Họ là những người có những thành công nhất định trong các lĩnh vực khác nhau và tạo được vị trí, chỗ đứng trong xã hội Pháp. Và có một điểm chung là sự có mặt của họ với lời mời chính thức của Điện Elysee sẽ giúp thúc đẩy mối liên kết Việt-Pháp cũng như nâng cao hình ảnh, vị thế của người Việt tại địa bàn này.
Dù con số không nhiều, song những đại diện người gốc Việt trong đoàn tháp tùng Tổng thống Pháp Francois Hollande đều là những nhân vật có những thành công lớn trong xã hội Pháp, đồng thời có nhiều hoạt động kết nối với Việt Nam, với quan hệ Việt - Pháp.
Đó là Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp Ngô Kim Hùng, Giáo sư vật lý Trần Thanh Vân– người đã lập ra các chuỗi hội thảo khoa học nổi tiếng thế giới Gặp gỡ Morions, Gặp gỡ Blois và Gặp gỡ Việt Nam.
Ngoài ra còn có Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt Nam tại Pháp (AB Vietfrance) Nguyễn Hải Nam– nhân viên cấp cao của Ngân hàng Société Générale; Chủ tịch Eurobail Hoàng Chúc– người có tài sản lớn thứ 176 tại Pháp và từng có ý định mua cổ phần kiểm soát tập đoàn quản lý Tháp Eiffel.
Luật sư Gérard Ngô - người sáng lập Hội Phong trào của những công dân Pháp gốc Việt (MCFV) và hai đạo diễn phim Trần Anh Hùng - đạo diễn phim Vĩnh cửu vừa được trình chiếu tại Việt Nam và đạo diễn Julien Lahmi, tác giả bộ phim tài liệu Vietnam Paradiso về khát vọng của chính mình trong việc nối lại sợi dây liên kết với cội nguồn Việt Nam, cũng được mời tháp tùng Tổng thống Pháp.
Lần đầu tiên Hội Người Việt Nam tại Pháp cũng được mời dự đoàn tháp tùng Tổng thống. Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp ông Ngô Kim Hùng bày tỏ niềm vinh dự khi lần đầu tiên Hội người Việt Nam tại Pháp được mời tham dự đoàn chính thức cấp Nhà nước của Pháp sang Việt Nam.
“Hội người Việt Nam tại Pháp cũng như Cộng đồng người Việt tại Pháp rất vui mừng khi được mời đi tháp tùng đoàn. Đây là lần đầu tiên hội được mời tham gia một đoàn chính thức cấp nhà nước thăm Việt Nam. Trong bối cảnh nước Pháp gặp nhiều khó khăn như hiện nay và sắp tới là cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, mà vẫn sắp xếp một chuyến đi thăm Việt Nam thể hiện tình cảm, sự quan tâm và đánh giá cao của Tổng thống Hollande nói riêng, nhân dân Pháp nói chung đối với Việt Nam”, ông Ngô Kim Hùng nói.
Cộng đồng người Việt tại Pháp rất đông đảo, với con số khoảng hơn 300.000 người (con số không chính thức có thể lên tới 700.000 người) trong đó, số lượng trí thức và thành đạt khá lớn và đặc điểm chung là bà con đều hướng về Tổ quốc Việt Nam.
Rất nhiều người đã đạt những thành công lớn được nước Pháp biết đến và công nhận, mà những gương mặt người Việt trong đoàn tháp tùng Tổng thống Pháp đến thăm Việt Nam lần này là một trong những người đại diện.
Người Việt Nam tại Pháp được đánh giá cao về sự hội nhập thành công tại Pháp. Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của Tổng thống Pháp đến Việt Nam sau 12 năm là một cơ hội quan trọng không chỉ để phát triển mạnh mẽ quan hệ Việt - Pháp mà còn để thúc đẩy vị thế của cộng đồng người Việt tại quốc gia châu Âu là Đối tác chiến lược của nước ta.
Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp được đánh giá cao bởi khả năng hòa nhập tốt, lối sống nghiêm túc và trật tự, đặc biệt là sự cần cù, chăm chỉ học tập, nghiên cứu và lao động. Đông đảo người Việt tại Pháp được đào tạo tại các trường lớn của Pháp và có mặt trong những lĩnh vực hàng đầu như năng lượng nguyên tử, sản xuất máy bay, ngành y, ngành luật, giáo dục đào tạo…
Với ông Hoàng Chúc - Chủ tịch tập đoàn Eurobail - người có tài sản được xếp thứ 176 tại Pháp, nổi tiếng với khả năng mua và tái cơ cấu các doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, thì dù thành đạt tới đâu, ông cũng luôn ghi nhớ và tự hào về nguồn gốc Việt Nam của mình.
“Tôi luôn tự hào được là một người Việt, một đất nước kiên cường giành chiến thắng các cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc. Trong những thời khắc khó khăn nhất của cuộc đời, tôi vẫn luôn tin tưởng mạnh mẽ rằng mình sẽ vượt qua với tinh thần bất khuất của một người Việt Nam. Tôi rất mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp - hai đất nước mà tôi coi là hai Tổ quốc của mình”, ông Hoàng Chúc nói.
Một cách âm thầm, từ nhiều năm qua, ông Hoàng Chúc đã cấp nhiều suất học bổng cho các sinh viên Việt Nam học tập có thành tích cao tại Pháp. Tuy nhiên, ông cũng không ngần ngại bày tỏ sự dè dặt trong việc về nước đầu tư kinh doanh vì đối với các doanh nghiệp Pháp, trong đó các doanh nghiệp Pháp gốc Việt, môi trường kinh doanh tại Việt Nam chưa thực sự đủ sức cạnh tranh so với các thị trường khác.
“Tôi vẫn theo dõi tình hình phát triển kinh tế ở Việt Nam nhiều năm qua, và cũng tìm hiểu khả năng về Việt Nam đầu tư trong một lĩnh vực nào đó, chẳng hạn như xây dựng đường cao tốc…
Tuy nhiên, phải nhìn nhận là sức hấp dẫn của Việt Nam chưa chiến thắng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với các thị trường khác, hơn nữa, dù tôi là người Việt, rất mong muốn về Việt Nam đầu tư, song không thể không tính toán đến lợi ích khi đem tiền đầu tư ở đâu đó. Vấn đề mấu chốt của nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam là phải ý thức và tìm giải pháp cho các khoản nợ rất lớn của họ, thì mới tạo lòng tin cho các doanh nghiệp Pháp và nước ngoài”, ông Hoàng Chúc nói.
Những gương mặt gốc Việt tham gia đoàn tháp tùng Tổng thống Pháp đến thăm Việt Nam lần này đều dự định thông qua các hoạt động chung trong đoàn, làm sao thúc đẩy để phía Pháp hiểu hơn về Việt Nam và mở ra những cơ hội hợp tác lớn hơn giữa hai nước, đồng thời qua đó nâng cao vị thế của cộng đồng người Việt tại Pháp.
Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp (ABVietFrance) ông Nguyễn Hải Nam nhận định rằng chuyến thăm của Tổng thống Pháp sẽ mở ra những cơ hội cho hai nước thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực chưa từng để ý tới. Và trong dịp cùng đoàn tháp tùng dự những hoạt động kinh tế lớn như gặp gỡ doanh nghiệp, tham dự diễn đàn doanh nghiệp, tiếp cận với các bộ trưởng phía Pháp và Việt Nam, ông sẽ nỗ lực để tìm những cơ hội kết nối hợp tác giữa hai bên.
“Trong chuyến đi này, với vinh dự đại diện Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp đồng hành với đoàn Tổng thống, tôi đã đang và sẽ tiếp cận với cơ hội tốt cho cộng đồng Việt Nam tại Pháp nói riêng, thương mại đầu tư Pháp -Việt nói chung. Có những lĩnh vực chưa khai thác, những lĩnh vực dù nhỏ nhưng sau đó là cơ hội lớn. Đó là những gì chúng tôi đang nắm bắt.
Những lĩnh vực vĩ mô chúng ta tiếp tục phát triển, tuy nhiên sẽ có, tôi khẳng định sẽ có những lĩnh vực, hoạt động kinh doanh Pháp rất tốt, những doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp trong những mũi nhọn không nhất thiết là mũi nhọn khoa học, ví dụ như thời trang, hay dịch vụ quản lý thiết bị an ninh, đào tạo quốc phòng chẳng hạn…”, ông Nguyễn Hải Nam nói.
Tuy nhiên, các thành viên người Việt đi tháp tùng đoàn Tổng thống Pháp đều thừa nhận vai trò vị thế của cộng đồng người Việt tại Pháp chưa thực sự lớn mạnh, chưa tương xứng với số lượng đông đảo hơn 300.000 người tại đây. Làm sao thúc đẩy tiếng nói của cộng đồng người Việt tại Pháp là một mục tiêu lớn đối với những người Việt đã phần nào có sự thành công trong xã hội Pháp, được nhìn nhận bởi chính quyền Pháp.
Luật sư Gérard Ngô là luật sư nước ngoài đầu tiên mở văn phòng luật tại Việt Nam vào năm 1993, người sáng lập Hội “Phong trào của những người Pháp gốc Việt” (MCFV), người Việt từng ra tranh cử Hội đồng nhân dân quận 13 (quận châu Á) ở thủ đô Paris, và có ý định thành lập một Hội đồng đại diện cấp cao người Việt tại Pháp (CRAFV).
Luật sư Gérard Ngô cho biết: “Cộng đồng người Việt gắn bó nhiều với nhau qua các hội đoàn nhưng nghiêng nhiều về các hoạt động văn hóa, trong khi lại cần tạo một mạng lưới mạnh và công cụ để hoạt động chính trị hiệu quả. Người Việt hội nhập tốt, đạt được nhiều thành công nhưng họ khá khiêm nhường và quá kín đáo, nên không tạo tiếng vang lớn trong xã hội Pháp.
Tôi nhìn vào trong lĩnh vực kinh doanh chẳng hạn, có rất nhiều người Việt giỏi, nhưng ít thấy một người Việt làm Chủ tịch một tập đoàn lớn, thường chỉ là nhân vật quan trọng số 4 số 5. Để như thế, người Việt cần chú ý đến các hoạt động chính trị tại Pháp nhiều hơn, xây dựng mạng lưới của cả cộng đồng để tạo sức mạnh tập thể”./.
Theo Thùy Vân/VOV–Paris
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn