Mỹ dỡ bỏ một phần trừng phạt Nga
Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Nga Sputnik bên lề diễn đàn quân sự-kỹ thuật quốc tế "Quân đội 2016", ông Sergei Goreslavskiy, Phó Tổng giám đốc tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport cho biết Mỹ đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các hợp đồng của tập đoàn này về bảo trì máy bay trực thăng Mi-17 ở Afghanistan.
Theo ông này, các hạn chế đưa ra từ ngày 2/9 năm ngoái, đã được dỡ bỏ ngay vào ngày 25/11.
Ông Goreslavskiy lưu ý rằng, “các quyết định dỡ bỏ lệnh cấm được đưa ra trong vòng hai năm, nhưng nếu cần thiết, phía Mỹ có thể sẽ gia hạn”.
Ngoài ra, Phó Tổng giám đốc Rosoboronexport còn cho biết, tập đoàn này đã ký kết hợp đồng với công ty của Séc “LOM Praha” để kiểm tra kỹ thuật của bốn máy bay trực thăng đầu tiên. Tập đoàn Nga cũng sẵn sàng xem xét đề nghị của những khách hàng nước ngoài về việc cung cấp thêm nhiều lô trực thăng Mi-17.
Trong khi đó, ông Zamir Kabulov, đặc phái viên của Tổng thống về Afghanistan kiêm Vụ trưởng Vụ châu Á II thuộc Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, chẳng có gì ngăn cản người Mỹ gỡ bỏ trừng phạt đối với Tập đoàn Rosoboronexport liên quan đến việc cung cấp máy bay trực thăng và dịch vụ đi kèm cho Afghanistan.
“Mỹ tự đưa mình vào ngõ cụt rồi bây giờ buộc phải hủy bỏ một phần biện pháp trừng phạt. Nếu không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt thì không có dịch vụ trực thăng", ông Zamir Kabulov nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Mỹ có thể gia hạn quyết định gỡ bỏ trừng phạt Nga được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Putin kêu gọi Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với nước này để cải thiện quan hệ song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc hôm 5/9.
Trả lời báo giới sau cuộc gặp Tổng thống Mỹ Obama, ông Putin nêu rõ, để khôi phục quan hệ với Nga, Mỹ cần thông qua các giải pháp, trong đó có dỡ bỏ trừng phạt và tìm kiếm các thỏa hiệp nhân nhượng. Đây là những lệnh trừng phạt mà Mỹ và đồng minh NATO cũng như phương Tây nói chung áp đặt để phản đối việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Phương Tây có sẵn sàng gỡ bỏ trừng phạt Nga?
Thực tế đây không phải là lần đầu tiên Mỹ đưa ra những tuyên bố về việc giảm trừng phạt đối với Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3/2014.
Còn nhớ hồi tháng 7 năm nay, Ủy ban về quan hệ quốc tế của nghị viện Hoa Kỳ đã chấp thuận dự thảo luật về trừng phạt cứng rắn hơn chống Nga, liên quan đến cuộc khủng hoảng chính trị Ukraine.
Tuy nhiên, thời điểm đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã không tán thành dự luật trên vì cho rằng ý tưởng “chính thức hóa nguyên tắc trừng phạt” như vậy sẽ làm giảm sự linh hoạt trong việc sử dụng các biện pháp này "để phục hồi chủ quyền của Ukraine, trong sự hợp tác với EU".
Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang có chuyến thăm đến Moskva và đã có buổi gặp gỡ với Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Lavrov.
Tại cuộc gặp với nhà lãnh đạo Nga, ông Kerry đã tuyên bố rằng Tổng thống Mỹ Obama và cá nhân ông cho rằng, Nga và Hoa Kỳ hiện có thể làm được rất nhiều điều vì lợi ích của thế giới, chứ không chỉ ở Syria hay Ukraine.
Bình luận về chuyến thăm này và ý kiến phản đối dự luật trừng phạt Nga của Bộ ngoại giao Mỹ, các chuyên gia quốc tế cho rằng, Tổng thống Mỹ sẽ khó mà chấp thuận và ký ban hành thành luật đối với dự luật này, bởi nó khó có thể cho Mỹ “đường lui” nếu Moscow cương quyết không trả Crimea và không quốc tế hóa vấn đề này.
Một nhà chính trị của Thụy Điển là giáo sư Stefan Hedlund viết trên tờ Svenska Dagbladet rằng, các biện pháp trừng phạt Nga sẽ sớm được Mỹ và Liên minh châu Âu gỡ bỏ, kể cả trong tình huống Moscow không nhượng bộ phương Tây một chút nào trong vấn đề Crimea.
Cũng liên quan đến các lệnh cấm vận đối với Nga, phát biểu trong cuộc họp báo tại bang Florida hồi cuối tháng 7 vừa qua, được phát sóng trên các kênh truyền hình Mỹ, ứng cử viên Tổng thống Mỹ thuộc Đảng Cộng hòa, tỷ phú Donald Trump tuyên bố nếu được bầu, ông sẽ “xem xét” vấn đề công nhận bán đảo Crimea là của Nga và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Moskva.
Khi được hỏi liệu ông có sẵn sàng công nhận Crimea là phần lãnh thổ của Nga và gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Moscow hay không, ông Donald Trump nói: "Chúng tôi sẽ xem xét vấn đề này", song ông không cho biết chi tiết.
Ngoài ra, ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa - Donald Trump cũng bày tỏ muốn làm bạn với Nga và cùng những nước khác tiêu diệt nhóm khủng bố IS.
Giới phân tích cho rằng có nhiều động thái cho thấy Mỹ đang chuẩn bị các phương án để sẵn sàng dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga. Thái độ trên của Washington chắc chắn cũng sẽ tác động đến chính sách của các nước châu Âu với Moskva khi từ lâu trong nội bộ các nước này đã tồn tại nhiều mâu thuẫn.
Thực tế là dù các biện pháp gia tăng cấm vận vẫn được EU tiếp tục áp dụng đối với Nga, nhưng giới chức Pháp, Đức hay Mỹ đều lên tiếng e ngại về những nguy cơ có thể xảy ra với phương Tây nếu tiếp tục cương quyết với Nga. Chắc chắn chỉ cần chờ Mỹ nới lỏng các biện pháp với điện Kremlin, các nước châu Âu sẽ có những toan tính riêng có lợi cho mình.
Tổng thống Pháp Francois Hollande từng tuyên bố trước truyền thông nước này rằng, đã đến lúc châu Âu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Moskva sau khi Nga cho thấy những thiện chí trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel cũng từng đưa ra cảnh báo sự suy yếu của Nga “là cực kỳ nguy hiểm cho toàn thế giới”.
“Những ai muốn gây ra tình hình đó phải biết rằng, thậm chí nó đang gây nguy hiểm hơn cho tất cả chúng ta ở châu Âu”- ông Sigmar Gabriel nói.
Theo Tuấn Hùng(Tổng hợp)
Đất Việt
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn