Sản phẩm của Bell Pottinger bao gồm những đoạn phim ngắn trên tivi làm giống như các mạng tin tức Arập và video giả mạo được sử dụng để theo dõi phát hiện những người xem chúng. Timothy (Tim) John Leigh Bell, cựu Chủ tịch Bell Pottinger, thừa nhận với TBIJ câu chuyện "che đậy" công việc với sự chấp thuận từ Lầu Năm Góc là có thật và đội ngũ nhân viên Bell Pottinger làm việc bên cạnh giới chức cao cấp quân đội Mỹ tại Trại Victory - căn cứ quân sự Mỹ ở thủ đô Baghdad của Iraq.
Bell Pottinger cũng được cho là thường xuyên gửi báo cáo đến Lầu Năm Góc, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) nước này. Nhiệm vụ của Bell Pottinger kết thúc năm 2011 cùng lúc với thời điểm quân đội Mỹ ở Iraq rút quân.
Ba loại sản phẩm "giả hoàn hảo" cho Lầu Năm Góc
Bell Pottinger, một trong những doanh nghiệp PR thành công nhất nước Anh, có được uy tín lớn sau nỗ lực đánh bóng hình ảnh "bà đầm thép" Margaret Thatcher và giúp đảng Bảo thủ nước này giành chiến thắng trong 3 cuộc bầu cử.
Bell Pottinger (tên chính thức là BPP Communications Ltd.) là công ty PR lớn nhất ở Anh cung cấp những dịch vụ như: vận động hành lang, soạn thảo diễn văn, quảng cáo… cho chính quyền, công ty và những cá nhân giàu có.
Công ty được mô tả là có "danh sách khách hàng gây tranh cãi nhất" (bao gồm chính quyền Arập Xêút và cựu tổng thống độc tài Chile Augsto Pinochet) trong lĩnh vực PR. Chủ tịch công ty Tim John Bell từng là cố vấn cho nữ Thủ tướng Anh Margaret Thatcher về các vấn đề truyền thông. Bell Potinger có văn phòng tại châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông (bao gồm Dubai và Abu Dhabi) và Đông Nam Á.
Công việc của Bell ở Iraq là tiến hành chiến dịch truyền thông khổng lồ trị giá hàng trăm triệu USD. Các sản phẩm của Bell được duyệt bởi tướng David Petraeus, lúc đó là chỉ huy liên quân Mỹ ở Iraq, hoặc đôi khi là Nhà Trắng.
Tài liệu điều tra của TBIJ (tổ chức phi lợi nhuận thành lập tháng 4-2010) cũng tiết lộ chỉ trong một thời điểm Bell - bắt đầu hợp tác với quân đội Mỹ không lâu sau khi nước này đưa quân vào Iraq năm 2003 - tuyển dụng khoảng 300 người Anh và Iraq. TBIJ xác định từ tháng 5-2007 đến tháng 12-2011, Lầu Năm Góc chuyển cho Bell tổng cộng 540 triệu USD để thực hiện hàng loạt chiến dịch thông tin giả và tâm lý.
Theo nhà dựng phim Martin Wells từng làm việc cho Bell Pottinger, công ty này được Lầu Năm Góc giao trách nhiệm sản xuất 3 loại "sản phẩm" truyền thông. Thứ nhất là những bộ phim quảng cáo trên tivi mô tả Al Qaeda theo hướng tiêu cực. Thứ hai, một loạt tin tức ngắn làm giả giống như "được thực hiện bởi kênh truyền hình Arập".
Cụ thể là, một nhóm nhân viên Bell Pottinger quay những video chất lượng kém về những vụ đánh bom của Al Qaeda, sau đó lồng tiếng Arập và cung cấp cho các đài truyền hình trong khắp khu vực. Một số tiết lộ năm 2005 cũng cho thấy nhà thầu PR Lincoln Group giúp Lầu Năm Góc cung cấp cho báo chí Iraq hàng loạt thông tin sai lạc và từ đó dẫn đến một cuộc điều tra.
Sản phẩm thứ 3 và cũng là nhạy cảm nhất được Martin Wells mô tả là nhiều video tuyên truyền giả như của Al Qaeda. Wells nhận chỉ thị: "Chúng tôi phải thực hiện loại video giả có độ dài chỉ 10 phút, ghép thêm một số hình ảnh thật của Al Qaeda, với định dạng file theo quy định".
Lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ bỏ lại những CD video giả này tại những mục tiêu tuần tra và đột kích của họ. Chúng được mở bằng Real Player - phần mềm xem video phổ biến và tự động kết nối với Internet khi ứng dụng khởi chạy.
Những CD này được cài mã tự động liên kết đến tài khoản Google Analytics và cung cấp danh sách địa chỉ IP những thiết bị xem video đến tình báo Mỹ. Nhờ danh sách này mà tình báo Mỹ phát hiện được địa điểm phát video và đối tượng xem; ví dụ như ở trung tâm Baghdad, Iran, Syria hay thậm chí Mỹ.
Lầu Năm Góc thừa nhận Bell Pottinger là nhà thầu Anh ở Iraq làm việc cho lực lượng Đặc nhiệm chiến dịch thông tin (IOTF), tạo ra những sản phẩm từ nguồn công khai của lực lượng liên quân. Giới chức quân đội Mỹ cũng nhấn mạnh rằng, toàn bộ tài liệu tuyên truyền do IOTF đặt hàng với Bell là "chân thật".
Tuy nhiên, Bell không chỉ hợp đồng với IOTF mà còn làm việc cho lực lượng Đặc nhiệm chiến dịch tâm lý phối hợp (JPOTF). Tim Bell, người rời khỏi chức vụ Chủ tịch Bell Pottinger vào đầu năm 2016, phát biểu với tờ Sunday Times của Anh rằng hoạt động triển khai những đĩa CD theo dõi như thế là "hoàn toàn có thể xảy ra" nhưng cá nhân ông không hề được báo trước về nhiệm vụ này.
Martin Wells nhớ lại: "Có 2 đại tá quân đội giám sát chặt chẽ công việc hàng ngày của chúng tôi để báo cáo lại với tướng Petraeus. Sau khi Petraeus duyệt nội dung, tài liệu tuyên truyền được gửi đến Nhà Trắng và cuối cùng câu trả lời sẽ chuyển về Trại Victory ở Baghdad".
Tướng David Petraeus được chỉ định vào chức vụ giám đốc CIA vào tháng 9-2011 trước khi từ chức vài năm sau đó do dính líu đến vụ bê bối tình cảm ngoài hôn nhân với Paula Broadwell - nữ nhà báo và người viết tiểu sử cho Petraeus.
Iraq, vùng đất béo bở cho giới truyền thông
Hợp đồng lớn của Bell Pottinger - một công ty của nước Anh - với Lầu Năm Góc đã tạo nên mối oán giận trong cộng đồng công ty truyền thông nước Mỹ cố "chen lấn xô đẩy" nhau để được hoạt động tại Iraq - theo lời Andrew Garfield, cựu nhân viên nhà thầu quốc phòng Lincoln Group và hiện đang làm việc cho Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại (FPRI) đặt trụ sở tại Philadelphia bang Pennsylvania (Mỹ).
Garfield cho biết: "Không một ai có thể hình dung nổi làm thế nào mà một công ty Anh có thể giành được hợp đồng trị giá hàng trăm triệu USD từ Bộ Quốc phòng Mỹ trong khi những công ty truyền thông Mỹ hoàn toàn có đủ năng lực làm việc như Bell Pottinger. Thực sự, các công ty Mỹ đã rất giận dữ".
Ian Tunnicliffe, cựu binh sĩ Anh lãnh đạo nhóm 3 người trong Liên minh cầm quyền lâm thời (CPA) ở Iraq sau cuộc can dự năm 2003 của Mỹ - chính là người ký hợp đồng với Bell Pottinger năm 2004 để tuyên truyền về những cuộc bầu cử dân chủ tại quốc gia này.
Theo Tunnicliffe, hợp đồng có tổng trị giá lên đến con số mà các công ty Mỹ phải ghen tị - 5,8 triệu USD. Tunnicliffe giải thích Bell Pottinger là một trong 3 công ty tham gia đấu thầu và đơn giản là Bell đưa ra những kế hoạch có sức thuyết phục hơn đối thủ cạnh tranh của họ.
Iraq đúng là mảnh đất hái ra tiền cho nhiều công ty truyền thông. Theo điều tra của TBIJ, vào giữa những năm 2006 và 2008 có hơn 40 công ty được trả tiền để cung cấp những dịch vụ như: truyền hình, phát thanh, sản xuất video, quảng cáo và điều tra thăm dò dư luận. Trong số những công ty may mắn này bao gồm: Lincoln Group, Leonie Industries, SOS International và một số công ty đặt trụ sở tại Iraq như - Cradle of New Civilization Media, Babylon Media và Iraqi Dream.
Tuy nhiên, chỉ có Bell Pottinger là công ty duy nhất có được hợp đồng trị giá cao ngất ngưởng. Theo Glen Segell, nhân viên làm việc IOTF ở Iraq năm 2006, các nhà thầu được sử dụng một phần do trong nội bộ quân đội Mỹ không có chuyên gia giỏi về lĩnh vực truyền thông, đồng thời một phần khác là thực hiện chiến dịch trong "vùng xám" pháp lý.
Trong bài viết năm 2011 tựa đề "dự liệu Tình báo mật ở Iraq", Glen Segell nhận định luật pháp Mỹ ngăn ngừa chính quyền sử dụng cỗ máy tuyên truyền đối với người dân trong nước Mỹ. Trong môi trường truyền thông toàn cầu hóa như hiện nay, về lý thuyết thì những chiến dịch ở Iraq có thể tác động trở lại nước Mỹ do đó quân đội Mỹ về mặt pháp lý không thể can dự vào lĩnh vực nhạy cảm này.
Theo một nghiên cứu năm 2015 do tổ chức phi lợi nhuận Rand Corporation đặt trụ sở tại Santa Monica bang California (Mỹ) thực hiện kết luận rằng "mọi nỗ lực thông tin, gây ảnh hưởng và thuyết phục được chứng minh là thách thức cho chính quyền và Bộ Quốc phòng Mỹ".
Những chiến dịch của Bell Pottinger mang lại lợi ích cho chính quyền Mỹ ngưng hoạt động vào năm 2011 khi quân đội Mỹ bắt đầu rút dần khỏi Iraq. Công ty Anh cũng có sự thay đổi trong bộ phận lãnh đạo vào năm 2012 và cơ cấu hiện nay không còn kết nối với đơn vị ở Iraq mà Martin Wells từng làm việc. Sau khi bộ phận ở Iraq đóng cửa năm 2011, Wells cũng rời khỏi đất nước hỗn loạn này.
Trong cuộc phỏng vấn điều tra của TBIJ, Wells cho biết trong vòng 48 giờ sau khi được Công ty Bell tuyển dụng, ông bay sang Baghdad để biên tập những video giả mạo Al Qaeda phục vụ cho "chiến dịch tâm lý" của quân đội Mỹ.
Mục đích của nhiệm vụ mà Bell Pottinger tiếp nhận tại Iraq là tuyên truyền về bạo lực của Al Qaeda nhưng ông thừa nhận "ở đâu đó trong lương tâm tôi, tôi tự hỏi liệu công việc của tôi có thực sự đúng đắn hay không".
Trong khi đó cựu Chủ tịch Tim Bell nói với tờ Sunday Times rằng ông cảm thấy vô cùng "hãnh diện" về công việc của Bell Pottinger tại Iraq: "Chúng tôi đã làm nhiều điều để giúp quân đội Mỹ giải quyết tình huống. Đây là một phần trong cỗ máy tuyên truyền của Mỹ".
Theo Diên San (tổng hợp)
An ninh thế giới
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn