Paul Emenes ở Covington, bang Louisiana, cho biết báo cáo tình báo Mỹ về Nga không làm thay đổi cái nhìn của ông đối với tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: New York Times |
"Bắt không được thì bỏ qua đi", New York Time dẫn lời ông Bob Marino, 79 tuổi, bình luận về báo cáo rúng động gần đây từ các cơ quan tình báo Mỹ cáo buộc Nga tấn công mạng, làm rò rỉ thư điện tử của đảng Dân chủ giúp ông Donald Trump giành lợi thế trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Ông Roger Noel, 65 tuổi, ngồi cạnh ông Marino ở một bàn ăn nằm trong góc một nhà hàng McDonald ở Covington, bang Louisiana, chêm vào: "Ừ, bắt chẳng được thì tha đi".
"Chỉ là những kẻ hay phàn nàn", ông Reed Guidry, 64 tuổi, ngồi phía bên kia bàn, nói.
Hôm 6/1, lãnh đạo các cơ quan tình báo gửi cho Tổng thống đắc cử Mỹ Trump bản báo cáo khẳng định họ nhất trí với kết luận Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh thực hiện một chiến dịch tấn công mạng quy mô nhưng bí mật nhằm giúp nhà tài phiệt New York chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống.
Báo cáo khẳng định người Nga đã tấn công, đột nhập, lấy cắp rồi làm rò rỉ các thư điện tử của lãnh đạo đảng Dân chủ và tung ra những trò nói xấu trên mạng xã hội cũng như sử dụng "cỗ máy tuyên truyền nhà nước" đề phát tán những câu chuyện gây bất lợi cho Hillary Clinton.
Tại Washington, báo cáo này được đánh giá là rất nhạy cảm xét về thời điểm xuất hiện bởi nó gây ra những nghi ngờ sâu sắc trước tính chính danh của tổng thống đắc cử ngay trước thềm lễ nhậm chức.
Trong khi đó, Moscow đến nay vẫn phủ nhận mọi cáo buộc. Ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên Tổng thống Nga Vladimir Putin, khẳng định "đây là những cáo buộc vô căn cứ chẳng chứng minh điều gì, được thực hiện ở cấp độ nghiệp dư, dựa trên cảm xúc".
"Chúng tôi vẫn không biết những người đưa ra các cáo buộc vô căn cứ này thực sự đã dùng dữ liệu gì", ông cho biết thêm.
"Trump vẫn là Trump"
Tina Gunaldo, ở Mandeville, Louisiana, nói dù mọi chuyện có như thế nào, "Trump vẫn là Trump". Ảnh: New York Times |
Song các cuộc phỏng vấn giữa New York Times với những người ủng hộ Trump ở bang Louisiana, nơi ông thắng bà Hillary Clinton với cách biệt 20 điểm phần trăm và ở bang Indiana, nơi ông cũng dẫn điểm đối thủ với cách biệt gần mức tương tự, cho thấy họ đa phần đều tỏ thái độ thờ ơ cho đến chế nhạo thẳng thừng.
"Từ những phần báo cáo mà tôi thấy, chuyện này thật ngớ ngẩn", Rob Maness, đại tá không quân về hưu ở bang Louisiana, người từng hai lần ra tranh cử ghế Thượng viện Mỹ, nhận xét.
"Có những mối lo ngại thực sự về chiến dịch tấn công mạng của Nga nhưng suy nghĩ cho rằng chúng làm thay đổi kết quả bầu cử là điều phi lý", Maness quả quyết.
Maness cho hay trong số những bình luận ông đọc được từ những người ủng hộ Trump trên mạng xã hội Facebook hay các thư điện tử, "90% nói: Tại sao lại phải làm to chuyện đến vậy?".
Một vài người đồng tình cho rằng người Nga có thể nhúng tay can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nhưng theo họ, Mỹ phải có cách chống trả. Nhiều người còn nói đây không phải chuyện gì quá lạ lẫm bởi các thế lực nước ngoài từ lâu đã tìm cách tác động để mang lại lợi thế cho ứng viên họ yêu thích trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và Mỹ cũng dường như cũng làm như vậy trong các cuộc bầu cử ở những quốc gia khác.
Một người ủng hộ ông Trump ở bang Louisiana cho rằng chỉ những ai thua cuộc cay cú mới đổ lỗi cho Nga gây ra thất bại của Clinton.
"Tôi không nghĩ người Nga gây ra vấn đề cho nhà Clinton lớn như nhà Clinton tự gây ra cho chính họ", Paul Emenes, 49 tuổi, tiểu thương tại một khu chợ ngoài trời của nông dân ở Covington, bang Louisiana, chia sẻ.
Emenes thừa nhận việc người Nga tấn công mạng chắc chắn đáng lo ngại nhưng ông khẳng định miễn là Trump không liên quan, "báo cáo trên không thể làm thay đổi cái nhìn của tôi về ông ấy".
Tina Gunaldo, 44 tuổi, ở Mandeville, Louisiana, cũng bày tỏ thái độ tương tự. "Trump vẫn là Trump. Tôi hy vọng trọng tâm của ông ấy vẫn là làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại".
Gunaldo không tiết lộ đã bỏ phiếu cho ai trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nhưng cho biết bà bị hấp dẫn bởi khẩu hiệu mà ông Trump đưa ra. Nó rõ ràng cũng nhận được sự đồng tình lớn ở giáo khu nơi Gunaldo sinh sống bởi nhà tài phiệt New York đã thắng cựu ngoại trưởng Mỹ tới hơn 50 điểm phần trăm tại đây.
"Tôi không tin (Nga tấn công mạng Mỹ). Tại sao Putin muốn Trump làm tổng thống đến vậy chứ?", Yates, 78 tuổi, đặt câu hỏi, thẳng thừng bác bỏ bản báo cáo tình báo trong lúc đang treo ngọn cờ in dòng chữ "Hãy biến nước Mỹ vĩ đại trở lại" trong sân nhà.
Nga không còn là mối đe dọa
David Gubert khẳng định ông vui mừng nếu quả thật Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ, giúp nhà tài phiệt New York chiến thắng. Ảnh: New York Times |
Suy nghĩ của ông Yates không phải là hiếm. Ngay cả những người nói họ lo lắng trước các vụ tấn công mạng từ Nga cũng cảm thấy Nga không phải mối đe dọa nghiêm trọng.
Trong cuộc trò chuyện tại nhà hàng McDonald’s, ông Bob Marino cho rằng Nga giờ đây không còn là đối thủ đáng gờm như xưa nữa. Đối với những người đàn ông này, Triều Tiên, phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) hay Trung Quốc mới là mối đe dọa thực sự với Mỹ.
Valarie Kubacki, 54 tuổi, nhân viên môi giới bất động sản ở Valparaiso, bang Indiana, thậm chí còn cho rằng Nga có thể là đồng minh tiềm năng với Mỹ trên một số chiến trường.
Kubacki nói bà cảm nhận Nga như đang đứng ở vị trí "giữa ranh giới kẻ thù và bạn". Bà nhất trí với ông Trump rằng Mỹ hoàn toàn có khả năng hợp tác với Nga để tiêu diệt IS.
"Chúng ta có thể đứng cùng hàng ngũ với những người mà có lẽ không phải là 'bạn' để thực hiện mục tiêu đó", bà cho hay.
David Gubert, 56 tuổi, làm nghề bán củi ở bang Louisiana, cũng lo lắng về những hậu quả sẽ xảy ra nếu người Nga thực sự dính líu đến cuộc tấn công mạng nhằm vào đảng Dân chủ, thậm chí làm thay đổi kết quả bầu cử. Nhưng rồi ông đi đến một kết luận khác: "Nếu đó là những gì xảy ra. Tôi vui mừng vì họ đã làm thế", ông nói.
Hồng VânNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn