"Nổi da gà" với cách hạ sốt của một bà mẹ trẻ
Đoạn chia sẻ có nội dung như sau: “Đang bị sốt li bì, uống thuốc, lau mát không hạ… vẫn sốt cao trên 39 độ.
Bà ngoại đi chợ mua con lươn sống về để trên lưng Cún mà kỳ diệu thật, Cún hết sốt lươn chết luôn.
Mẹ nào có con bị sốt cao thì cứ áp dụng nha…hiệu quả 100%”.
Đoạn chia sẻ về cách hạ sốt cho con trên mạng xã hội.
Kèm theo những chia sẻ này là hình ảnh một bé trai khoảng 15 tháng, đang cởi trần và cho lươn bò trên lưng. Ngay sau khi xuất hiện, đoạn chia sẻ này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Rất nhiều bà mẹ tỏ vẻ ngạc nhiên, thậm chí là ghê sợ trước hình ảnh này. “Con mình mà nhìn thấy lươn, chắc khóc thét luôn, chứ chưa nói là cho bò lên người để hạ sốt”, bạn Hạnh Nguyễn chia sẻ.
Tuy nhiên, cũng không ít người đồng tình với đoạn chia sẻ kinh nghiệm trên và cho rằng, bản thân mình cũng đã thực hiện và thấy hiệu quả rõ rệt.
Đây không phải lần đầu tiên phương pháp chữa hạ sốt theo cách dân gian này được các bà mẹ "rộ" lên áp dụng. Trước đó, nhiều người cũng chia sẻ một dòng trạng thái tương tự và nhận được sự quan tâm từ cộng đồng mạng.
Khoa học chưa chứng minh
Trao đổi với chúng tôi về đoạn chia sẻ đang gây “sốt” trên mạng xã hội, cả bác sĩ đông y và tây y đều khuyên các bậc phụ huynh không nên dùng phương pháp này để hạ sốt, chữa bệnh cho con.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái (khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về sức khoẻ của mình. Có người thích đi bệnh viện, có người thích chữa đông y, có người thích lăn lươn, có người thích tự chữa...
Các bác sĩ sẽ không khuyên lăn lươn mà sẽ tư vấn cho người bệnh cách chườm ấm để hạ thân nhiệt kết hợp với dùng thuốc hạ sốt khi sốt cao.
Hiện còn chưa rõ lăn lươn có tác hại gì cũng như có hiệu quả thực sự như thế nào. Bởi vậy, không nên đề cập đến và sử dụng biện pháp này để hạ thân nhiệt.
Về đông y, Thạc sĩ, lương y đa khoa Vũ Quốc Trung (Phòng chẩn trị y học cổ truyền Chùa Cảm Ứng (Hà Nội) cho biết, trong đông y lươn là một vị thuốc nhưng phải với điều kiện được chế biến và nấu chín (hoặc hầm, hấp cách thủy) thì mới có tác dụng. Còn việc dùng lươn sống để lăn trên cơ thể trẻ chữa sốt phát ban là bịa đặt và phản khoa học.
Đồng thời, lương y Quốc Trung cảnh báo, các bậc phụ huynh không nên làm theo kẻo “bệnh không khỏe mà lại thiệt thân”. “Khi trẻ bị sốt các bậc phụ huynh cần theo dõi nhiệt độ trẻ liên tục, tìm các hạ sốt cho trẻ bằng cách cho uống thuốc, nới lỏng quần áo trẻ, nếu sốt cao thì cần phải đưa đến cơ sở y tế ngay”, lương y Vũ Quốc Trung cảnh báo.
Theo Ths Trung đây không phải là lần đầu tiên ông được nghe về phương pháp này, trước đây đã có không ít phụ huynh gọi điện đến để xin tư vấn, thậm chí có trường hợp bị dị ứng theo những đường lươn bò trên cơ thể.
“Đã có một trường hợp, sau khi áp dụng theo phương pháp này, cháu bé bị dị ứng theo từng vệt lươn bò trên da. Sau đó tôi phải giới thiệu vào BV Da liễu thăm khám”, Lương y Trung cảnh báo.
Hạ sốt cho trẻ đúng cách: Trong y khoa, người ta dựa vào 4 nguyên tắc hạ nhiệt vật lý để hạ sốt cho bệnh nhân đó là: (1) dẫn truyền nhiệt, (2) bức xạ nhiệt, (3) đối lưu và (4) nhiệt bay hơi. Cụ thể, khi trẻ bị sốt chúng ta cần: 1. Cho trẻ mặc thật thoáng, mỏng. Tốt nhất là không nên mặc áo quần. 2. Nằm nơi thoáng mát, nếu có điều kiện cho nằm phòng lạnh. 3. Quạt mát, lau mát cho trẻ bằng nước lã thông thường. 4. Nếu thân nhiệt vẫn cao ta mới dùng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn. 5. Đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu trẻ liên tục sốt cao trên 39 độ.5 |
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn