Báo Mỹ bình luận việc Putin liên hệ với Trump
Ngày 18/11, tờ báo Mỹ “Bưu điện Washington” (Washington Post-WP) đã đăng một bài báo với chủ đề “bài Nga” một cách gay gắt, cụ thể là về việc chính quyền của ông Putin đã thiết lập mối liên lạc với trụ sở tranh cử của tân Tổng thống Mỹ thuộc đảng Cộng hòa là ông Donald Trump.
Tạp chí The National Interes của Mỹ bình luận rằng, truyền thông phương Tây phẫn nộ vì tỷ phú Donald Trump - một “tay mơ chính trị” đã giành chiến thắng trước “gà nòi chính trị” là ứng viên của đảng Dân chủ, cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.
Theo đó, Washington Post cho rằng, Nga đang thành công trong việc gây ảnh hưởng lên Nhà Trắng khi chỉ liên hệ với trụ sở của ông Trump trước khi ông này đánh bại bà Hillary Clinton.
National Interes viết, "với giọng điệu dọa dẫm" Washington Post cho rằng những nỗ lực của Moscow thiết lập liên lạc với ông Trump đã trở thành "sự phanh phui những bí ẩn, từ đó cho phép mở cuộc điều tra tỉ mỉ về vai trò điện Kremlin trong cuộc đua tổng thống chống lại bà Clinton".
Tác giả của Washington Post đã vin vào lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov về việc Điện Kremlin cố gắng "tiếp cận đội ngũ cố vấn thân cận của ông Trump".
Tuy nhiên, National Interes đã phản bác giọng điệu của WP rằng, Nga đã tìm cách liên lạc với trụ sở của cả hai ứng cử viên nhưng chỉ được các đại diện của nhà tỷ phú hồi đáp, còn bà Clinton, có lẽ đã chắc chắn trúng cử Tổng thống nên không hề đáp lại sự liên hệ của Putin.
"Đối với Washington Post, sự tồn tại những liên lạc như vậy, có lẽ đồng nghĩa với việc ông Putin đã đánh chiếm được Nhà Trắng" - bài bình luận của National Interes mỉa mai.
Theo National Interes, trường hợp của WP là sự định kiến cố hữu của người làm báo đối với Nga, cái gì không hợp ý cũng là lỗi của Nga, còn thực tế là trường hợp có các liên lạc giữa Moscow với trụ sở tranh cử của hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ là thực tiễn ngoại giao rất thông thường.
Đáp lại thịnh tình của Nga, Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump dự định đến thăm Nga trước khi ngồi vào ghế Tổng thống. Tuy nhiên, theo tin mới nhất thì ông sẽ đến thăm Nga trong chuyến thăm ngay sau khi nhậm chức, tờ Izvestia của Nga cho biết.
Theo một nguồn tin cao cấp trong Đảng Cộng hòa Mỹ cho biết, sau một số cuộc họp nội bộ, đảng này đã quyết định hoãn chuyến thăm trước lễ nhậm chức Tổng thống Trump vào ngày 20/1/2017 và chuyến công du sẽ được tiến hành sau khi ông đã bước vào Nhà Trắng.
Theo National Interest, sở dĩ đảng Cộng hòa trì hoãn kế hoạch này là do chuyến thăm của Trump trước lễ nhậm chức có thể bị đánh giá là "phá hoại chính sách hiện tại" và mong muốn tiến hành các cuộc đàm phán quốc tế "sau lưng chính quyền Barack Obama", tờ báo viết.
Hiện đang dấy lên chiến dịch chống Trump từ giới lãnh đạo Mỹ cho đến các chính khách, cùng với hàng loạt cuộc biểu tình của nhân dân Mỹ nên họ muốn tránh tất cả những việc có thể bị đưa ra làm cái cớ để ngăn cản việc ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ thứ 45.
Trump xóa bỏ trừng phạt Nga trước khi vào Nhà Trắng?
Theo tờ Politico của Mỹ, Tổng thống mới đắc cử Donald Trump có khả năng phá bỏ chế độ trừng phạt chống Nga trước khi hết năm, ngay cả khi ông chưa chính thức ngồi vào chiếc ghế nóng ở Nhà Trắng.
Chiến thắng của Donald Trump trước Hillary Clinton trong cuộc bầu cử Tổng thống lần này ở Hoa Kỳ có thể dẫn đến một thực tế là các biện pháp trừng phạt chống Nga sẽ sụp đổ ngay cả trước lễ nhậm chức chính thức của tân Tổng thống - tờ Politico nhận xét trong một bài viết mới đây.
Ê-kip của đương kim Tổng thống Barak Obama đã cộng tác chặt chẽ với EU để duy trì sự thống nhất trong vấn đề trừng phạt, tỏ rõ vai trò đầu tàu quan trọng trong chính sách kiềm chế Nga. Nhưng chiến thắng của Trump đe dọa thỏa thuận mong manh này.
Điều này không phải là không có cơ sở khi mới đây, Thượng Nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ, hiện đang là Chủ tịch Ủy ban Quân vụ của Thượng viện Hoa Kỳ là ông John McCain đã cảnh báo ông Donald Trump không nên quá gần gũi với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin.
Ông McCain khuyến cáo tân Tổng thống Trump không nên chú ý đến ngôn ngữ hòa giải của ông Putin và nói nhà lãnh đạo Nga là một "cựu điệp viên KGB", người "đe dọa các đồng minh của Mỹ và cố gắng phá vỡ các cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ".
Ông McCain nhấn mạnh rằng với hàm ý nhắc nhở ông Trump rằng, Mỹ không nên và không thể đứng về phía Moscow và Damascus trong “trận tuyến” Syria. Điều này có thể thấy từ tấm gương nhãn tiền của ông Obama.
Theo lời chính trị gia này, những nỗ lực của Tổng thống Barack Obama để giảm mức độ căng thẳng giữa Moscow và Washington đã cho phép Liên bang Nga tăng cường ảnh hưởng của mình ở Syria và hỗ trợ nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad thoát khỏi tình trạng khó khăn.
Bài viết trên Politico cho biết, chiến thắng của Trump đem đến tâm trạng hoài nghi cho các nước châu Âu về khả năng gia hạn các biện pháp trừng phạt chống Nga mà ông Obama mới bàn bạc với lãnh đạo EU là: Dù thế nào thì Trump cũng sẽ tháo bỏ những hạn chế chống Nga.
Theo quan điểm của Politico, đó sẽ là "thêm một chiến thắng nữa" dành cho Liên bang Nga, bởi ngay từ trước lễ nhậm chức của Trump sức ép với Moscow sẽ có thể đã giảm bớt, trong bối cảnh ngay cả trước khi có kết quả bầu cử ở Mỹ, nhiều lãnh đạo châu Âu đã nhận xét rằng các biện pháp trừng phạt chống Nga không những không hiệu quả mà còn gây phương hại cho EU.
Theo quan điểm của các tác giả, nếu Washington không đủ sức làm thủ lĩnh đoàn kết châu Âu chống Moscow thì giới chức lãnh đạo Liên minh châu Âu sẽ chẳng còn giữ lại được chút "quyết tâm của phương Tây nhằm đối chọi với sự ảnh hưởng của Nga" nào cả.
Theo Toàn Thắng
Đất Việt
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn