Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters |
Triều Tiên tuần trước khoe thứ được cho là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới trong cuộc duyệt binh quy mô, chỉ hai ngày sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ đối phó thích đáng với Bình Nhưỡng. Một ngày sau đó, Triều Tiên phóng tên lửa ở bờ biển phía đông nhưng thất bại.
Ông Trump đã ra lệnh điều ba tàu sân bay đến gần bán đảo Triều Tiên nhưng các tàu này vẫn đang ở khoảng cách khá xa.
John Nilsson-Wright, một nhà nghiên cứu cấp cao về khu vực Đông Bắc Á tại trung tâm nghiên cứu Chatham House có trụ sở tại Anh, cho rằng việc triển khai đặt ông Trump vào vị trí khó khăn.
Ông nói với Independent rằng tổng thống Mỹ có thể "tự dồn mình vào ngõ cụt" với việc thề không làm ngơ nếu Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa hoặc hạt nhân.
"Nếu Triều Tiên thực sự thử nghiệm nhiều hơn, ông ấy sẽ giải thích thế nào với người dân của mình?", ông Nilsson-Wright đặt câu hỏi và nói rằng ông Trump có thể đã quá tự tin vì nhận được nhiều sự ủng hộ sau các đòn tấn công ở Afghanistan và Syria .
"Một sự phô diễn uy lực phải có tính thuyết phục và với tình hình rất bấp bênh trên bán đảo Triều Tiên thì điều đó khó xảy ra".
Nếu xung đột nổ ra thì không chỉ quân đội Mỹ và Triều Tiên mà cả Hàn Quốc, Nhật Bản đối mặt với nguy cơ hủy diệt trong một cuộc chiến hạt nhân.
Lễ duyệt binh của Triều TiênCác chuyên gia cho rằng Triều Tiên chưa thực hiện được tuyên bố của mình là chế tạo một tên lửa hạt nhân có thể tấn công vào đất liền Mỹ nhưng sự xuất hiện của ICBM và tên lửa phóng từ tàu ngầm tại cuộc duyệt binh cho thấy việc phát triển đang được tiếp tục.
Ông Nilsson-Wright nói rằng mặc dù Triều Tiên nhận thức được đòn thể hiện sức mạnh của Mỹ tại Afghanistan, khi Washington ngày 14/4 bất ngờ tấn công IS ở đây bằng loại bom được mệnh danh "mẹ của các loại bom" ngay sau vụ phóng tên lửa vào căn cứ Syria hôm 7/4, ông Kim có thể vẫn muốn tiếp tục các cuộc thử nghiệm vũ khí để trêu chọc ông Trump.
"Ông Trump có thể đã đi quá xa - bạn vẫn cần ngoại giao, cần một Bộ Ngoại giao hiệu quả với đội ngũ lý tưởng biết họ đang làm gì", tiến sĩ Nilsson-Wright nói thêm.
Quá cứng rắn "có lẽ không phải là cách hiệu quả nhất để đối phó với Triều Tiên", ông nhận xét.
Mặc dù ông Trump dùng các từ ngữ mạnh, các quan chức Mỹ nói với AP rằng chính quyền Trump vẫn đang tập trung vào việc tăng áp lực đối với Bình Nhưỡng qua sự giúp đỡ của Trung Quốc, thay vì lựa chọn quân sự hoặc cố gắng lật đổ ông Kim.
Quan điểm của người Triều Tiên về vũ khí hạt nhânShannon Kile, chuyên gia hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho rằng cuộc duyệt binh của Triều Tiên dường như cho thấy một số tiến bộ kỹ thuật đối với các hệ thống, chúng có thể được vận chuyển và che giấu tốt hơn trước các cuộc tấn công tiềm năng.
"Triều Tiên đang dùng điều đó như cú vỗ vào mặt ông Trump", ông đánh giá. "Họ có một chương trình kéo dài và đã được tiếp tục trong nhiều thập kỷ".
Chính quyền Kim Jong-un vẫn mở cửa đối thoại trực tiếp với Mỹ, ông Kile nói, nhưng những căng thẳng đang ngày càng xấu đi.
"Triều Tiên dường như đang chuyển vũ khí hạt nhân từ mục đích răn đe sang vai trò chiến đấu", ông nói thêm.
"Nguy cơ là có thể xảy ra leo thang vô ý do sự cố hoặc tính toán sai lầm".
Những đòn lên gân của Mỹ và Triều Tiên. Đồ họa: Việt Chung (Click vào hình để xem chi tiết) |
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn