Ông Antonio Guterres. (Ảnh: AP)
Theo hãng tin AFP, với 13 phiếu thuận và 2 phiếu trắng, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc hôm qua đã lựa chọn ông Antonio Guterres, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha, trở thành Tổng thư ký tiếp theo của Liên Hợp Quốc.
Một cuộc bỏ phiếu chính thức sẽ diễn ra vào hôm nay để xác nhận việc lựa chọn ông Guterres. Nếu được lựa chọn chính thức, ông Guterres sẽ bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thư ký 5 năm từ ngày 1/1/2017.
Ông Guterres được đánh giá là ứng viên thích hợp nhất cho vị trí người đứng đầu Liên Hợp Quốc, mặc dù trước đó nhiều nước đề nghị Tổng thư ký tiếp theo phải là phụ nữ và phải từ một quốc gia không nằm ở khối Đông Âu.
Ông Guterres sinh năm 1949 tại Lisbon. Ông tốt nghiệp chuyên ngành vật lý, kỹ thuật năm 1971 và sau đó theo con đường giảng dạy. Đến năm 1974, ông trở thành thành viên đảng Xã hội của Bồ Đào Nha và sớm trở thành một chính trị gia thực thụ.
Năm 1995, nghĩa là 3 năm sau khi trở thành tổng thư ký đảng Xã hội, ông đắc cử trở thành Thủ tướng Bồ Đào Nha và giữ chức vụ này cho đến năm 2002. Trong thời gian này, ông Guterres được đánh giá có nhiều đóng góp vào công cuộc cải tổ hệ thống tài chính của Bồ Đào Nha và đưa nước này gia nhập khối đồng tiền chung châu Âu. Cũng kể từ đó, ông đặc biệt chú ý tới ngoại giao quốc tế và trở thành cao ủy của Liên Hợp Quốc về người tị nạn vào năm 2005. Ông có khả năng nói được 4 thứ tiếng là Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Giải quyết cuộc khủng hoảng di cư có thể là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Guterres ở cương vị Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. (Ảnh: Reuters)
Matthew Rycroft, Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc, nhận xét: “Điều mà chúng tôi đang tìm kiếm là một vị Tổng thư ký có năng lực, có khả năng đưa Liên Hợp Quốc tiến thêm một bước nữa trong vai trò lãnh đạo, và là người có thể tập hợp sức mạnh ở thời điểm mà thế giới đang chia rẽ về nhiều vấn đề mà trên hết là vấn đề Syria. Và tôi cho rằng ông Guterres thể hiện được điều này”.
Tuy nhiên, giới quan sát cũng nhận định rằng, trở thành Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Guterres sẽ phải đối mặt với hàng loạt nhiệm vụ khó khăn ở phía trước như vấn đề nội chiến Syria dai dẳng suốt hơn 5 năm qua, hay vấn đề người tị nạn gây ra cuộc khủng hoảng nhập cư tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II. Thực tế, trong nội bộ Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, Nga và Mỹ - hai thành viên thường trực có quyền phủ quyết - hiện vẫn chia rẽ sâu sắc về vấn đề Syria.
Ngoài các vấn đề trên, các thách thức không nhỏ nữa đòi hỏi vai trò giải quyết của Liên Hợp Quốc đó là chủ nghĩa khủng bố, biến đổi khí hậu và vấn đề nhân quyền.
Minh Phương
Theo BBC
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn