mẽ", một sĩ quan cao cấp của phương Tây cho biết sau khi theo dõi những hoạt động của Trung Quốc. "Kết quả sẽ là gì? Tôi không biết. Chúng ta đang nói về tương lai của Trung Quốc như một cường quốc thế giới".
Căn cứ của Mỹ ở Djibouti, Trại Lemonnier, có khoảng 4.000 binh sĩ, lực lượng đặc nhiệm và máy bay không người lái sử dụng nhằm chống lại các nhóm jihad trong khu vực. Doanh trại tiếp giáp với sân bay chính của Djibouti.
Mỹ không muốn máy bay quân sự của Trung Quốc, bao gồm cả máy bay không người lái, hiện diện ở gần doanh trại của mình. Mỹ đã khó chịu khi Trung Quốc cung cấp cho lực lượng không quân Djibouti một chiếc máy bay tuốc bin phản lực cánh quạt. Những sĩ quan quân đội Mỹ nói rằng chiếc máy bay đã hạ cánh xuống một đường băng được sử dụng bởi máy bay không người lái của Mỹ. Trong tháng 7, không quân Djibouti cũng tiếp nhận thêm hai máy bay vận tải hạng nhẹ từ Trung Quốc.
"Chúng tôi tin tưởng chắc chắn vào chính phủ Djibouti trong việc đảm bảo rằng các bên đối thủ cần được phân cách một cách thích hợp", tướng Kurt Sonntag, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Djibouti, nói.
Lầu Năm Góc không đưa ra bình luận về việc Trung Quốc trinh sát như thế nào, nhưng nói rằng Washington và Bắc Kinh thường xuyên bàn bạc về châu Phi, và rằng quan hệ đối tác Mỹ - Djibouti vẫn chặt chẽ. Washington kéo dài thời hạn thuê địa điểm doanh trại Lemonnier thêm 20 năm vào năm 2014, với chi phí hàng năm 70 triệu USD.
Ngoại trưởng Djibouti Mahmoud Ali Youssouf nhấn mạnh Djinouti không từ bỏ mối liên kết với Mỹ. Ông cam kết "giữ cân bằng giữa những đối tác có mặt ở đây".
Trung Quốc cũng tìm cách làm dịu tình hình. Các tiền đồn nhằm "phát huy tốt hơn những trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế và bảo vệ lợi ích hợp pháp của Trung Quốc", Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố gửi bằng fax. Bắc Kinh cam kết không tham gia vào việc mở rộng quân sự.
Trung Quốc lần đầu tiên tập trận hải quân chung với Djibouti vào năm ngoái. Ảnh: Hải quân Trung Quốc |
Đòn bẩy kinh tế
Djibouti, nước từng là thuộc địa của Pháp, nhìn ra eo biển Bab-el-Mandeb, một eo biển rộng chỉ rộng 0,08 km2 nằm giữa châu Phi và bán đảo Arab. Khoảng 20% lượng hàng hoá thế giới và một nửa số dầu nhập khẩu của Trung Quốc đi qua vịnh Aden gần đó. Djibouti cũng là con đường thương mại của Ethiopia và các nước khác ở châu Phi.
Người Pháp mở một doanh trại ở đây sau khi Djibouti độc lập vào năm 1977. Nước này cũng là nơi đóng quân của quân đội các nước Đức, Tây Ban Nha, Italy và Nhật Bản, chủ yếu để tuần tra chống cướp biển. Quân đội Mỹ đến đây vào năm 2003 để hỗ trợ cuộc chiến chống khủng bố và từ đó đã mở rộng cơ sở với diện tích 2,31 km2.
Vị trí của Djibouti và vịnh Aden. Đồ họa: mapsof |
Trung Quốc bước vào Djibouti năm 2010 khi Bắc Kinh gửi đến những nguồn tài trợ, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Bắc Kinh xây dựng ba cầu cảng, hai sân bay, một loạt đường ống dẫn nước và khí đốt, xây dựng đường sắt nối đến Ethiopia. Bắc Kinh hy vọng biến Djibouti thành một trung tâm thương mại.
Năm 2013, một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đầu tư vào cảng của Djibouti. Năm 2014, họ đồng ý rót 590 triệu USD cho cảng Dolareh - sẽ là cảng lớn nhất nước này.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy tiền đồn hải quân của Trung Quốc đã được xây dựng với tiến độ đáng kể trong năm nay. Ông Youssouf, ngoại trưởng Djibouti, cho biết sẽ không có giới hạn chính xác về quân số Trung Quốc đồn trú tại đây, nhưng tiền đồn có thể chứa không quá 2.000 lính. Nó sẽ có bến đậu cho tàu và không có đường băng, nhưng có thể có bãi đáp trực thăng. Trung Quốc sẽ phải trả tiền thuê địa điểm với mức 20 triệu USD mỗi năm trong 10 năm và đây sẽ là cơ sở quân sự duy nhất của Bắc Kinh ở Djibouti.
Ở những quốc gia láng giềng của Djibouti, những khoản đầu tư Trung Quốc chủ yếu là trong lĩnh vực dầu khí, với số tiền 2,6 tỷ USD ở Nam Sudan, 16 tỷ USD ở Iraq và 26 tỷ USD ở Arab Saudi, theo Viện Doanh nghiệp Mỹ.
Năm 2008, Trung Quốc triển khai tàu chiến đầu tiên tới vịnh Aden nhằm tuần tra cướp biển. Kể từ năm 2013, Bắc Kinh đã gửi hàng trăm lính gìn giữ hòa bình tới Nam Sudan và Mali. Cuộc nội chiến buộc Bắc Kinh phải sơ tán 35.000 công dân Trung Quốc ở Libya vào năm 2011 và 600 người ở Yemen trong năm ngoái.
Theo các nhà phân tích nước ngoài, chiến lược của Trung Quốc là xây dựng cơ sở quân đội quy mô nhỏ hoặc có hai mục đích sử dụng, tập trung vào khu vực châu Phi và Trung Đông và duy trì quân đội ở những cơ sở đó.
Về lâu dài, các nước phương Tây e ngại rằng Djibouti, giống như nhiều nước trong khu vực, sẽ ưu tiên cho lợi ích của Trung Quốc nhiều hơn, bởi họ phụ thuộc vào nguồn đầu tư và viện trợ của nước này.
Djibouti đang tìm kiếm thêm các khoản vay và đầu tư của Trung Quốc, ông Ilyas Dawaleh, bộ trưởng kinh tế nước này, nói. Ông bác bỏ lập luận cho rằng những lợi ích kinh tế đó là đòn bẩy để Bắc Kinh mở rộng cơ sở quân sự.
"Trong thời gian này, hãy để Trung Quốc thiết lập những gì họ có", ông nói. "Cứ chờ xem thế nào".
Xem thêm: Tờ báo 'diều hâu' gây nhiều tranh cãi của Trung Quốc
Hạm đội tàu cá hủy diệt Biển Đông của Trung Quốc
Trọng NghĩaNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn