Hai ứng viên Donald Trump và Hillary Clinton (Ảnh: Boston Globe)
Châu Á
So với 8 năm trước, Mỹ có sự hiện diện ở châu Á rõ ràng hơn hẳn và đây có thể điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại trong hai nhiệm kỳ cầm quyền của Tổng thống Barack Obama.
Tuy nhiên, “màu sắc” kỳ lạ của cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm nay, cộng với những xáo động địa chính trị ở châu Á sau chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, đã khiến dư Á dấy lên làn sóng dấu hỏi về chính sách tương lai của Mỹ đối với khu vực, ông Peter Feaver, nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu An ninh của Đại học Duke ở Durham (Anh), nhận định.
Jeremy Au Yong, Trưởng chi nhánh tại Mỹ của báo Straits Times, thậm chí nhận định rằng: "Bất cứ ai mong chờ sự bảo đảm về việc Mỹ tiếp tục những cam kết ở châu Á thì cũng sẽ có cảm giác "vô vọng" sau những gì mà các ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump và đảng Dân chủ Hillary Clinton đã thể hiện".
Trong một phát biểu tranh cử, ông Trump biểu lộ sự thất vọng đối với đồng minh Nhật Bản, còn bà Clinton được kỳ vọng sẽ kế tục chiến lược “xoay trục” về châu Á của Tổng thống Obama thì lại thay đổi thái độ, thẳng thừng gạt bỏ nền tảng kinh tế quan trọng của chính sách "xoay trục" là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo nhà nghiên cứu Robert Manning của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Quốc tế Brent Scowcroft, những tuyên bố kiểu này đã làm nhiều nước nghi ngờ về khả năng Mỹ có thể thiết lập trật tự để giảm nhẹ những bất trắc về an ninh: Triều Tiên đẩy mạnh thử nghiệm hạt nhân, tên lửa và căng thẳng trước những hành động gia tăng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trước khả năng cao bà Clinton giành chiến thắng, dư luận cho rằng bà Clinton sẽ tới Washington với quan điểm đã được định hình từ trước về Trung Quốc và vai trò của Mỹ trong khu vực. Bà Clinton từng sát cánh với ông Obama xây dựng chính sách “xoay trục” của Mỹ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, để đối phó với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc. Nhiều ý kiến cho rằng vấn đề này sẽ tái xuất trong chương trình nghị sự vào đầu năm tới, nếu bà Clinton ghi danh vào lịch sử là nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ.
Về vấn đề Biển Đông, Steven Lewis, chuyên gia về châu Á tại Đại học Rice, nhận định bà Clinton nổi tiếng là người có quan điểm cứng rắn ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, nên nếu đắc cử sẽ tiếp tục thể hiện quan điểm này.
Các đồng minh lâu năm ở châu Âu
Một số nước đã đoán định phần nào đường lối của Mỹ với nước mình, một khi ông Trump hoặc bà Clinton trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Tuy nhiên, riêng với các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU), hầu như họ chưa thể đoán được tương lai mối quan hệ giữa EU và Mỹ sẽ ra sao.
Mối quan hệ hệ xuyên Đại Tây Dương này đã nguội đi đáng kể sau khi ông Obama, trong một cuộc trả lời phỏng vấn cách đây không lâu, đã chê người châu Âu là "những người ăn theo". Mối bất hòa càng sâu sắc hơn khi các nhà lãnh đạo tranh cãi về hiệp định tự do thương mại xuyên Đại Tây Dương.
Trong chiến dịch của mình, ông Donald Trump từng dọa là Mỹ sẽ không trợ giúp cho nước châu Âu nào không tôn trọng cam kết tài chính liên quan tới Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông Trump còn công khai những tuyên bố “ngưỡng mộ” Tổng thống Nga Vladimia Putin. Patrick Chamorel, Giáo sư về quan hệ xuyên Đại Tây Dương của Đại học Stanford, nhận xét điều này khiến các nước Đông Âu lo ngại “Mỹ về việc ký kết các thỏa thuận trực tiếp với Nga, đẩy châu Âu ra khỏi các hồ sơ quan trọng về Trung Đông”.
Ngược lại, bà Clinton luôn tỏ ra không hài lòng trong quan hệ với Tổng thống Putin. Tuy nhiên, đó cũng không phải là tin vui đối với Tây Âu, đặc biệt là Đức, vì theo Giáo sư Chamorel, “sẽ bất lợi cho Đông Âu, nếu bà Hillary Clinton muốn Mỹ cứng rắn hơn trong quan hệ với Nga”.
Giáo sư Chamorel cho rằng các nước trong khu vực đang đợi xem Mỹ có động thái gì mới vì sự ổn định ở Đông Âu không, khi Nga trỗi dậy về mặt quân sự và cuộc xung đột tại Ukraine thường xuyên đe dọa an ninh và ổn định khu vực.
Cựu thù Cuba, Iran và bạn bè truyền thống ở Trung Đông
Mỹ - Cuba, hai nước cựu thù thời Chiến tranh Lạnh trong suốt hơn nửa thế kỷ, đã bình thường hóa quan hệ vào năm 2015. Chuyến thăm Cuba của ông Obama như lời đảm bảo chiều hướng tích cực trong tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương. Dù các tiến triển ngoại giao giữa La Habana-Washington có tiếng vang rất lớn, nhưng chủ đề Cuba hầu như không xuất hiện trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ.
Dư luận cho rằng quan hệ Mỹ-Cuba sẽ vẫn bình lặng như vậy cho dù ai sẽ là chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng. Lý do là quá trình tái thiết lập quan hệ ngoại giao song phương đã hoàn tất và kết quả thăm dò cho thấy đa số người Mỹ gốc Cuba, cũng như các cử tri còn lại, ủng hộ chính sách này.
Tuyên bố tranh cử của bà Hillary Clinton nhấn mạnh nối tiếp chính sách này, và dường như đây cũng là quan điểm đối thủ Donald Trump.
Thật ra quan hệ Mỹ - Cuba vẫn còn những thách thức, nhưng nền tảng mà ông Obama đã xây dựng được cho quan hệ song phương này đủ vững chắc để các chính trị gia kế tiếp tại Washington khó lòng làm ngơ hay đạp đổ một cách dễ dàng.
Với trường hợp quan hệ giữa Mỹ và Iran, diễn biến tình hình về một khía cạnh nào đó cũng giống như vậy. Sau gần 4 thập niên thù địch với Iran, người Mỹ đã quen với hình ảnh Ngoại trưởng John Kerry bắt tay với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif.
Tổng thống Barack Obama bắt tay với Iran và Cuba với nỗ lực tháo ngòi nổ cho những mối thù địch lâu năm, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi nhiều hơn từ các bạn bè - từ Ả-rập Xê-út tới Israel. Ông Aaron David Miller, cựu cố vấn về Trung Đông của cả hai chính quyền Dân chủ và Cộng hòa, cho rằng "tổng thống mới sẽ phải kế thừa cuộc khủng hoảng lòng tin của từng quốc gia trong số này".
Vào ngày 8/11, chiếc ghế đặc biệt ở Nhà Trắng sẽ tìm được chủ nhân mới. Dù đó là bà Hillary Clinton hay ông Donald Trump thì tân tổng thống cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức nảy sinh từ những hoạt động quân sự mà Mỹ đang can dự.
Tuệ An
Tổng hợp
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn