(Ảnh minh họa: Reuters)
Chính quyền Australia đã hối thúc các nghị sĩ nước này cần duy trì cách tiếp cận cẩn trọng hơn đối với việc mà Trung Quốc gọi là theo đuổi “lợi ích hợp pháp” của nước này, đồng thời cảnh giác với những động cơ đằng sau các khoản đầu tư từ Bắc Kinh. Theo đó, các nghị sĩ cần phải chú trọng hơn trong việc đưa ra các quy định và điều luật liên quan đến việc cấp phép cho các nhà đầu tư Trung Quốc vào Australia.
Cuốn cẩm nang dài 205 trang được các quan chức chính phủ Australia cấp thẩm quyền soạn thảo và phát cho các thành viên quốc hội trước buổi họp ngày 30/8. Nội dung cuốn cẩm nang nêu rõ mối quan ngại về việc Trung Quốc nỗ lực tạo lập vùng ảnh hưởng Á - Âu rộng lớn, trong đó Bắc Kinh nằm vai trò dẫn đầu nhằm đối trọng với Mỹ. Đây cũng là mục tiêu lâu dài của chiến lược “Một vành đai, một con đường”, tuyến đường thương mại toàn cầu đầy tham vọng do Trung Quốc đề ra nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển, trong đó các khoản đầu tư tại Australia sẽ là một trong những mắt xích quan trọng để Bắc Kinh đạt được kế hoạch của mình.
Trong cuốn cẩm nang mới xuất bản, chính phủ Australia khẳng định sự ủng hộ của Canberra đối với sự phát triển của Trung Quốc cũng như việc Bắc Kinh theo đuổi những lợi ích hợp pháp của nước này. Tuy nhiên, cuốn cẩm nang cũng nêu rõ rằng những hành động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông đang làm dấy lên nghi vấn về việc liệu có phải Bắc Kinh đang tham vọng thiết lập một khu vực ảnh hưởng của riêng mình hay không.
Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Australia Scott Morrison đã tuyên bố ngừng bán mạng lưới điện quốc gia Ausgrid, mạng lưới điện lớn nhất Australia, cho các nhà thầu Trung Quốc và Hong Kong vì lo ngại về vấn đề an ninh. Quyết định này của Canberra ngay lập tức vấp phải sự phản đối quyết liệt của Bắc Kinh và gây căng thẳng trong quan hệ thương mại hai nước. Trước đó, Bộ trưởng Morrison cũng tuyên bố không bán hãng thịt bò lớn nhất của Australia là Kidman & Co cho Dakang Australia Holdings, một tập đoàn do doanh nghiệp Trung Quốc đứng đầu.
Mặc dù vậy, Trung Quốc hiện vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Australia đồng thời là nhà đầu tư nước ngoài số một tại đây. Theo thống kê từ Công ty tư vấn tài chính KPMG và Đại học Sydney, Trung Quốc đã chi khoảng 11,1 tỷ USD để mua lại nhiều tài sản của Australia, trong đó phần lớn là bất động sản, trong năm 2015.
Thành Đạt
Tổng hợp
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn