Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak tại Phòng Bầu dục hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã tiết lộ những thông tin tình báo tuyệt mật có thể gây ra hậu quả lớn với chính ông, nước Mỹ và các đồng minh, theo Washington Post.
Phóng viên Greg Miller và Greg Jaffe của tờ báo này dẫn các nguồn tin riêng cho biết đây là những thông tin mật do một đối tác của Mỹ cung cấp, về âm mưu sử dụng laptop trong các vụ tấn công khủng bố của phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Thông tin mật này được gửi tới Mỹ qua mạng lưới chia sẻ tình báo, chứa đựng những yếu tố nhạy cảm đến mức các chi tiết của nó vẫn chưa được tiết lộ với các quốc gia đồng minh, thậm chí bị hạn chế lưu hành trong nội bộ chính phủ Mỹ.
Những thông tin mật mà Trump tiết lộ với Ngoại trưởng Nga còn có cả những thông tin mà Moscow có thể sử dụng để giảm bớt nguồn lực hoặc phương pháp trong thu thập thông tin tình báo trên chiến trường Trung Đông, các quan chức Mỹ cho biết.
Ông Trump có thể đã nói với phía Nga tên thành phố nằm dưới sự kiểm soát của IS, nơi đối tác của Mỹ đã phát hiện mối đe dọa. Các chuyên gia tình báo cho rằng đây là những thông tin rất nhạy cảm, có thể giúp phía Nga xác định được địa bàn hoạt động cũng như khả năng thu thập tin tức tình báo của đối tác có liên quan.
Đây cũng là những thông tin có giá trị rất cao, bởi chúng có thể trở thành nguồn tình báo để quân đội Nga hoạt động tại Syria, thậm chí Moscow có thể sẽ đặt ưu tiên lớn để xác định hay cản trở mạng lưới tình báo này.
Cộng đồng tình báo Mỹ từ lâu đã thừa nhận những khó khăn trong việc xây dựng mạng lưới tình báo con người tại các vùng đất do IS chiếm đóng, khi Mỹ và đồng minh không có nhiều sự hiện diện trên mặt đất, còn mối quan hệ với các bộ tộc địa phương gần như đã bị cắt đứt kể từ khi Mỹ rút quân khỏi Iraq vào năm 2011. Nhiều chiến dịch đột kích giải cứu con tin của đặc nhiệm Mỹ ở Iraq và Syria đã thất bại vì thiếu thông tin tình báo trên mặt đất.
Washington Post cho biết đối tác chia sẻ thông tin tình báo trên chưa cho phép Mỹ tiết lộ nó với Nga và các quan chức Nhà Trắng cho rằng quyết định của ông Trump có thể gây tổn hại tới mối quan hệ với một đồng minh trong cuộc chiến chống IS.
Chiến trường Iraq và Syria đang là một khu vực rất phức tạp, với sự hiện diện không chỉ của Nga, Mỹ mà còn rất nhiều cường quốc trong khu vực như Israel, Arab Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ… Các đồng minh của Mỹ trong khu vực ngày càng tỏ ra bất an với sự tăng cường hiện diện về quân sự và chính trị của Nga ở Syria, nên thông tin Trump tiết lộ tin tình báo tuyệt mật với các quan chức Nga có thể khiến nỗi lo lắng đó càng lớn hơn, theo bình luận viên David Graham của Atlantic.
Ảnh hưởng uy tín
Trong câu chuyện do Washington Post đăng tải, Graham nhận thấy việc Trump tiết lộ thông tin tình báo tuyệt mật cho phía Nga không phải là một hành động có tính toán từ trước, mà đơn thuần chỉ là một "sai sót khờ khạo".
Theo Graham, từ khi nhậm chức, Trump luôn bị ám ảnh bởi những ý kiến rằng ông không giành được đa số phiếu phổ thông nên không đủ tư cách lãnh đạo nước Mỹ. Ông luôn tìm cách bảo vệ tính chính danh và tầm quan trọng của mình trước dư luận, kể cả với các quan chức nước ngoài. Có vẻ như Trump đã coi cuộc gặp với Lavrov trong Nhà Trắng là một trong những cơ hội như vậy để thể hiện quyền lực của mình, bằng cách đưa ra những thông tin mật có thể khiến đối phương "tròn mắt".
Bài báo của Washington Post có những câu trích dẫn trực tiếp, khiến nhiều quan sát viên cho rằng những thông tin mà Trump khoe với Lavrov và Kislyak nhiều khả năng được trích ra từ một bản báo cáo được Tổng thống Mỹ đưa ra để chứng minh với các quan chức Nga về chất lượng thông tin tình báo mà ông có được. "Tôi có thông tin tình báo rất tuyệt vời. Người ta báo cáo cho tôi những tin tình báo rất hay mỗi ngày", một quan chức Mỹ dẫn lại lời Trump trong cuộc gặp.
Trump gặp Ngoại trưởng Nga Lavrov (trái) và Đại sứ Kislyak (phải) tại Nhà Trắng. Ảnh: RT |
Tuy nhiên, nếu thực hiện hành động này, Trump có thể tự đẩy mình vào tình thế khiến cộng đồng tình báo Mỹ cùng các chính trị gia nước này hoài nghi hơn vào năng lực điều hành của ông, cũng như mối quan hệ giữa ông với Nga, vốn đang bị FBI điều tra. Ở phương diện rộng hơn, cách làm của Trump có thể hủy hoại mối quan hệ tình báo của Mỹ trên khắp thế giới, tiềm ẩn nguy cơ làm tổn hại an ninh quốc gia.
Các quan chức tình báo Mỹ lo ngại rằng sau khi thông tin trên bị tiết lộ, các đồng minh có thể sẽ ngừng hoặc giảm bớt mức độ chia sẻ những thông tin tình báo nhạy cảm với Mỹ nhằm bảo vệ các mạng lưới tình báo quý giá của mình.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm ngoái, khi hai ứng viên được tình báo Mỹ báo cáo những thông tin mật cơ bản, thượng nghị sĩ Harry Reid khi đó đã kêu gọi các lãnh đạo tình báo cung cấp thông tin không có thật cho Trump, bởi "người đàn ông này quá nguy hiểm, các ông không thể cung cấp bất cứ thông tin nào cho ông ta". "Có vẻ như nỗi lo lắng rằng Trump chưa đủ tin cậy để được giao phó các thông tin mật không phải không có cơ sở, chỉ là chúng được đưa ra hơi sớm", Graham bình luận.
Trí DũngNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn