Nhiếp ảnh gia Réhahn Croquevielle đã dành nhiều thời gian và tâm huyết, đi khắp các nẻo đường trên đất nước Việt Nam để ghi lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp về 40 trên tổng số 54 dân tộc ở khắp vùng miền trong vòng 5 năm qua.
Mặc dù là người Pháp nhưng Réhahn rất yêu quý và dành nhiều tình cảm cho Việt Nam, đó là lý do ông cho ra đời những tác phẩm ghi đậm dấu ấn bản sắc và con người Việt Nam. Réhahn hiện đang sống cùng gia đình ở Hội An.
Ông đặt tên cho dự án chụp ảnh các dân tộc Việt Nam là “Bộ sưu tập di sản quý giá”. Ông cho biết đây là bộ sưu tập có ý nghĩa lớn nhất đối với ông.
Một số báo lớn như Busniness Insider hay Independent đều chọn đăng bộ ảnh tuyệt đẹp này của nhiếp ảnh gia người Pháp.
Để cho ra đời những bức ảnh đẹp về các dân tộc thiểu số không phải điều dễ dàng. Réhahn cho biết có thời điểm ông phải mất tới 2 ngày mới có thể tìm ra ngôi làng của một dân tộc thiểu số.
Nhiếp ảnh gia dự đoán ông sẽ cần khoảng hơn 2 năm nữa để hoàn tất việc chụp ảnh 14 dân tộc còn lại của Việt Nam.
Nhiều bản làng ở trên những ngọn núi cao và có rất ít thông tin tìm kiếm, cả bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Đây cũng là một khó khăn đối với người nước ngoài như ông trong quá trình tác nghiệp.
Ông đã cố gắng đến những nơi xa xôi nhất để có thể tìm ra ngôi làng của từng dân tộc theo chỉ dẫn của người dân địa phương.
Và khi đã tìm được nơi ở của các dân tộc, ông thường dành nhiều thời gian để nghe những người già làng kể chuyện và chụp ảnh nơi họ sống.
Nhiếp ảnh gia người Pháp cho biết mỗi khi người dân khoe những trang phục truyền thống hay kể về những nét văn hóa của dân tộc mình, ông nhìn thấy đôi mắt họ bừng sáng.
Sau những giây phút tràn đầy tự hào đó, các già làng thường cảm thấy buồn vì những nét văn hóa truyền thống đang dần mai một đi khi thế hệ trẻ không còn lưu giữ bản sắc độc đáo của dân tộc nữa.
Vì lý do đó, nên Réhahn mong muốn thực hiện bộ ảnh này để lưu giữ những nét đẹp của các dân tộc ở Việt Nam.
Ông Réhahn hy vọng những bức ảnh này sẽ giúp người trẻ hiểu hơn về cuộc sống của các dân tộc thiểu số.
Réhahn cũng mong muốn khi những người trẻ nhìn thấy nền văn hóa của mình qua một lăng kính khác, họ sẽ hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc của dân tộc mình.
Nhiếp ảnh gia nói rằng nhiều người hoàn toàn không nhận thức được một thực tế rằng nhiều nền văn hóa xung quanh họ đang mất dần theo năm tháng.
“Nó giống như một phần của lịch sử văn hóa đã chìm sâu vào giấc ngủ mãi mãi và không có ai làm bất kỳ điều gì để đánh thức nó dậy”, ông Réhahn nói.
Ví dụ như, trên cả nước chỉ còn lại 397 người của dân tộc Brâu.
Người phụ nữ 78 tuổi này là người cuối cùng ở Việt Nam vẫn còn may trang phục truyền thống của dân tộc Ơ Đu. Trên thế giới hiện cũng chỉ còn khoảng 500 người sinh sống.
“Chúng ta biết rằng chúng ta phải nhìn lại trước khi hướng đến tương lai và thật tuyệt vời biết chừng nào nếu có thể khiến mọi người nhớ về những nét đẹp trong di sản văn hóa độc nhất vô nhị của dân tộc mình”, ông Réhahn chia sẻ.
Trong suốt dự án của mình, Réhahn chụp nhiều bức ảnh về trang phục truyền thống của các dân tộc.
Mục tiêu của Réhahn là xây dựng một bảo tàng văn hóa dân tộc ở Hội An và trưng bày những bức ảnh chụp những bộ trang phục và kể về những câu chuyện của các dân tộc ở Việt Nam.
Thành Đạt
Theo Independent