Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và các tướng lĩnh quân đội. Ảnh: KCNA |
Hôm 11/9, ngay sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 5, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc tiết lộ kế hoạch "Trừng phạt và Phản công Quy mô" (KMPR) của Bộ Quốc phòng nước này nhằm "xóa sổ hoàn toàn một khu vực ở thủ đô Bình Nhưỡng" trong trường hợp có dấu hiệu xác định Triều Tiên phát động đòn tấn công hạt nhân, theo PopularMerchanic.
Chuyên gia quân sự Kyle Mizokami cho rằng kế hoạch này được thiết kế để bẻ gãy các hệ thống chỉ huy và kiểm soát hạt nhân của Triều Tiên, ngăn chặn đòn tấn công hạt nhân của Triều Tiên ngay trong quá trình ra mệnh lệnh.
Nhiều chuyên gia tin rằng hiện nay Triều Tiên đã có thể đưa vũ khí hạt nhân lên các tên lửa đạn đạo tầm trung đủ sức uy hiếp Hàn Quốc, Nhật Bản và các lực lượng Mỹ đồn trú ở hai quốc gia này.
Các tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên như Nodong và Musudan đều có thể bố trí trên bệ phóng di động di chuyển ở khu vực nông thôn và rất khó phát hiện, phá hủy. Ngoài ra, nước này cũng đang phát triển tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân phóng từ tàu ngầm.
Bởi vậy, quân đội Hàn Quốc rõ ràng không thể nhắm vào các tên lửa trong trường hợp nổ ra khủng hoảng. Tuy nhiên, kế hoạch tấn công phủ đầu của họ là nhắm vào các mắt xích then chốt của Triều Tiên là hệ thống chỉ huy và kiểm soát hạt nhân, gồm các lãnh đạo Triều Tiên và hệ thống thông tin liên lạc được sử dụng để ra lệnh tấn công hạt nhân.
Điểm cốt lõi của toàn bộ kế hoạch này là khả năng phát hiện quá trình chuẩn bị phát động tấn công hạt nhân của Triều Tiên. Việc này sẽ do các máy bay trinh sát RQ-4 Global Hawk Block 30 đảm nhận. Seoul sẽ triển khai 4 máy bay này trong giai đoạn 2017-2019.
Máy bay Global Hawk có thể giám sát các địa điểm phóng tên lửa của Triều Tiên, dù việc theo dõi các bệ phóng di động khó hơn rất nhiều. Hàn Quốc cũng có một số máy bay RC-800, vốn là các máy bay thương mại được hoán cải, có thể thực hiện việc giám sát và nghe lén thông tin liên lạc ở Triều Tiên.
Hàn Quốc không có vũ khí hạt nhân vì thế nước này sẽ phải dựa vào khả năng oanh tạc chính xác và các tên lửa thông thường để tấn công phủ đầu. Tiêm kích F-15K Eagle của Hàn Quốc, một phiên bản hiện đại hơn so với dòng chiến đấu cơ F-15E Strike Eagle Mỹ, sẽ bắn tên lửa hành trình Taurus vào các mục tiêu ở Triều Tiên. Hàn Quốc hiện có 200 tên lửa do Đức sản xuất, mỗi quả mang đầu đạn có sức công phá lớn để phá hủy hầm ngầm và các mục tiêu kiên cố.
Seoul cũng sẽ sử dụng tên lửa tầm xa Hyunmoo đang được tăng cường số lượng trong kho vũ khí của nước này. Tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2A và 2B có tầm bắn lần lượt là 299 km và 498 km, còn tên lửa hành trình Hyunmoo-3 có tầm bắn lên tới 999 km, uy lực tương đương với tên lửa Tomahawk của Mỹ.
Chuyên gia quân sự Mỹ Robert Beckhusen từ WarIsboring nhận định nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ra lệnh tấn công hạt nhân nhằm vào Hàn Quốc, Seoul sẽ cố gắng sát hại ông này và phá hủy thủ đô Bình Nhưỡng ngay trước khi lực lượng hạt nhân Triều Tiên nhận được mệnh lệnh.
"Nếu Triều Tiên gia tăng hành vi khiêu khích đe dọa mạng sống và sự an toàn của người dân chúng tôi, quân đội Hàn Quốc sẽ tấn công quyết liệt vào các lực lượng hỗ trợ và chỉ huy ra mệnh lệnh", thiếu tướng Hàn Quốc Kim Yong-hyun tuyên bố hồi năm 2013, giữa lúc tình hình căng thẳng vì các cuộc tập trận của hai miền ở khu phi quân sự.
Thông thường, "chỉ huy" ở đây là các sư đoàn trưởng của Triều Tiên. Nhưng nếu Seoul có nguy cơ bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân, các lãnh đạo hàng đầu của Triều Tiên, kể cả ông Kim Jong-un, có thể sẽ trở thành mục tiêu tiêu diệt của quân đội Hàn Quốc, một nguồn tin quân sự nước này nói với tờ Chosun Ilbo.
Theo Telegraph, một quan chức quân sự khác, chuẩn tướng Cho Sang-ho, từng đề cập đến các cuộc tấn công hủy diệt trong một cuộc họp năm 2015. "Chúng tôi sẽ phát triển các chiến lược phi đối xứng giúp mang lại lợi thế so sánh trước Triều Tiên như chiến tranh tâm lý, các chiến dịch hủy diệt, lợi thế tình báo và khả năng tấn công chính xác", ông Cho nói.
Những năm đầu thập niên 2000, Seoul đã mua hơn 200 tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn từ Mỹ. Từ Hàn Quốc, các vũ khí này có thể bắn tới Bình Nhưỡng trong thời gian ngắn bởi nơi này chỉ cách khu phi quân sự 144 km.
Hoài nghi
Tiêm kích F-15K Eagle của quân đội Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap |
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự tỏ ra hoài nghi về tính hiệu quả của kế hoạch này, bởi các cuộc tấn công hủy diệt phủ đầu bằng vũ khí phi hạt nhân hiếm khi thành công. Các nhà lãnh đạo quốc gia thường rất cảnh giác, và việc thủ tiêu họ đòi hỏi các thông tin tình báo cực kỳ chính xác trước khi tấn công. Ông Kim Jong-un chắc chắn sẽ có kế hoạch dự phòng để rút xuống hầm ngầm trước khi phát lệnh tấn công.
Khi phát động cuộc xâm lược Iraq, Mỹ đã tiến hành hàng chục cuộc không kích nhằm vào ông Saddam Hussein và các quan chức cấp cao Iraq nhưng đều thất bại.
"Đòn tập kích thất bại làm nhiều dân thường thiệt mạng, dẫn đến tâm lý bất bình và căm ghét trong một số bộ phận người dân Iraq", Marc Garlasco, chỉ huy các chiến dịch nhắm vào các mục tiêu giá trị cao năm 2003 ở Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) nói với New York Times.
Theo một báo cáo hồi năm 2013 của Viện nghiên cứu RAND, việc Hàn Quốc lên kế hoạch thực hiện đòn tấn công phủ đầu ồ ạt bằng vũ khí thông thường cho thấy chính phủ nước này không có nhiều lựa chọn trước mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.
"Rõ ràng, việc tiết lộ kế hoạch tấn công bằng tên lửa hành trình vào nơi ở của ông Kim Jong-un không thể khiến Triều Tiên chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân, bởi ông Kim sẽ theo đuổi tham vọng hạt nhân bằng mọi giá", chuyên gia Beckhusen nhấn mạnh.
Duy SơnNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn