Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP |
Trong khi các lãnh đạo phương Tây xuất hiện mờ nhạt, nguyên thủ các nước như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và đặc biệt là Tổng thống Nga Putin có vẻ "thắng thế" trong hội nghị của các nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo nhận xét của bình luận viên Le Monde có mặt ở Hàng Châu.
Điều này khác xa với những gì diễn ra ở hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brisbane, Australia năm 2014, khi ông Putin bị các lãnh đạo thế giới xa lánh do nghi ngờ Nga dính líu đến vụ máy bay Malaysia bị bắn hạ trên không phận Ukraine. Tổng thống Nga đã đột ngột bỏ về trước khi hội nghị kết thúc.
Tại G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ năm ngoái, không khí giá lạnh với Putin đã bớt phần nào. Và Hàng Châu năm nay dường như là lúc nhà lãnh đạo Nga nổi bật trở lại. Một phóng viên của thông tấn nhà nước Nga Sputnik liệt kê 10 cuộc gặp song phương mà Putin thực hiện cuối tuần qua, để cho thấy ông trở thành "người không thể bỏ qua trong các cuộc họp bàn".
Putin tìm được tiếng nói chung với hoàng tử Arab Saudi Mohammed bin Salman và thậm chí hai bên ký được thỏa thuận khai thác dầu mỏ. Trước đây, ông chủ Kremlin với Quốc vương Saudi từng thể hiện cảm giác thiếu tin tưởng và có quan điểm đối lập hoàn toàn về số phận Tổng thống Syria al-Assad.
Tổng thống Nga có cuộc gặp dài 90 phút với Tổng thống Mỹ Obama để bàn về Syria và Ukraine, dù rằng không đạt được thỏa thuận nào.
Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Francois Hollande, ông Putin thể hiện sự chủ động khi liên tục hướng nội dung cuộc bàn bạc vào chủ đề hợp tác và tăng trưởng kinh tế, nói rằng đó mới là chủ đề chính của hội nghị G20. "Điều này hàm ý rằng các chủ đề mà phương Tây coi là quan trọng - như Syria hay Ukraine - chỉ là thứ yếu đối với ông ấy", Cédric Pietralunga của Le Monde nhận xét.
"Ban đầu Tổng thống Pháp làm căng, tuy nhiên không khí càng về sau càng trở nên thân mật. Rõ ràng ông Putin là một người không thể thiếu tại hội nghị lần này", Pietralunga dẫn lời của một nhà ngoại giao giấu tên có mặt trong cuộc họp 80 phút, cho biết.
Trong cuộc gặp các thành viên của bộ tứ Normandy (Pháp, Đức, Nga và Ukraine), Putin không quá mặn mà trong việc tìm kiếm ngay giải pháp cho khủng hoảng ở Ukrane. "Châu Âu đề xuất, nhưng Nga mới là người quyết định", Pietralunga bình luận về thái độ của các bên bộ tứ.
"Từ Hàng Châu, Putin cũng cho thấy quyết tâm của Nga hướng về châu Á Thái Bình Dương là thực, chẳng kém gì chiến lược xoay trục của tổng thống Obama", bình luận viên của Le Monde mô tả. Không lâu sau khi tung ra ý tưởng "giải pháp khả thi" cho tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Kuril với Nhật, ông Putin đề cập vùng biển nằm giữa các nước ASEAN, nơi Mỹ và đồng minh đang hoạt động tích cực.
Với Trung Quốc, Putin được coi như thượng khách. Mối quan hệ xem chừng tốt đẹp: không cần lập liên minh, nhưng "liên kết chung lợi ích", như bình luận của học giả Trung Quốc Sun Yun. Nga và Trung Quốc hỗ trợ lẫn nhau để duy trì sức mạnh trước phương Tây và vị thế trước công chúng trong nước, trong khi giữ đủ xa cách để khỏi động đến những vấn đề khiến mỗi bên giận dữ.
"Các thủ tục lễ tân của Trung Quốc có thể khiến một số quan chức phương Tây mếch lòng, nhưng Putin không gặp phiền phức gì", Pietralunga nhận xét. "Tươi cười mang hai hộp kem tặng Tập Cận Bình trước rừng ống kính, Putin cho thấy ông ta đang ở nhà của những người bạn".
Xem thêm: Judo - quyền lực mềm của Putin.
Nguyễn HoàngNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn