Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP |
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hôm 13/11 tuyên bố sẽ không nhận lương khi vào Nhà Trắng. Ông nói rằng vì theo luật, tổng thống Mỹ phải nhận lương nên ông sẽ chỉ nhận tượng trưng 1 USD/năm.
Không nhận lương không phải là vấn đề lớn đối với ông Trump vì trước khi bước vào Nhà Trắng, ông đã là một tỷ phú trong lĩnh vực bất động sản và truyền thông với tài sản ước tính 3,7 tỉ USD, theo tạp chí Forbes.
Ông Trump không phải là người đầu tiên khước từ nhận lương tổng thống. Năm 1789, trong bài phát biểu nhậm chức tổng thống đầu tiên ở Mỹ, George Washington đã tuyên bố điều tương tự, theo Time. Ông nói rằng ông phục vụ vì vinh dự và cảm thấy cần phải từ chối nhận thù lao.
Ông Washington có thể từ chối nhận lương vì ông là người giàu có. Tuy nhiên, rốt cục, ông Washington không thể tự quyết định vấn đề này. Các hồ sơ ghi chép hoạt động quốc hội Mỹ năm 1789 cho thấy chủ đề này đã dẫn đến cuộc tranh luận căng thẳng giữa các nghị sĩ. Nghị sĩ John Page đến từ bang Virginia lập luận rằng dù Washington "với lòng yêu nước nồng nàn" đã nói sẵn sàng không nhận lương, "hiến pháp đòi hỏi ông phải nhận một khoản thù lao và chúng ta phải có nghĩa vụ cung cấp nó".
Theo lập luận của ông Page, việc đặt ra tiền lệ nhân danh yêu nước để bỏ qua một tiến trình theo quy định hiến pháp là sai lầm. Ông cho rằng các quan chức còn lại trong chính phủ cần phải nhận lương mà không việc gì phải cảm thấy xấu hổ, vì nếu từ chối nhận khoản lương chính đáng như vậy có thể đẩy các chính trị gia vào tình thế nợ nần.
Quốc hội Mỹ lúc đó quyết định rằng tổng thống Washington sẽ được trả lương 25.000 USD/năm, tương đương 644.000 USD ngày nay, tức là cao hơn mức lương 400.000 USD mà Tổng thống Obama đang nhận.
Theo học giả David P. Currie, quy định của hiến pháp về lương của tổng thống "không phải để bảo vệ lợi ích cho tổng thống". Ông cho rằng các nhà lập quốc muốn tổng thống được trả lương hậu hĩnh để bảo đảm rằng những người không giàu có có thể điều hành đất nước mà không dính vào hối lộ và tham nhũng. Quốc hội Mỹ năm 1789 quyết định rằng Tổng thống Washington không được quyền quyết định không nhận lương.
Nếu Donald Trump không muốn nhận lương khi ở Nhà Trắng, ông vẫn còn một sự lựa chọn khác, đó là hiến lương cho các tổ chức từ thiện. Những người tiền nhiệm từng làm việc này là Tổng thống John F. Kennedy (nắm quyền giai đoạn 1961 - 1963) và Tổng thống Herbert Hoover (nhiệm kỳ 1929 - 1933).
Tổng thống John F. Kennedy và đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy vào tháng 5/1961. Ảnh: John Fitzgerald Kennedy Library |
Khi nhậm chức năm 1961, ông Kennedy đã là một người rất giàu có. Tài sản của gia đình ông ước tính vào khoảng một tỉ USD vào thời đó và bản thân ông sở hữu một tín quỹ hàng triệu USD. Ông chắc chắn không cần đến khoản lương 100.000 USD/năm và khoản phụ cấp 50.000 USD. Vậy nên, ông đã hiến lương bổng cho các hoạt động từ thiện.
Theo Snopes, 6 tổ chức thiện nguyện đã nhận được tiền lương của ông Kennedy năm 1961, bao gồm Hội nam và nữ hướng đạo sinh Mỹ, Quỹ học bổng liên kết cho sinh viên đại học da màu và Ủy ban các gia đình người Cuba. Trước đó, ông Kennedy cũng hiến tặng toàn bộ tiền lương của ông trong 14 năm làm nghị sĩ. Tổng cộng số tiền lương được chuyển sang từ thiện của ông trong suốt sự nghiệp chính trị lên tới 500.000 USD.
Herbert Hoover, tổng thống thứ 31 của Mỹ, cũng là một triệu phú trước khi bước vào Nhà Trắng. Theo Independent Journal Review, tài sản của ông Hoover năm 1913 ước tính khoảng 4 triệu USD. Ông tích góp được số tiền này nhờ công việc kỹ sư ngành khai khoáng và mở công ty tư vấn. Vì vậy, sau khi nhậm chức, ông dành toàn bộ khoản lương 75.000 USD/năm để làm từ thiện và tặng cho nhân viên.
"Hoover không cần nhận lương. Ông dành nửa đầu cuộc đời để kiếm tiền và nửa còn lại để làm từ thiện", giáo sư Glen Jeansonne, tác giả cuốn tiểu sử về Hoover, nói.
Xem thêm: Biệt danh 'ông trùm' và 'nàng thơ' của vợ chồng Trump
So sánh máy bay của Trump và chuyên cơ tổng thống Mỹ
Hồng VânNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn