Nữ phóng viên ảnh Suzanne Plunkett. (Ảnh: Getty)
Báo Guardian ngày 11/9 đã đăng tải toàn bộ câu chuyện về bức ảnh để đời qua lời kể của nữ phóng viên Plunkett.
Viên cảnh sát cố chấp ở phía rào chắn đường Fultton và Broadway có thể đã giúp tôi giữ được mạng sống này. Chưa đầy một phút trước khi toà tháp phía Nam của Trung tâm Thương mại Thế giới sụp đổ vào sáng ngày 11/9/2001, tôi đang tìm cách tiến gần hơn tới hiện trường và đưa thẻ nhà báo với viên cảnh sát đó. Tuy nhiên, ông ấy đã đáp trả cứng rắn rằng: “Không an toàn, không an toàn".
Sau đó, tất cả như rung chuyển dưới chân tôi. Một vài người bắt đầu la hét lên rằng: "Nó sắp đổ rồi", trong khi những cột khói bụi bay cao đã xuất hiện phía cuối con đường. Trong tâm trạng có chút "hoảng sợ", tôi bắt đầu chạy sang đường Broadway và hướng xuống phố Fultyon, phía sau tôi là những mảnh vỡ từ toà tháp phía Nam.
Khi chạy được khoảng 20m, tôi dừng lại và nghĩ: "Chết tiệt. Mình cần phải chụp một tấm ảnh". Tôi chuẩn bị và lấy ra chiếc Nikon rồi chọn vị trí đứng. Trong khi mọi người đang chạy đổ về phía tôi, tôi đã kịp chụp được 13 tấm hình, một trong số đó sau này đã trở nên nổi tiếng.
Sau đó, tôi tiếp tục chạy và có cảm giác như tôi không thể thoát đống khói bụi này. Tôi lại lấy máy ra một lần nữa và chụp những mảnh vụn văng ra từ toà trung tâm đổ, nó gần như che chọn cả bầu trời và đẩy chúng tôi vào một khoảng không lặng yên trong khi xung quanh chao đảo và hình ảnh những con người bị bám đầy bụi. Tôi đã nghĩ rằng: "Đến vậy thôi, mình sẽ chết". Chính suy nghĩ đó đã khiến tôi hành động theo kiểu bản năng. Với vai trò phóng viên ảnh của hãng tin AP, tôi phải gửi những bức ảnh của mình về toà soạn. Tôi đang ở ranh giới giữa sự sống và cái chết, tim tôi đập như thể đếm ngược tới thời khắc của mình.
Tôi đã chạy vội vào hành lang của một toà nhà văn phòng, nơi mọi người đang trú tạm trong đó. Tuy nhiên, âm thanh của những tiếng than khóc đã khiến tôi bồn chồn và chạy ra ngoài sau đó. Tôi kéo chiếc áo len của mình lên để che mặt và chạy trở lại đống bụi để tìm đường thoát. Trong một thời điểm, tôi như thể đã "chết tại chỗ" khi chạy trong đống khói bụi, còn các đồng nghiệp khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Tôi đã nhân điện thoại để gọi về cho bố, gửi cho ông một tin nhắn qua hộp thư thoại.
25 phút đã trôi qua kể từ khi toà tháp phía Nam sụp đổ và tôi vẫn đang tìm cách gửi về toà soạn những tấm hình. Tôi đã chui qua cửa một cửa hàng ở phía cuối phố Fulton, nơi khoảng 15 khác cũng đang trú ẩn. Khi đó, chúng tôi không biết rằng toà tháp phía Bắc cũng đang chuẩn bị đổ. Mọi người trong quán tìm cách ẩn nấp còn tôi sử dụng máy tính cá nhân để kết nối với chiếc điện thoại Nokia và bắt đầu gửi ảnh về toà soạn. Khi đó, công nghệ vẫn là thời điểm chưa có iPhone, chưa có Wi-Fi phổ biến, chưa có 4G và thậm chí là cả 3G nên việc gửi ảnh từ một chiếc máy tính cá nhân trong điều kiện như thế không phải nhiệm vụ đơn giản.
Bức ảnh lịch sử của nữ phóng viên Suzanne. (Ảnh: AP)
Tại văn phòng của AP ở trung tâm Rockefeller Center, các thư ký toà soạn bắt đầu nhìn thấy ảnh của tôi xuất hiện trên bảng tin. Đó là sự liên lạc đầu tiên giữa chúng tôi kể từ khi xảy ra sự kiện 11/9. Khi biết tôi an toàn, họ gọi điện và đề nghị xem liệu tôi có thể đi tới toà nhà phía trước khi Trung tâm Thương mại Thế giới để chụp tình hình ở đó hay không.
Trên ban công của tầng 20, tình hình phía dưới vẫn rất hỗn loạn. Nhiều toà nhà vẫn đang rung lên và bắt đầu sụp đổ, trong khi những cột khói bụi bay cao lên tận trời xanh. Tiếng còi cứu thương vang liên tục trên các con phố. Trong căn hộ tôi đang đứng, một em bé 3 tuổi đang xem phim The Lion King trên truyền hình với âm lượng cỡ lớn. Mẹ của em bé đó đang gọi điện để phàn nàn về chiếc máy rửa bát hỏng. Đó là một cảnh tượng đầy trớ trêu song họ thực sự họ mới chỉ bắt đầu cảm nhận về thảm hoạ đang xảy ra giống như tôi trước đó.
Trở lại trên phố, một lính cứu hoả đã đi tới để mượn tôi chiếc điện thoại gọi về cho gia đình. Anh ta không thể vượt qua được đống khói bụi để tới khu vực Ground Zero. Sau này, tôi luôn nghĩ tới việc có nên gọi hỏi xem liệu anh ta có còn sống hay không nhưng thực sự, điều đó luôn khiến tôi căng thẳng. Sau đó, tôi đăng ký tới một bệnh viện để tác nghiệp nốt những gì của ngày hôm đó. Toà soạn đã yêu cầu tôi chụp những người bị thương khi họ được đưa tới. Mọi thứ thật bình lặng trên con phố St Vincent nên tôi đã hướng sang phố Chelsea Piers, nơi một tổ hợp giải trí lớn đã trở thành trung tâm ứng phó khẩn cấp.
Có thể nói ngày hôm đó là một trong những ngày rùng rợn nhất với tôi. Xe cứu thương và các đơn vị y tế đã phải chạy đua với thời gian để đi từ những nơi xa như Rhode Island để đến hỗ trợ các nạn nhân song họ cũng gặp rất nhiều trở ngại trong quá trình vào tới hiện trường. Tuy nhiên, những chiếc cáng cứu thương trống rỗng. Có vẻ như không có ai sống sót sau khi hai toà tháp sụp đổ.
Cuối ngày hôm đó, tôi về nhà và đi qua khu vực Manhattan. Trên thế giới, tấm hình của tôi đang là tâm điểm của báo giới và trở thành một chủ đề nóng trên mạng. Những đồng nghiệp đã ngợi ca sự dũng cảm của tôi. Tuy nhiên, tôi cảm thấy trống trơn, một cảm giác mất kiểm soát vẫn còn kéo dài nhiều ngày sau đó.
Những năm sau đó, tôi nghĩ tấm hình đó cũng như nhiều tấm hình khác. Tôi nghĩ đơn giản đó chỉ là một tấm hình chụp mọi người trong một sự kiện khủng khiếp. Tuy vậy, thực tế đã không như thế. Cuộc đời tôi đã thay đổi nhanh chóng sau tấm hình đó. Sự nghiệp của tôi thăng tiến và tôi đã tới làm việc tại Afghanistan, Indonesia và nhiều nơi trên thế giới trước khi ổn định cuộc sống ở Anh với chồng của mình, người tôi gặp khi đi du lịch.
Tới nay, tôi vẫn giữ liên lạc với hai người trong tấm hình lịch sử đó và thường chia sẻ về khoảnh khắc đây. Giờ đây, tôi nhìn vào tấm hình và thấy bản thân mình cách đây 15 năm. Một phóng viên ảnh trẻ tuổi đang hướng về hiện trường của vụ sụp đổ kinh hoàng.
Ngọc Anh
Theo Guardian
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn