Không ai dám đến Khe Lèn
Khe Lèn là một thôn hẻo lánh nhất của xã Đồng Lâm – nơi mà chúng tôi không thể tìm đường trên định vị bản đồ. Một phần do cung đường hiểm trở, nhiều dốc núi dựng đứng và một phần do không quen đường nên phải 6h tối chúng tôi mới tìm đến được xã Đồng Lâm.
“Các chú đến Khe Lèn làm gì?. Ban ngày dân bản còn không dám bén mảng nữa là trời nhập nhoạng tối. Nếu có công việc thì tốt nhất là thuê nhà nghỉ rồi sáng mai hẵng vào”, người phụ nữ trạc tuổi 30 đang phát cây ở bìa rừng nhanh miệng đáp khi chúng tôi hỏi đường.
Con đường nhỏ dẫn đến thôn Khe Lèn – nơi cặp “vợ già chồng trẻ” sinh sống. Ảnh: T.G
Sau khi nhờ rất nhiều người dân dẫn đường mà không thành, chúng tôi may mắn gặp được một người đàn ông đang… say rượu. Với gương mặt đỏ lựng, giọng nói lè nhè, người đàn ông tuổi ngoại tứ tuần nói: “Nếu các cậu có việc gấp thì tôi dẫn đi nhưng phải trả tiền nhé”.
Sau khi thỏa thuận, chúng tôi theo chân người đàn ông đến Khe Lèn. Quãng đường không quá xa nhưng do trời tối, đường đồi quanh co và hun hút vực thẳm nên phải mất gần 1 giờ đồng hồ chúng tôi mới đến nơi. Sự hoang vắng, u tịch khiến những người khách phương xa không khỏi rợn người, toát mồ hôi lạnh.
Đến Khe Lèn, chúng tôi mới kể chuyện tìm vào nhà bà Bàn Thị Năm. Ngay lập tức người đàn ông dẫn đường tỏ rõ sự lo sợ trên khuôn mặt. Có vẻ như do đi bộ xa, mồ hôi ra nhiều nên hơi rượu tan phần nào khiến ông tỉnh táo hơn. “Phải bà Năm lấy thằng Long kém gần 30 tuổi làm chồng không? Các cậu nghĩ xem, ai đời một chàng trai khỏe mạnh, chưa vợ lại đi lấy một góa phụ bằng tuổi mẹ mình. Phải có “bùa yêu” thì mới xảy ra chuyện tày trời như thế. Mà tôi nghe nói dân trong đấy nhiều người biết làm “bùa yêu” lắm, các chú cứ cẩn thận. Có mang theo tỏi hay ớt gì đi chưa?”, người đàn ông vừa thở hổn hển vừa hỏi.
Hơn 7h tối, chúng tôi có mặt tại đoạn rẽ từ đường lớn dẫn vào Khe Lèn - cách khu vực nhà bà Năm đang ở khoảng 3km. Lúc này, người đàn ông bảo chúng tôi tự đi, nhận tiền công và nhanh chóng biến mất trong màn đêm u tịch.
“Muốn tôi kể chuyện thì đưa 10 triệu đây”
Ngôi nhà ven rừng nơi bà Bàn Thị Năm cùng người tình kém 25 tuổi sinh sống.
Vào đến đầu làng, trời đã tối đen, hỏi đường vào nhà bà Năm, ai cũng bất ngờ rồi cười lớn: “Các anh là nhà báo hả, bà ấy không kể chuyện đâu. Bén mảng là bị đuổi ngay”. Dù vậy, họ vẫn chỉ đường cho chúng tôi, nhà người phụ này ở cuối con đường nhỏ, gần khe suối có cây mai trước cổng.
Khá may mắn khi lúc chúng tôi đến, cặp đôi này đều có ở nhà. Ngoài bà Năm và anh Long còn có đứa cháu nhỏ của bà Năm đang cùng ăn cơm tối. Thấy có khách lạ, người phụ nữ sinh năm 1955 với vóc dáng nhỏ bé, làn da nhăn nheo và mái tóc lất phất những sợi bạc chạy ra hỏi chuyện. Anh Long – người đàn ông trai tráng, khỏe mạnh với làn da ngăm đen thì ngồi yên nhưng đôi mắt chăm chú nhìn từng cử chỉ của vợ.
Vừa nghe chúng tôi giới thiệu là nhà báo, bà Năm nhanh chóng mời chúng tôi ra… ngoài đường nói chuyện. “Tôi góa bụa, người ấy chưa có gia đình. Chúng tôi về ở với nhau thì có gì sai”, người phụ nữ gay gắt.
Thấy bộ dạng mệt nhọc của chúng tôi khi vượt một quãng đường xa xôi từ Hà Nội về đây, người phụ nữ thay đổi sắc mặt và đề nghị: “Giờ các anh muốn tôi kể chuyện cho mà nghe thì đưa 10 triệu đây”.
Dù đã được mời vào nhà nhưng mỗi khi chúng tôi bắt chuyện với anh Triệu Đức Long thì bà Năm một mực cản lại. Trong câu chuyện ngắn ngủi, người đàn bà già nua ấy luôn miệng nhắc đến tiền. “Có tiền mới kể, ít nhất là 10 triệu. Không có tiền thì mời về”, dứt lời, bà Năm tỏ ý muốn tiễn khách. Sau những câu chuyện ngắn ngủi, chúng tôi rời khỏi ngôi nhà bí ẩn ấy và tìm đến nhà ông Bàn Văn Đường (70 tuổi) – anh họ của bà Năm và cũng từng làm Trưởng thôn Khe Lèn hơn 10 năm.
“Mấy năm nay bà ấy có tiếp nhà báo đâu, ai vào cũng đuổi. Các cháu đã ở xa về đây thì ông kể cho nghe”, ông Đường vừa nói vừa dẫn chúng tôi đến nhà anh Bàn Ban Báo - Trưởng thôn mới của Khe Lèn. Anh Báo là cháu của ông Đường, bà Năm. Ngoài ra ông Bàn Văn Thành (em ruột bà Năm) và vài người dân quanh đấy cũng có mặt.
Phải lòng… mẹ của bạn
Ông Bàn Văn Đường (70 tuổi, anh họ bà Năm) kể câu chuyện về “bùa yêu”.
Theo lời kể, khoảng 17 năm trước, khi đó chồng bà Năm là ông Triệu Đức Hình mắc bệnh về phổi. Hoàn cảnh gia đình khó khăn lại không có điều kiện chạy chữa nên bệnh tình ngày càng nặng. 4 con của bà Năm đi khắp nơi làm thuê kiếm tiền, chỉ có bà và cô con gái ở nhà chăm ông Hình.
Triệu Đức Long (SN 1980) chính là bạn của con trai bà Năm. Nhà Long ở thôn Cài, cùng xã Đồng Lâm. Trong một lần đến thăm bố bạn ốm, Long và bà Năm chạm mặt. Sau lần ấy, thỉnh thoảng Long ghé thăm nhà bà Năm giúp đỡ việc nhà, đồng áng…
Sau khi ông Hình qua đời, Long thường xuyên qua thăm bà Năm hơn. Sau đó không lâu, chàng trai này khăn gói quần áo đến nhà bà Năm ở hẳn. Năm ấy, Triệu Đức Long tròn 20 tuổi. Biết chuyện, gia đình anh Long một mực phản đối, họ không chấp nhận việc con trai mình lấy người đàn bà góa hơn tới 25 tuổi. Sau nhiều lần họp dòng họ, các thành viên trong gia đình tổ chức đến nhà bà Năm bắt anh Long về. Giam nhốt, dọa nạt đủ cách không được, chỉ vài ngày sau anh Long lại trốn sang nhà bà Năm ở.
“Có lần bên ấy bắt thằng Long về buổi chiều, đến tối trời có mưa lớn, nó lợi dụng mọi người không để ý nên đội mưa, băng qua rừng để về với bà Năm”, ông Đường nhớ lại.
Thế là gần 20 năm qua họ chung sống với nhau, bất chấp sự cấm cản, dị nghị của mọi người.“Giờ đuổi chú ấy đi lấy vợ khác chú ấy cũng không chịu. Cặp đôi này còn tình cảm và ríu rít với nhau hơn nhiều đôi vợ chồng trẻ trong làng. Họ làm gì cũng có nhau, đi đâu cũng không bao giờ đơn lẻ. Thi thoảng lắm mới có tiếng cãi cọ trong nhà nhưng chỉ vài câu rồi thôi. Chưa bao giờ họ đánh nhau hay làm phiền dân làng bằng những trận cãi vã lớn tiếng”, Trưởng thôn Bàn Ban Báo tham gia vào câu chuyện.
Khi hỏi về sự xuất hiện của thứ “bùa yêu” đầy mê hoặc trong chuyện tình hy hữu này, ông Đường cho biết: “Bà Năm có chị gái què nổi tiếng làm bùa yêu. Lúc còn sống, bà ấy còn làm bùa mê hoặc cả ông thông gia. Còn việc bà Năm có được chị gái dạy cho cách làm bùa hay không thì tôi không rõ”.
Chị Bàn Thị Duyên, hàng xóm nhà bà Năm ngồi im lặng từ đầu nghe đến “bùa yêu” cũng góp chuyện: “Thôn mình có anh chàng tên Chuột, hơn 3 năm trước yêu một cô bé bản bên nhưng nó không ưng. Về sau anh này nhờ thầy làm bùa yêu rồi chẳng mấy chốc mà đi đến hôn nhân. Giờ 2 đứa có với nhau 3 mặt con rồi”.
Ông Bàn Văn Thành cũng bảo, chuyện “bùa yêu” ở Khe Lèn là có, chỉ có điều người ta sử dụng nó với mục đích tốt hay xấu mà thôi. “Có những cặp vợ chồng muốn chung thủy với nhau trọn đời thì dùng bùa yêu rất tốt. Còn những người dùng bùa yêu khiến người không ưng mình phải theo về làm vợ, làm chồng thì ai cũng phải khiếp sợ”, ông Thành nói.
Chung sống với nhau gần 20 năm vẫn không chịu đăng ký kết hôn Chia sẻ về câu chuyện của bà Bàn Thị Năm và anh Triệu Đức Long, lãnh đạo xã Đông Lâm (Hoành Bồ - Quảng Ninh) cho biết: “Ngay từ khi anh Long dọn về ở với bà Năm, chính quyền địa phương đã nhiều lần đến tuyên truyền, giải thích tư tưởng cho cả hai nhưng không ăn thua. Sau thời gian dài họ chung sống hạnh phúc với nhau, xã cũng động viên hai người đến Ủy ban đăng ký kết hôn cho đúng quy định của pháp luật nhưng họ không chịu”. |
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn