Reuters dẫn lời tướng Mã Hiểu Thiên, tư lệnh Không quân giải phóng nhân dân Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đang phát triển loại máy bay ném bom tầm xa mới nhằm nâng cao sức mạnh cho không quân chiến lược Trung Quốc.
“Chúng tôi đang phát triển thế hệ máy bay ném bom tầm xa mới và bạn sẽ thấy nó trong tương lai”, tướng Mã nói trong một hội thảo tổ chức tại Đại học Hàng không Trung Quốc vào ngày 1/9. Nhưng ông Mã không cung cấp chi tiết về dự án.
Việc Trung Quốc phát triển máy bay ném bom mới không phải là điều bất ngờ. Trước đó dư luận đồn đoán khá nhiều về dự án này. Không quân Trung Quốc thiếu hụt năng lực ném bom chiến lược tầm xa. Một máy bay mới có khả năng vượt khoảng cách xa xôi của Thái Bình Dương là rất hữu ích, vì Trung Quốc hầu như không có căn cứ ở Thái Bình Dương.
Hiện tại, H-6K là loại máy bay ném bom tầm xa chủ lực của Không quân Trung Quốc. Nó là phiên bản của máy bay ném bom Tu-16 do Liên Xô sản xuất vào những năm 1960.
Thời gian gần đây, Trung Quốc đã nâng cấp H-6K để mang tên lửa hành trình tấn công mặt đất, tương tự chiến thuật sử dụng Tu-22 Backfire của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, H-6K không đủ khả năng tấn công lục địa Mỹ. Do đó, Trung Quốc cần máy bay ném bom tầm xa mới để uy hiếp lục địa Mỹ khi cần thiết.
H-6K, máy bay ném bom tầm xa chủ lực của Không quân Trung Quốc. Ảnh: Sino Defence |
Nhà phân tích quốc phòng người Mỹ Dave Majumdar nhận định, Bắc Kinh có thể phát triển loại máy bay ném bom tầm xa tốc độ cận âm mang tên lửa hành trình tương tự B-52 của Mỹ hoặc Tu-95 của Nga. Bắc Kinh cũng có thể hướng đến một thiết kế có tốc độ siêu âm như Tu-160 của Nga.
Trung Quốc cũng có thể phát triển máy bay ném bom chiến lược tàng hình tương tự B-2 Spirit của Mỹ. Trong năm 2007, Defence Aviation cho biết, Trung Quốc đang phát triển máy bay ném bom chiến lược tàng hình H-8 có thiết kế rất giống B-2 của Mỹ.
H-8 được cho là đã tiến hành chuyến bay thử nghiệm tại một sân bay ở Tây An. Tuy nhiên, tình trạng của dự án này chưa được công bố và không rõ có còn tiếp tục phát triển hay không.
Ông Majumdar nhấn mạnh rằng, công nghiệp hàng không Trung Quốc chưa thể làm chủ công nghệ chế tạo động cơ phản lực cho máy bay tầm xa. Động cơ phản lực đang trở thành “nút cổ chai” trong sự phát triển của công nghiệp hàng không Trung Quốc.
Trong chuyến thăm đến Tổng công ty Động cơ Hàng không Trung Quốc (AECC) vào cuối tháng 8, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi đội ngũ các nhà khoa học, kỹ sư đẩy nhanh việc nghiên cứu và làm chủ công nghệ sản xuất động cơ phản lực và động cơ tuabin khí. Điều đó cho thấy, Trung Quốc đang ý thức rằng, vấn đề động cơ đang cản trở sự phát triển của công nghiệp hàng không nước này.
Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng kêu gọi AECC đổi mới quy trình sản xuất, cải thiện chất lượng để sản xuất những động cơ phản lực đáng tin cậy. Như vậy, quá trình phát triển máy bay ném bom tầm xa mới của Trung Quốc có thể sẽ phụ thuộc vào việc giải quyết vấn đề chất lượng của động cơ phản lực nội địa.
Công nghiệp hàng không quân sự Trung Quốc có thể sẽ có bước phát triển đột phá khi vấn đề động cơ được khắc phục.
Trung Quốc đốt 23 tỷ USD cho máy bay chiến đấu?Doanh nhân từng đứng ra mua tàu sân bay Liêu Ninh cho Hải quân Trung Quốc nhận định Bắc Kinh đã phung phí 23 tỷ USD mà vẫn không sản xuất được động cơ tử tế cho máy bay chiến đấu. |
Nguồn tin: news.zing.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn