Đây là dòng vũ khí phòng thủ theo đánh giá của chuyên gia quân sự Mỹ và phương Tây có khả năng đánh chặn không chỉ máy bay, mà cơ bản mọi loại tên lửa có cánh hiện có của Quân đội Mỹ.
Bất chấp lời giải thích của phía Nga rằng tổ hợp vũ khí phòng không trên chỉ đơn thuần vì mục đích đảm bảo an ninh cho nhóm quân đội Nga đóng quân tại căn cứ Tartus, Syria, giới chức Washington cáo buộc hành động trên của Moscow là châm ngòi cho căng thẳng và can thiệp sâu vào cuộc nội chiến tại Syria.
Vậy thực tế tổ hợp tên lửa S-300V4 là gì và tại sao nó lại khuấy động làn sóng phản đối mạnh mẽ như vậy từ Mỹ và phương Tây?
S-300V4 – Biến thể dành cho lục quân đặc biệt của gia đình S-300
Trong gia đình tên lửa phòng không S-300, các chữ cái hậu tố giúp phân biệt đó là biến thể dành cho phòng không-không quân (P), hải quân (F) và lục quân (V).
Phiên bản S-300V được phát triển trước yêu cầu cần trang bị cho lực lượng Lục quân Liên Xô các tổ hợp tên lửa phòng không có khả năng ngăn chặn các mục tiêu bay của đối phương, trong đó có các dòng tên lửa đạn đạo tầm ngắn và trung, ngay trên chiến trường. Ngoài ra, tổ hợp S-300V cần có tính cơ động cao, tác chiến hành tiến cùng các đơn vị lục quân.
Đáp ứng các yêu cầu này, S-300V đã ra đời với toàn bộ kết cấu tổ hợp đặt trên khung gầm xe bánh xích hạng nặng có khả năng cơ động trên mọi địa hình của Liên Xô và khả năng cung cấp ô phòng không rộng 150km cho các đội hình chiến đấu trên chiến trường.
Tiếp nối truyền thống đó, S-300V4 là phiên bản nâng cấp mới nhất của tổ hợp S-300V và chính thức phục vụ trong biên chế Quân đội Nga từ năm 2014. Điểm khác biệt của S-300V4 là được nâng cấp các thành phần hệ thống và phần mềm điều khiển giúp cải thiện khả năng hoạt động của hệ thống.
Ngoài việc sử dụng các dòng đạn đánh chặn tiêu chuẩn 9M82 và 9M83, S-300V4 còn được trang bị các dòng đạn đánh chặn mới có tính năng không thua kém đạn tên lửa 40N6 của tổ hợp S-400 Triumph với tầm bắn hiệu dụng 250-400km.
Liên quan tới S-300V4, Tổng giám đốc Tập đoàn Almaz-Antey, Ian Novikov cho biết: “Tổ hợp S-300V4 so với các hệ thống thế hệ trước có diện tích bảo vệ chống tấn công đường không mở rộng gấp 2-3 lần và tầm bắn lớn hơn. Các tham số này cho phép đánh chặn gần như chắc chắn đầu đạn tên lửa tầm trung của đối phương bắn tới”.
Mỗi tổ hợp S-300V4 có khả năng đồng khai hỏa vào 24 mục tiêu khí động, trong đó có các mục tiêu có độ bộc lộ thấp như máy bay tàng hình, hoặc 16 tên lửa đường đạn bay với tốc độ đến 4.500 m/giây.
Giới chuyên gia đánh giá, S-300V4 có thể đối phó hiệu quả với các dòng tên lửa đạn đạo tầm trung có tầm bắn tới 2.500km.
Hiện tại, Mỹ và phương Tây không có tổ hợp vũ khí phòng thủ nào có tính năng tương đương với S300V4.
Liệu Nga có cần thêm S-300V4 tới Syria?
Cần nhấn mạnh rằng dù có tính năng mạnh mẽ, nhưng về cơ bản tổ hợp S-300V4 là vũ khí phòng thủ. Điều này đã được phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov tuyên bố với báo giới ngày 4-10, ngay sau xác nhận việc Nga triển khai thêm tổ hợp S-300 tới Syria.
Theo lời ông I. Konashenkov, việc triển khai tổ hợp tên lửa phòng không chỉ đơn thuần là để bảo đảm an toàn cho căn cứ Nga tại Tartus, cũng như các nhóm Không quân Nga hoạt động trong khu vực. Đây không phải là hành động “có chủ đích nhằm vào ai đó”.
Có thể thấy rõ rằng việc Nga triển khai S-300 tại Syria là không mới. Thậm chí, Moscow còn đang triển khai tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumph tại quốc gia Cận Đông này và trong quá khứ, một biến thể của S-300 là S-300F Fort trang bị trên tuần dương hạm tên lửa lớp Slava cũng từng hoạt động trên vùng biển gần cảng Tartus.
Ông I. Konashenkov ngạc nhiên trước việc truyền thông Mỹ và phương Tây khuấy động sự việc này và coi đó như một hành động leo thang căng thẳng từ phía Nga.
“Trước đây, như chúng ta đã biết, một tổ hợp tên lửa phòng không có tính năng tương tự đã từng được triển khai tại đây”, ông I. Konashenkov nói.
Trong khi đó, ngay sau khi biết tin Nga triển khai S-300V4 tới Syria, ngày 4-10, Thư ký báo chí Lầu Năm góc, Peter Cook tuyên bố, hành động trên của Nga đã đặt ra cho Washington nhiều câu hỏi.
“Nga từng tuyên bố mục đích chính của hoạt động quân sự tại Syria là chống lại các tổ chức khủng bố. Những nhóm cực đoan này không có không quân. Vậy vấn đề đặt ra là mục đích của Nga khi triển khai tổ hợp vũ khí phòng không này là gì?”, ông P. Cook nhấn mạnh.
Theo nhận định của giới chuyên gia, việc Nga triển khai S-300 tới Syria nhiều khả năng chỉ là vì mục đích phòng thủ, đặc biệt là sau sự kiện máy bay Su-24M2 của Không quân Nga bị máy bay F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ làm 1 phi công thiệt mạng.
Cũng chính sau sự kiện này, Nga đã tăng cường khả năng phòng thủ tại căn cứ không quân Hmeymin ở tỉnh Latakia, Syria bằng tổ hợp S-400 Triumph, còn tại căn cứ Tartus là tuần dương hạm tên lửa Moscow thuộc lớp Slava.
Tuy nhiên, nhiều học giả cũng đặt ra vấn đề Nga triển khai thêm S-300 tới Syria là để ngăn ngừa khả năng Mỹ và đồng minh bất ngờ mở chiến dịch không kích chống lại chính phủ Syria đương nhiệm. Thực tế, đây là kịch bản khó có thể xảy ra. Giới chức quân sự Mỹ chắc chắn sẽ không hành động như vậy để khơi mào một cuộc chiến toàn diện với lực lượng chính phủ Syria, khi Quân đội Nga đang có mặt tại quốc gia Cận Đông này.
Như vậy có thể thấy rõ ràng những cáo buộc của Mỹ và phương Tây liên quan tới việc Nga triển khai S-300 tới Syria chỉ là một phần trong “cuộc chiến truyền thông” nhằm vào Moscow của họ!
Theo Tuấn Sơn
Quân đội nhân dân
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn