Một năm gian khó và thành công của Nga ở Syria

Thứ tư - 02/11/2016 12:47

Một năm gian khó và thành công của Nga ở Syria

Được phép của chính quyền hợp pháp tại Syria, nước Nga đã quyết định hỗ trợ bằng một chiến dịch quân sự, chủ yếu bằng không quân đối với lực lượng quân đội Chính phủ Syria. Một năm sau ngày Nga đưa ra quyết định, chiến trường Syria đã có những thay đổi căn bản.

Quân đội Chính phủ Syria đã kiểm soát nhiều vùng đất quan trọng, tạo được thế và lực mạnh hơn trong cán cân quân sự với các phe phái đối lập và các tổ chức khủng bố trên đất Syria.

Việc can dự quân sự của Nga cũng làm cho quan hệ giữa Nga và liên minh đứng đầu là Mỹ có những thay đổi. Cho dù không hài lòng thì phương Tây cũng phải thán phục Nga về trình độ tác chiến và vũ khí trang bị.

Thắng lợi tại Syria không thể thiếu sức mạnh Nga

Còn quá sớm để nói về thành công của Nga trong mục tiêu đề ra là tiêu diệt IS và các tổ chức khủng bố khác tại Syria. Có chăng là mới làm chúng suy yếu. Vào giữa tháng 7/2016, Bộ Quốc phòng Nga công bố kết quả chiến dịch quân sự của Nga tại Syria, chỉ ra rằng thành công lớn nhất mới chỉ là chặn được sự mở rộng hoạt động của các tổ chức khủng bố ra khu vực lân cận.

Chiến thắng cuối cùng trước khủng bố vẫn còn xa, nhưng các vị trí của chúng đã bị yếu đi nghiêm trọng. Thay vì chiếm thêm những vùng đất mới, chúng phải lo giữ những gì đã có.

Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Nga, 70% lãnh thổ Syria do IS kiểm soát. Một trong những mục tiêu chính của Moskva tại Syria là giữ các thể chế nhà nước của nước này, cụ thể là chính phủ và quân đội, để họ có thể thực hiện chức năng của mình và duy trì trật tự nhất định, cũng như đấu tranh chống khủng bố.

Quan trọng nhất là bảo vệ được các cơ cấu nhà nước hiện có và không để đất nước chìm vào hỗn loạn, như đã xảy ra với Iraq, Libya, Afghanistan và Yemen.

Quân đội Syria tại Alepo. Ảnh: Al Arabiya.

Hiện nay tại vùng lãnh thổ mà quân đội Syria kiểm soát, các cơ quan nhà nước (giáo dục, y tế, ngân hàng...) vẫn tiếp tục hoạt động phục vụ người dân. Các chuyên gia nhận định, không thể nói rằng ông B.A.Assad có ưu thế quyết định trước đối thủ, song có thể khẳng định, hiện tại vị thế của ông đã vững vàng và bền vững hơn so với ngày 30/9/2015, thời điểm Nga quyết định sử dụng sức mạnh quân sự, chủ yếu là không quân tại Syria. Nga đã giúp ổn định được chế độ của ông Assad và củng cố vị thế của quân đội Syria.

Chi phí thấp và hiệu quả cao

Hành động của Nga ở Syria đã cho phép Moskva khẳng định một hình ảnh mới thể hiện sức mạnh của nước Nga. Bằng cách dựa vào hiện đại hóa bộ máy quân sự và sự ủng hộ của công luận, Nga đã giành được một vai trò mới. Việc Nga triển khai hành động can thiệp ở Syria hồi tháng 9/2015 cũng gây bất ngờ như việc Nga thông báo rút quân hồi tháng 3/2016.

Chiến dịch quân sự của Nga tại Syria đã mang lại cho Moskva những lợi ích đáng kể: Nga đã tự khẳng định mình như một chủ thể không thể bỏ qua trong khu vực. Các mối quan hệ với một số nước trong khu vực (Iran, Iraq, Israel) đã đạt được những tiến triển mới, và các đơn đặt hàng vũ khí của Nga đã tăng lên rõ rệt. Từ "cô lập" có lẽ không phải cách làm hiệu quả của phương Tây thể hiện với Nga trong giai đoạn hiện nay.

Một năm trước Nga tuyên bố bắt đầu chiến dịch quân sự tại Syria, chiến dịch đầu tiên của quân đội Nga tại Trung Đông. Dù là một trong những chủ thể chủ yếu của cuộc xung đột Syria, nhưng suốt 4 năm qua Nga vẫn tránh không can thiệp trực tiếp.

Chiến dịch tại Syria đòi hỏi chi phí lớn, song cũng mang lại hàng loạt ưu thế, ngoài ra còn tác động đến cục diện không chỉ ở cấp địa phương và khu vực, mà còn trên toàn thế giới.

So với sự đầu tư lớn, tiêu hao lớn của Mỹ, các hành động quân sự của Nga ở Syria rõ ràng có chi phí thấp và hiệu quả cao. Với hơn 30 máy bay chiến đấu và máy bay ném bom, chỉ trong vòng 6 tháng, quân đội Nga đã hoàn thành nhiệm vụ tiến hành hơn 9.000 vụ không kích ở Syria, loại bỏ hàng nghìn phần tử khủng bố. Trong đó có nhiều thủ lĩnh. So với liên quân do Mỹ dẫn đầu bình quân mỗi ngày ném bom 6 lần, mỗi tháng quân đội Nga thực hiện đến con số hàng nghìn nhiệm vụ.

Chuyên gia phân tích cao cấp của tạp chí Jane's Defence Weekly Morse cho biết, mỗi ngày Nga phải chi từ 2 đến 4 triệu USD (mỗi tháng khoảng 100 triệu USD) cho kế hoạch hành động ở Syria, trong khi cùng một số lượng binh sĩ triển khai ở Afghanistan, mỗi ngày Mỹ phải chi phí lớn hơn nhiều. Đối với ngân sách quốc phòng gần 45 tỉ USD của Nga cho năm 2016 thì đây chỉ là con số lẻ.

Hành động quân sự của Nga tại Syria là một sự kiểm nghiệm chiến đấu chiến thuật trên quy mô lớn và thử nghiệm trang bị vũ khí mới. Nguyên Chủ nhiệm tổ bộ môn Ngoại ngữ quân sự Đại học Quốc phòng Trung Quốc Hoàng Bin cho biết các cuộc không kích “điểm huyệt” đã trở thành thanh kiếm sắc nhọn của chiến tranh trong thế kỷ 21.

Trong các hành động quân sự ở Syria, tổng cộng Nga đã cử hơn 50 chiếc máy bay, trong đó hơn 30 chiếc là máy bay chiến đấu và máy bay ném bom. Máy bay Su-34 có vai trò nổi bật trên chiến trường. Su-34 được trang bị hệ thống chỉ huy thông tin TKS-2M, có thể giúp nhiều chiếc máy bay chiến đấu và chỉ huy mặt đất chia sẻ thông tin. Nga đã lần đầu tiên sử dụng bom dẫn đường vệ tinh KAB-500S do Su-34 phóng ra, bất chấp các điều kiện thời tiết, sau khi được phóng ra có thể tự động tìm mục tiêu.

Cùng với các cuộc không kích quy mô lớn, pháo binh hạng nặng của Nga cũng tham gia cuộc chiến Syria. TOS-1A là hệ thống tên lửa nhiệt áp hạng nặng được trang bị cho binh chủng phòng hóa của lục quân Nga, trong vòng 7 giây có thể phóng 24 tên lửa, phá hủy các ngôi làng và một loạt mục tiêu dưới đất có phạm vi tương đối rộng, là một loại vũ khí rất khủng khiếp. Pháo tự hành 2S19 cỡ nòng 152 mm là pháo binh hỗ trợ tầm xa mới nhất của lục quân Nga, tầm bắn tối đa 24 km, tốc độ bắn tối đa 8 phát/phút.

Ngoài ra, Nga còn triển khai pháo phản lực nhiều nòng BM-30 cỡ nòng 300 mm có thể tấn công các mục tiêu có giá trị cao của quân địch trong khoảng 20-70km.

Việc lần đầu tiên triển khai robot chiến đấu tại chiến trường Syria đã có hiệu quả cao. Trong một hành động chung với quân đội Chính phủ Syria vào tháng 12/2015, các robot chiến đấu, máy bay không người lái và hệ thống chỉ huy tự động hóa của quân đội Nga liên kết với nhau, phát động các đợt tấn công ở các cao điểm.

Đầu tiên máy bay không người lái thực hiện giám sát trên không tất cả hoạt động của kẻ địch, phát liên tục tình hình chiến đấu trên các màn hình lớn, tiếp đó quân đội Nga điều khiển robot tiếp cận các tay súng phe địch ở khoảng cách 100-120m, quân đội chính phủ sẽ đi sau robot chiến đấu khoảng 150-200m, cùng robot chiến đấu phát động tấn công.

Sau 20 phút kể từ khi robot được triển khai, dưới sự tấn công mạnh của các bên, các tay súng IS bắt đầu rút lui, rời vị trí, bỏ lại cả những người thương vong. Lấy một ví dụ, trận đánh trên cao điểm 754.5 vùng núi Latakia, các binh sĩ Syria đếm được 70 phiến quân thiệt mạng, quân đội Syria chỉ có 4 người bị thương, đánh chiếm thành công ngọn đồi này.

Không chỉ có vũ khí “thông thường”, những vũ khí “khủng” cũng đã được chuyển đến Syria. Ngày 24/11/2015 tại khu vực giáp ranh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, tên lửa không đối không do máy bay F16 của Thổ Nhĩ Kỳ phóng ra đã bắn rơi chiếc máy bay ném bom Su-24 của Nga trên lãnh thổ Syria. Một phi công hy sinh. Vụ việc đã khiến quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi và Moskva đã quyết định triển khai hệ thống phòng không S-400 hiện đại nhằm kiểm soát an toàn trên không tại Syria.

Theo số liệu chính thức, Nga xác nhận 20 quân nhân Nga đã thiệt mạng trong chiến dịch (trong đó có 3 vụ thiệt mạng không liên quan đến chiến sự). Nga cũng mất 3 trực thăng (2 chiếc Mi-8 và 1 chiếc Mi-28H) và một máy bay ném bom Su-24. Theo đại diện Bộ Quốc phòng Nga, chiến dịch quân sự tại Syria không đòi hỏi chi phí thêm từ ngân sách, vì chi phí được bù từ ngân sách cho quốc phòng.

Hệ thống S-400 của Nga được triển khai tại Syria. Ảnh: RT.com.

Tháng 3/2016, Tổng thống Putin tuyên bố đã chi 500 triệu USD cho chiến dịch tại Syria, nhìn chung cũng trùng với đánh giá của các nguồn độc lập. Ví dụ tờ RBK của Nga khẳng định một năm tại Syria đã tiêu tốn của Nga khoảng 892 triệu USD, còn trang “Nhóm thông tin Jane” của Hiệp hội HIS (Anh) cho rằng Nga chi khoảng 2 đến 4 triệu USD cho mỗi ngày chiến dịch quân sự tại Syria.

Sức mạnh quân sự và vị thế nước Nga

Nga đã chứng minh rằng không thể giải quyết tình hình Trung Đông nếu không có Nga. Cuộc chiến với IS và vai trò quan trọng trong giải quyết xung đột Syria đã nâng cao vị thế của Nga trên toàn thế giới và trong khu vực, xua tan tin tức về sự cô lập quốc tế đối với Nga và cho Nga ưu thế trong đàm phán với phương Tây về các vấn đề khác, ví dụ, khủng hoảng Ukraine.

Trong năm qua, Moskva tiến gần đến việc phối hợp hành động quân sự thực tế tại Syria với nhiều nước. Điều đó khẳng định vai trò quan trọng của Nga trong cuộc khủng hoảng Syria và trong diễn tiến tình hình khu vực nói chung.

Lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô tan rã, Nga đã sử dụng sức mạnh quân sự ở xa biên giới của mình. Quan trọng hơn đây là chiến dịch quân sự đầu tiên của quân đội Nga, và cụ thể là của không quân, sau khi đã cải cách lớn từ năm 2008. Chiến dịch đã khẳng định tính cơ động của lực lượng được tăng lên, sự phối hợp giữa các đơn vị được cải thiện.

Các chiến dịch tại Syria cũng cho thấy Nga có khả năng thực hiện triển khai nhanh nhiều đơn vị ở bên ngoài biên giới và cho thấy khả năng của Nga trong lĩnh vực sử dụng quân đội trên lãnh thổ nước ngoài. Nga đã đưa ra loại vũ khí tối tân nhất, thử nghiệm thành công trong chiến đấu. Điều đó cho phép Nga không phải chi phí nhiều mà vẫn phát hiện được những thiếu sót và khiếm khuyết của vũ khí để rồi hoàn thiện nó trong tương lai.

Chiến dịch quân sự tại Syria cũng là sự quảng cáo tốt cho các vũ khí mới của Nga: máy bay tiêm kích được nâng cấp Su-34 và Su-35, tên lửa có cánh Kalibr, hệ thống phòng không S-400 và tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir C-1...

Theo một số đánh giá, “nhờ” vào “các chiến dịch” của Nga tại Syria, xuất khẩu vũ khí của Nga đã tăng từ 6 lên 7 tỷ USD. Các nước Algeria, Indonesia, thậm chí cả Pakistan, vốn lâu nay mua vũ khí của Mỹ và Trung Quốc, nay quan tâm đến máy bay tiêm kích và ném bom OKB Sukhoi. Triển vọng sẽ tăng thị phần của Nga trên thị trường vũ khí cũng như tăng doanh thu từ bán vũ khí.

Căn cứ quân sự thường trực đầu tiên và duy nhất của Nga tại Trung Đông được thành lập, đảm bảo sự hiện diện quân sự của Nga tại khu vực này. Căn cứ Hmeymim nằm tại bờ đông của Địa Trung Hải ở Syria, cách xa thành phố Latakia. Giờ đây từ quan điểm bố trí lực lượng Nga đang cân bằng với Mỹ, Anh, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ, những nước đã có căn cứ tại Trung Đông.

Bộ Quốc phòng Nga thường xuyên công bố báo cáo về các đợt không kích tại Syria, kèm theo các đoạn băng và phóng sự ảnh, cũng như thường xuyên tổ chức họp báo và các tour cho báo chí nước ngoài đến thăm căn cứ Hmeymim của Nga và các tàu chiến Nga neo tại vùng bờ biển Syria. Nỗ lực tăng tính thông tin về hoạt động quân sự của Nga tại Syria, tăng tính cởi mở của Bộ Quốc phòng và cải thiện được quan hệ của Bộ với báo chí có thể gọi là thành công.

Trong tình huống đó, những người phản đối sự can thiệp quân sự của Nga vào xung đột Syria sẽ khó phổ biến những tin thất thiệt và cáo buộc Nga vi phạm hơn.

Những chiến tích của quân đội phản ánh sự lớn mạnh đầy ý nghĩa của quân đội nước này. Ngành công nghiệp vũ khí Nga được hiện đại hóa và quân đội Nga được chuyên nghiệp hóa. Một quan sát viên châu Âu nhấn mạnh: "Các chiến dịch quân sự của Nga ở Syria có một điểm chung: một sự tổ chức quân sự tuyệt vời".

Chiến dịch tại Syria đã cho phép Nga chứng minh một trong những cách mà Nga có thể khiến những đối thủ tiềm tàng phải lo ngại đó là các vụ bắn tên lửa hành trình Kalibr tới các mục tiêu ở Syria, ở khoảng cách gần 1.500 km, từ 1 tàu hộ tống chống ngầm và 3 tàu hộ tống phóng tên lửa được triển khai ở biển Caspian.

Một chuyên gia Nga đã chỉ ra rằng việc đóng những con tàu quy mô nhỏ này ít phức tạp hơn, do đó cho phép Nga hy vọng "tăng cường nhanh chóng tiềm năng đạn đạo của hải quân Nga và mở rộng sự hiện diện của tàu chiến Nga trên nhiều vùng biển khác nhau.

Qua những biểu hiện của Nga tại Syria, có thể thấy quân đội Nga hiện nay đã có những thay đổi to lớn. Điều này khẳng định là nhờ sự cải cách kiên trì, quyết đoán, mạnh mẽ của quân đội Nga trong nhiều năm. Sự thể hiện của quân đội trên chiến trường là tiêu chuẩn thực tế có sức thuyết phục nhất trong việc kiểm nghiệm hiệu quả cải cách của nó.

Các chuyên gia phương Tây đánh giá, quân đội Nga đã thể hiện năng lực tác chiến “đáng kinh ngạc”.

Theo Nguyễn Hòa

An ninh thế giới

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây