Đơn đặt hàng của Rosoboronexport liên tục tăng
Tại triển lãm hàng không Trung Quốc năm 2016 (China Airshow 2016) tổ chức tại thành phố Chu Hải (hay còn gọi là Zhuhai Airshow 2016), ông Sergey Kornev, trưởng đoàn Nga cho biết, đơn đặt hàng của Rosoboronexport vào đầu năm 2016 đạt khoảng 49,5 tỷ USD.
Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 8 năm nay đã đạt 8 tỷ USD, trong khi vẫn còn khá nhiều đơn hàng giao vào cuối năm. Do đó, dự kiến trong năm nay Nga sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu vũ khí khoảng trên 15 tỷ USD.
Giới quan chức quốc phòng Nga nhận định, các doanh nghiệp sản xuất quốc phòng Nga sẽ hoàn thành kế hoạch mà Tổng thống Putin đã đặt ra là giữ vững vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng xuất khẩu vũ khí thế giới (năm 2015, Nga xếp sau Mỹ với doanh thu là 15,2 tỷ USD).
Trong báo cáo thường niên về tình hình kinh doanh vũ khí thế giới Yearbook 2016 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong giai đoạn 2011-2015, Mỹ và Nga vẫn duy trì vị thế số 1 và số 2 thế giới, chiếm 58% tổng lượng buôn bán vũ khí trên thế giới.
Nga trong các năm 2011-2015 đã tăng xuất khẩu 28%, bảo tồn tỷ lệ chiếm 25% trên thị trường toàn cầu. Trong khoảng thời gian này, vũ khí Nga được cung cấp cho 58 quốc gia, trong đó, khách hàng lớn nhất là Ấn Độ (39%), đồng hạng thứ 2 là Trung Quốc và Việt Nam (đều chiếm 11%).
Các quan chức cấp cao của Ủy ban Liên bang về Hợp tác Kỹ thuật Quân sự nước này cho biết rằng, kế hoạch xuất khẩu của năm 2016 sẽ giữ nguyên định mức so với năm 2015 và duy trì vị trí thứ hai (sau Mỹ) trên thị trường xuất khẩu vũ khí thế giới.
Nếu xét về thị phần, khu vực châu Á-Thái Bình Dương chiếm hơn 40% kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga (thông qua Rosoboronexport), với hơn 20 triển lãm và hội chợ vũ khí quốc tế được tổ chức thường niên, nơi Nga có những khách hàng truyền thống như Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc.
Cơ cấu doanh số xuất khẩu vũ khí của Nga
Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Nga, trong 15 năm qua, nước này đã cung cấp vũ khí tới 116 quốc gia, với trị giá 115 tỷ USD. Trong đó, khoảng một nửa danh mục đặt hàng qua Tổng công ty xuất nhập khẩu vũ khí quốc doanh Nga (Rosoboronexport) là thiết bị kỹ thuật hàng không.
Ông Sergey Kornev, trưởng đoàn Nga ở China Airshow 2016 nhận định rằng, cơ cấu danh mục xuất khẩu vũ khí của Nga đã đã trở nên cân bằng hơn, bằng chứng là số lượng vũ khí bán ra trải rộng trong tất cả các lĩnh vực chủ yếu của thị trường vũ khí toàn cầu.
Vào thời điểm Rosoboronexport thành lập (năm 2000), tỷ lệ kỹ thuật hàng không chiếm tới hơn 80% trong gói đơn đặt hàng. Sự phân bố như vậy theo loại vũ khí thực sự tạo ra rủi ro lớn trong tiềm năng xuất khẩu ở các phân khúc khác - ông Sergey Kornev nói rõ.
Theo ông Kornev, các lĩnh vực chính trong danh mục đặt hàng là kỹ thuật hàng không hiện chiếm khoảng 46% tổng doanh số, với mặt hàng “hot” nhất hiện nay là siêu tiêm kích thế hệ 4++ Su-35S, hiện đã được Trung Quốc và Indonesia chính thức đặt mua.
Ngoài ra, còn hàng loạt nước đang đàm phán ở các cấp độ khác nhau hoặc đang bày tỏ ý định quan tâm đến loại chiến đấu cơ tối tân của Nga, hiện đang được điều động làm nhiệm vụ bảo vệ lực lượng quân sự của Nga ở Latakia-Syria và kiểm soát không phận đất nước này.
Đứng ở vị trí thứ 2 là các phương tiện phòng không chiếm 22%, với sản phẩm “đinh” là các hệ thống tên lửa phòng không S-400. Hiện hệ thống tên lửa phòng không này đã có các khách hàng là Trung Quốc, Ấn Độ, Algeria; đồng thời đang còn nhiều nước “xếp hàng hỏi mua”.
Xếp thứ 3 về cơ cấu là vũ khí và trang thiết bị cho các lực lượng lục quân (đạt khoảng 18%), với sản phẩm đặc biệt được ưa chuộng là xe tăng thế hệ T-90 đã được xuất khẩu tới vài ngàn chiếc. Ngoài ra, còn rất nhiều loại vũ khí lục quân khác của Nga được nước ngoài ưa chuộng.
Tuy nhiên, do vũ khí lục quân có giá thành không cao nên chiếm tỷ lệ doanh số thấp hơn.
Các hệ thống thiết bị kỹ thuật hải quân chiếm tỷ lệ thấp nhất là 10%, do đặc thù chỉ có những nước có biển mới đầu tư cho hải quân, ngoài ra còn do là Nga đang gặp trục trặc từ một số thiết bị, chi tiết phải nhập khẩu từ nước ngoài, ví dụ như nhập động cơ của Ukraine.
Tuy nhiên, với xu hướng đẩy mạnh xuất khẩu các tàu chiến cỡ nhỏ nhưng có hệ thống thiết bị tiên tiến và hỏa lực mạnh (tập trung vào hệ thống tên lửa hành trình đa năng Kalibr), dự kiến trong khoảng thời gian tới, thị phần vũ khí hải quân sẽ tăng lên rõ rệt.
Vũ khí Nga được ưa chuộng sau khi thể hiện ở Syria
Hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ sự rất hài lòng với khối công nghiệp quốc phòng Nga, về khả năng phục vụ của các hệ thống vũ khí tối tân được chế tạo và đang thử nghiệm ở Syria, trong đó, nổi bật nhất là trang bị không quân và vũ khí chính xác cao.
Ông đề cập trước hết là các mẫu vũ khí triển vọng, bởi Nga đã và sẽ tập trung chú ý vào khả năng vận dụng chúng. Hơn 70% vốn của chương trình trang bị vũ khí nhà nước của Nga đang được chi vào công tác thiết kế và sản xuất các thiết bị, vũ khí mới.
Ở giai đoạn đầu tiên, không quân Nga chủ yếu dựa vào các phương tiện kỹ thuật đã được chứng minh như máy bay ném bom Su-24M và Su-25SM, nhưng sau đó đã sử dụng các loại máy bay ném bom Su-34, Su-30SM và cuối cùng là máy bay mới nhất Su-35S.
Theo vị Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Nga Putin, khả năng phục vụ của các hệ thống máy bay chiến đấu cánh cố định thế hệ mới như Su-30SM, Su-34, Su-35 và các loại trực thăng tấn công như Mi-28N, Ka-52… xứng đáng được đánh giá cao.
Ngoài ra, Tổng thống Nga cũng khẳng định rằng, các vũ khí chính xác cao của quân đội Nga cũng đã chứng tỏ tính chất ưu việt của mình ở Syria.
Đặc biệt, để tấn công vào các cứ điểm của chiến binh khủng bố, lực lượng Nga đã sử dụng bom dẫn đường KAB-500S hiện đại và các loại bom KAB-250 hoặc bom chùm tấn công xe tăng, cũng như các tên lửa hành trình tầm xa X-101 và X-555 (Kh-101 và Kh-555).
Ngoài ra, Nga còn triển khai hàng loạt vũ khí phòng không, vũ khí lục quân và hải quân ở Syria, tạo nên một sức mạnh quân sự đáng gờm đối trọng với phương Tây, đồng thời thể hiện hết uy lực, tính chính xác, mức độ tiên tiến và sự tin cậy của các trang bị, vũ khí Nga.
Ông Putin cũng nhắc nhở giới lãnh đạo quốc phòng rằng, chiến dịch ở Syria đã làm rõ những vấn đề nhất định về tính năng các vũ khí, trang bị, cho phép các chuyên gia kỹ thuật tiếp tục chỉnh sửa, phát triển và hoàn thiện các kỹ thuật quân sự hiện tại và trong tương lai.
Theo Huy Bình
Đất Việt
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn