Jane’s Defence Weekly đưa tin, trong cuộc tập trận hải quân Armada Jaya-2016 diễn ra vào ngày 14/9, Hải quân Indonesia (TNI-AL) đã bắn thử tên lửa chống hạm C-705 do Trung Quốc sản xuất nhưng không thành công. Nguồn tin trong TNI-AL cho biết thêm rằng thất bại phát sinh ở nhiều giai đoạn của vụ phóng.
Cụ thể, tên lửa C-705 lắp trên tàu tên lửa tấn công nhanh KRI Clurit (641), lớp KCR-40 không nhận lệnh khi nhân viên điều khiển nhấn nút phóng. Tuy nhiên, tên lửa bất ngờ phóng 5 phút sau đó dù nhân viên kỹ thuật không phát hiện lỗi phóng thất bại.
Tên lửa rời bệ phóng sau khi nhận lệnh tới 5 phút và không thể đánh trúng mục tiêu được chỉ định là một tàu chiến ngưng sử dụng. Một tên lửa C-705 khác phóng từ KRI Kujang (642), lớp KCR-40 gặp lỗi trong giai đoạn giữa của chuyến bay và cũng không thể tìm thấy mục tiêu.
Tàu tên lửa tấn công nhanh lớp KCR-40 lắp tên lửa chống hạm C-705 của Trung Quốc vừa thử nghiệm bất thành. Ảnh: TNI-AL |
Tổng thống Indonesia Joko Widodo quan sát cuộc tập trận từ tàu đổ bộ KRI Banjarmasin (592) và chứng kiến toàn bộ sự việc. Cùng đi với tổng thống là đô đốc Ade Supandi, tư lệnh TNI-AL và tướng Gatot Nurmantyo, tư lệnh lực lượng vũ trang Indonesia.
Cuộc tập trận Armada Jaya-2016 có sự tham gia của 7.000 binh lính, 39 tàu chiến và một tàu ngầm điện-diesel. Cuộc tập trận sẽ kéo dài đến cuối tháng 9, TNI-AL sẽ bắn thử nhiều loại vũ khí, trong đó có tên lửa C-802 cũng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Indonesia và Trung Quốc ký thỏa thuận mua bán và chuyển giao công nghệ sản xuất tên lửa C-705 vào năm 2013. Giá trị thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất tên lửa chống hạm cho Indonesia không được tiết lộ nhưng nước này sẽ được tham gia khoảng 35% vào các công đoạn sản xuất tên lửa chống hạm C-705.
Tên lửa chống hạm C-705 do Trung Quốc sản xuất. Ảnh: Wantchinatimes |
Trong tương lai, tỷ lệ tham gia của Indonesia vào các công đoạn sản xuất sẽ tăng khoảng 5% trong mỗi 5 năm. Công ty quốc phòng quốc doanh PT Pindad của Indonesia sẽ sản xuất tên lửa này theo giấy phép.
Theo Global Security, C-705 là phiên bản xuất khẩu của tên lửa chống hạm C-704 do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc sản xuất. Tên lửa được giới thiệu lần đầu tại triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải 2008.
Tên lửa có trọng lượng 320 kg, đầu đạn 110 kg. C-705 được dẫn hướng đến mục tiêu kết hợp quán tính và radar, cảm biến quang truyền hình giai đoạn cuối, tầm bắn tối đa 140 km. Nhà sản xuất quảng cáo xác suất đánh trúng mục của tên lửa C-705 lên tới 95,7 %.
Sức mạnh hệ thống phòng không Indonesia điều đến Biển ĐôngHệ thống phòng không Skyshield mà Indonesia dự định triển khai có phạm vi tác chiến tối đa 4 km nên chỉ có giá trị về phòng thủ, khó tác động đến tình hình Biển Đông. |
Nguồn tin: news.zing.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn