Đại gia đình nhà ông Trump (Ảnh: Getty)
“Một cái hay của tôi là tôi rất giàu”, Donald Trump từng tuyên bố vào năm 2011 khi công khai bình luận về khả năng tranh cử tổng thống.
Ông Trump hiện là chủ tịch và giám đốc điều hành Trump Organization, một tập đoàn sở hữu các công ty khắp thế giới trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, khách sạn, sân golf, sòng bạc... Tỷ phú New York đang sở hữu và kiểm soát lợi nhuận của hơn 500 công ty. Theo Forbes, ông sở hữu khối tài sản cá nhân trị giá 3,7 tỷ USD.
Giờ đây, sau khi giành chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 8/11, ông Trump là tổng thống đắc cử Mỹ và ông sẽ phải quyết định chuyển giao thế nào các công ty vốn giúp ông trở nên nổi tiếng.
Theo Telegraph, trước ông Trump, Tổng thống Mỹ giàu nhất trong lịch sử Mỹ là George Washington, người đã đầu tư vào bất động sản, giống ông Trump. Vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ sở hữu số đất đai trị giá khoảng 500 triệu USD và không sở hữu bất kỳ sân golf hay sòng bạc nào. Nhưng so với Tổng thống đắc cử Trump, tài sản của ông Washington khá khiêm tốn.
(Từ trái sang phải) Ba người con lớn của ông Trump: Donald Jr, Eric và Ivanka (Ảnh: AFP)
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng nói ông đã có kế hoạch tách mình khỏi Trump Organization, chuyển giao việc quản lý cho thế hệ tiếp theo. Ba người con lớn của ông - Donald Jr., Ivanka, và Eric - hiện là các phó chủ tịch điều hành của Trump Organization.
“Nếu tôi trở thành tổng thống, tôi sẽ không quan tâm tới công ty của mình... Tôi có Ivanka, Eric và Don ở đây... Tôi sẽ không bao giờ tham gia nữa, vì tôi sẽ không quan tâm tới bất kỳ điều gì, ngoài đất nước”, ông Trump nói trong một cuộc tranh luận trên Fox Business hồi tháng 1.
Trong một tuyên bố hôm 11/11, Trump Organization cho biết tập đoàn này đang xem xét các cấu trúc kinh mới nhằm chuyển giao quyền quản lý do 3 người con của Tổng thống đắc cử và một nhóm điều hành, Reuters đưa tin.
“Đây là ưu tiên hàng đầu tại tổ chức và câu trúc được lựa chọn cuối cùng sẽ phải tuân thủ tất cả các quy tắc và quy định thích hợp”, một phát ngôn viên của Trump Organization cho biết trong tuyên bố.
Donald Trump Jr, người con cả của ông Trump, cũng từng tuyên bố rằng các công ty của tỷ phú New York có thể được đưa vào một quỹ do anh và 2 người em ruột Eric và Ivanka Trump quản lý. “Chúng tôi sẽ không tham gia vào chính phủ”, Trump Jr nói với hãng tin ABC hồi tháng 9. “Bố tôi không muốn làm gì với công ty. Ông ấy chỉ muốn điều hành đất nước này”.
Nguy cơ về xung đột lợi ích
Tuy nhiên, động thái trên đã gây ra những lo ngại về nguy cơ xung đột lợi ích bởi cũng trong ngày 11/11, ba người con lớn trong số 5 người con của ông Trump đã có tên trong nhóm chuyển giao quyền lực tổng thống.
Luật xung đột lợi ích liên bang không áp dụng đối với tổng thống, nhưng hầu hết các chủ nhân Nhà Trắng trong vài thập niên qua đều tình nguyện đưa tài sản của họ vào một quỹ ủy thác để tránh bất kỳ rắc rối nào.
Về cơ bản, một quỹ ủy thác là một quỹ mà các tài sản của người chủ được chuyển cho một bên quản lý tài chính độc lập không có liên hệ trước với chủ sở hữu. Người được ủy quyền hoàn toàn quyền tự quyết đối với các tài sản. Các chính trị gia hoặc những người nắm giữ vị trí nhạy cảm thường đưa tài sản cá nhân của họ (có thu nhập đầu tư) vào các quỹ ủy thác để tránh các cáo buộc xung đột đợt ích.
Tháp Trump tại New York, một trong những tòa nhà thuộc sở hữu của tỷ phú Trump (Ảnh: Real Deal)
Các chuyên gia trong lĩnh vực đạo đức chính phủ cho rằng việc chuyển giao sự quản lý cho những người con của ông Trump hầu như không có ý nghĩ trong việc đề phòng các xung đột lợi ích tiềm tàng.
“Sẽ không phù hợp với bất kỳ tiêu chuẩn nào của một quỹ ủy thác nếu các con cái của ông ấy điều hành công ty”, Reuters dẫn lời ông Kenneth Gross, một luật sư tại Washington.
Luật sư Gross còn nhấn mạnh rằng các vai trò trong nhóm chuyển giao quyền lực mà Ivanka Trump, Donald Trump Jr và Eric Trump giữ giờ đây có thể khiến các vấn đề trở nên phức tạp hơn.
“Nếu họ sẽ tham gia vào các vai trò trong trong chính phủ - và họ đang bắt đầu theo hướng đó - và cũng đang điều hành kinh doanh, thì sẽ rất khó để tách bạch chính phủ với các công việc kinh doanh và giải quyết vấn đề xung đột lợi ích”, ông Gross nói.
Theo các nhà quản lý từng chứng kiến các xung đột lợi ích tiềm tàng dưới thời 2 cựu tổng thống, các sắp xếp của ông Trump là chưa có tiền lệ và gây ra một loạt các vấn đề.
Karl Sandstrom, cựu chủ tịch Ủy ban bầu cử liên bang (FEC), một tổ chức chuyên giám sát vấn đề tài chính của các chiến dịch tranh cử, dưới thời Bill Clinton và George W. Bush nhận định rằng đây không giống một quỹ ủy thác.
“Một quỹ ủy thác là một không hoạt động như vậy. Bạn không được tiếp cận quá trình đưa ra quyết định. Đó là lý do tại sao bạn đặt các tài sản vào đó và không chỉ có một người khác quản lý công ty”, ông Sandstrom nói với Guardian. Thay vào đó, các tài sản của ông Trump sẽ vẫn thống nhất dưới công ty của ông và hoạt động dưới tên ông, dù ông không trực tiếp quản lý.
“Tổng thống Reagan cũng từng dành một phần thời gian trong lĩnh vực riêng tư, nhưng ông ấy không phải là một giám đốc điều hành”, Robert Lenhard, cũng là một cựu chủ tịch FEC, được cựu Tổng thống George W. Bush bổ nhiệm. “Ông ấy không vận hành một loạt công ty giống như ông Trump. Hầu hết các tổng thống của chúng ta đều xuất thân từ sự nghiệp chính trị”.
Ông Trump sở hữu các khách sạn tại Chicago, thành phố New York, Las Vegas, Waikiki và gần đây nhất là tại thủ đô Washington, trên đại lộ Pennsylvania, ngay gần Nhà Trắng. Ông Trump cũng sở hữu các bất động sản ở Istanbul, Mumbai, Vancouver và Seoul và nhiều nơi khác trên thế giới.
Các chuyên gia cho rằng nếu không bán hoàn toàn đế chế Trump thì việc tránh hoàn toàn khả năng xung đột lợi ích là điều vô cùng khó.
An Bình
Tổng hợp
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn