Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. Ảnh: Reuters |
Tại trụ sở Liên Hợp Quốc (LHQ) ở New York, chỉ cách tòa Tháp Trump khoảng 20 phút đi bộ, các nhà ngoại giao trên khắp thế giới đang tỏ ra lo lắng chờ đợi Tổng thống đắc cử Mỹ sẽ tiếp cận thế nào với hồ sơ các điểm nóng trên toàn cầu, bởi một số tuyên bố của ông và những người trung thành mâu thuẫn với giá trị và quan điểm của tổ chức quyền lực nhất thế giới này.
Bình luận viên Somini Senguta của New York Times đưa ra danh sách 7 vấn đề mà chính quyền của ông Trump có thể đi ngược với chủ trương của thiết chế quốc tế quyền lực này.
Biến đổi khí hậu
Tổng thống đắc cử Mỹ từng tuyên bố hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, một văn kiện được xem là thành tựu quan trọng nhất của LHQ trong nhiều năm qua, là một trò lừa bịp và cam kết rút Mỹ khỏi thỏa thuận này.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết đã điện đàm với ông Trump và hy vọng sẽ có một cuộc gặp gỡ cá nhân với Tổng thống đắc cử Mỹ nhằm thuyết phục ông về tầm quan trọng của việc cứu Trái đất khỏi thảm họa môi trường.
Nhiều nhà ngoại giao cũng đang nỗ lực vận động đội ngũ của ông Trump tuân thủ hiệp định này, cho rằng nó rất có lợi cho các doanh nghiệp Mỹ.
Nhập cư
Cao ủy LHQ về nhân quyền Zeid Ra’ad al-Hussein từng cáo buộc tuyên bố cấm cửa người nhập cư đến từ những quốc gia có thể đe dọa an ninh Mỹ của ông Trump là nguy hiểm, xét từ góc độ quan hệ quốc tế.
Tổng thư ký LHQ tương lai António Guterres còn tỏ ra gay gắt hơn khi nói bất kỳ đề xuất nào hạn chế người tị nạn Hồi giáo chỉ càng giúp các tổ chức cực đoan tuyên truyền tư tưởng và tuyển mộ lực lượng.
Thỏa thuận hạt nhân Iran
Ông Trump từng nhiều lần đe dọa hủy bỏ hiệp định đạt được giữa Iran và 6 cường quốc trong năm 2015, theo đó hạn chế những hoạt động hạt nhân của Iran và đổi lại là nới lỏng lệnh trừng phạt đối với quốc gia này.
Tổng thống đắc cử Mỹ bày tỏ quan điểm thù địch với thỏa thuận này trên Twitter, khi nhấn mạnh ưu tiên số một của ông là xem xét lại nó và khẳng định Teheran đã "xỏ mũi" Washington bằng cách đạt được nhiều nhân nhượng mà vẫn có thể phát triển vũ khí hạt nhân trong 15 năm tới.
Tuy nhiên, chưa rõ liệu ông Trump có tìm cách bãi bỏ hoặc sửa đổi thỏa thuận hay không khi 5 quốc gia còn lại đều bày tỏ tôn trọng hiệp định.
Nhân quyền
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng tuyên bố khôi phục hình thức tra tấn bằng cách trấn nước đối với những nghi phạm khủng bố. Điều này là trái với công ước quốc tế về vấn đề tra tấn.
Kris Kobach, một thành viên thuộc nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump đề xuất thành lập một cơ quan đăng ký riêng dành cho những người nhập cư đến từ các quốc gia được cho là có lực lượng khủng bố hoạt động.
Điều này cũng trái với công ước quốc tế về chống phân biệt đối xử, vốn đã có hiệu lực từ 50 năm trước.
Hiệp ước kiểm soát vũ khí
Ông Trump chưa bày tỏ quan điểm cụ thể về hiệp ước kiểm soát vũ khí vốn được Đại hội đồng LHQ thông qua với số phiếu áp đảo vào năm 2013. Tuy nhiên, những tổ chức ủng hộ quyền sở hữu súng ở Mỹ, dẫn đầu là hiệp hội Súng trường quốc gia Mỹ (NRA), một trong những tổ chức ủng hộ ông Trump mạnh mẽ nhất, kịch liệt chỉ trích hiệp ước và cam kết làm mọi cách để Thượng viện Mỹ không bao giờ phê chuẩn hiệp định này.
Quan hệ với Cuba
Tổng thống đắc cử Mỹ cũng chỉ trích gay gắt nỗ lực khôi phục quan hệ với Cuba của chính quyền Tổng thống Obama, vốn được LHQ ủng hộ rộng rãi.
Phó Tổng thống đắc cử Mỹ Mike Pence khẳng định chính sách của chính quyền mới với Cuba sẽ cứng rắn hơn nhiều.
Giải quyết xung đột Israel và Palestine
Ông Trump có quan điểm mập mờ về vấn đề giải quyết mối xung đột lớn nhất tại Trung Đông, vốn làm đau đầu lãnh đạo LHQ suốt nhiều năm qua. Tổng thống đắc cử Mỹ từng hứa sẽ chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem, nơi được coi là "thủ đô vĩnh hằng của người Do Thái". Động thái này nếu được thực hiện sẽ là bước đột phá trong chính sách của Mỹ và gây tâm lý tức giận từ giới chức Palestine.
Xem thêm: Tháp Trump - trụ sở quyền lực mới của nước Mỹ
Nguyễn HoàngNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn