Khu trục hạm tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Mason của hải quân Mỹ . Ảnh : US Navy. |
Khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS Mason của Mỹ hôm 9/10 đang neo đậu trên Biển Đỏ ngoài khơi Yemen thì bị phiến quân Houthi dòng Shiite ở Yemen phóng hai quả tên lửa bay về phía tàu, theo CNBC.
Theo quân đội Mỹ, vụ tấn công này diễn ra lúc 7 giờ sáng giờ địa phương, khi hai quả tên lửa được phóng ra trong vòng 60 phút. Tàu Mason khi đó đang hoạt động cùng hai tàu chiến Mỹ khác là USS Nitze và USS Ponce được triển khai đến khu vực sau khi một tàu chiến khác của UAE bị tấn công.
Hai quả tên lửa lần lượt rơi xuống biển trước khi tới được mục tiêu. Hải quân Mỹ thông báo tàu Mason đã sử dụng "các biện pháp phòng thủ trên boong" ngay sau khi phát hiện tên lửa đầu tiên được phóng.
Khu trục hạm USS Masson, một chiến hạm lớp Arleigh Burke, nặng 9.200 tấn, được biên chế trong cụm tàu sân bay chiến đấu USS Harry S. Truman. Đây là loại tàu chiến được trang bị cả hai hệ thống phòng thủ cứng và mềm để đối phó máy bay và tên lửa địch.
Ở cơ chế phòng thủ cứng, tàu Mason được trang bị các tên lửa RIM-66 SM-2 Standard Missile, RIM-162 Evolved Sea Sparrow, pháo Mk 45 Mod 4 127 mm và Hệ thống phòng thủ tầm gần (CIWS) Phalanx Mk 15 để loại bỏ các mối đe dọa tiếp cận đường không.
Trong vụ phóng tên lửa này, tàu Mason chưa cần dùng đến các vũ khí phòng thủ cứng, mà mới chỉ kích hoạt hệ thống phòng thủ mềm để đánh lừa tên lửa địch, khiến chúng bay trượt mục tiêu.
Vụ tấn công xảy ra ở vùng biển ngoài khơi Yemen. Đồ họa: BBC |
Khu trục hạm Mason có hai hệ thống đánh lừa tên lửa địch gồm gói đối kháng điện tử AN/SLQ-32 và hệ thống mồi bẫy Mk 36 Super RBOC. Gói đối kháng điện tử AN/SLQ-32, hiện gần như được tích hợp trên mọi tàu mặt nước của hải quân Mỹ, hoạt động bằng cách gây nhiễu đầu dò radar của các tên lửa diệt hạm, khiến chúng lao đến các mục tiêu "ma" hoặc giảm phạm vi hoạt động của đầu dò giúp tàu tránh được tên lửa.
Hệ thống Mk 36 Super RBOC, thường hoạt động đồng bộ với gói đối kháng điện tử AN/SLQ-32, bắn ra các rocket chứa các chùm dây kim loại (thường là các lá nhôm), tạo thành các mục tiêu giả để đánh lừa đầu dò tên lửa đang bay tới. Phương pháp này lần đầu tiên được sử dụng trong Thế chiến II để đánh lừa radar Đức.
Yemen từng là nơi nguy hiểm với các tàu chiến Mỹ. Hồi tháng 10/2000, khu trục hạm lớp Arleigh Burke USS Cole đang tiếp liệu trên vịnh Aden thì bị hai phiến quân Hồi giáo kích nổ khối thuốc nổ nặng hơn 317 kg ở mạn sườn khiến 17 thủy thủ thiệt mạng và 39 người bị thương.
Xem thêm: Hai tên lửa nã trượt tàu chiến Mỹ
Duy SơnNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn